Nhớ mãi thầy Tùng - Nhà báo Hoàng Tùng

Nhớ mãi thầy Tùng - Nhà báo Hoàng Tùng
Nhà báo Hoàng Tùng
Nhà báo Hoàng Tùng

Còn nhớ Tết Kỷ Sửu, nghĩ rằng khó gặp lại anh đến Tết sau, tôi dẫn con trai đến chúc Tết anh khi anh được bệnh viện cho phép về thăm nhà một hai ngày đón Tết, tuy nói đã khó khăn nhưng anh vẫn nói say sưa về Đảng, về Bác Hồ và tư tưởng của Người về Đảng, về sự đổi thay của thế giới, công cuộc đổi mới đất nước và còn đưa tiền mừng tuổi cho bố con tôi như thông lệ của các gia đình Việt Nam trong ngày Tết với người thân. Rồi Tết Canh Dần vừa rồi tôi theo các đồng chí lãnh đạo Báo Nhân Dân qua các thời kỳ - những người kế tục sự nghiệp của anh, đến thăm anh tại bệnh viện, anh đã rất mệt nhưng còn nhận  ra, hỏi chuyện từng người và hỏi thăm những người vắng mặt... Thế rồi việc gì xảy ra cũng xảy ra, anh đã từ biệt chúng tôi. Biết là chuyện sẽ xảy ra nhưng khi xảy ra vẫn thấy bâng khuâng. Nhớ anh, với riêng tôi nhớ mãi về người thầy thực sự trong nghề làm báo của mình.

Trong cuộc đời, ai cũng có những người thầy, khi là thầy dạy chữ, khi là thầy dạy nghề. Khi đi học, thông thường chúng tôi đều thích những thầy thoải mái, dễ dãi; nhưng khi có một chút sự nghiệp, ngồi ngẫm lại mới thấy những thầy giáo công bằng, nghiêm khắc mới là những người thầy thật sự rèn học trò nên người. Rèn nghề báo cho tôi - và có thể nói thế hệ chúng tôi, anh Hoàng Tùng là người thầy như thế.

Anh Hoàng Tùng là cán bộ lão thành cách mạng mà chúng tôi rất kính trọng, là đảng viên từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, đã từng là Bí thư Thành ủy Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám, là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Phó Bí thư Liên khu ủy 3, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đã từng viết báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La khi bị giam cầm trước khi về phụ trách tờ báo Đảng. Khi tôi chuyển từ cấp ủy Đảng địa phương lên làm Báo Nhân Dân năm 1957, anh Hoàng Tùng đã là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân từ lâu rồi và là Tổng Biên tập suốt 30 năm, người phụ trách lâu năm nhất của tờ báo Đảng. Ở cơ quan báo, tôi không được nghe anh giảng những bài nhập môn như tính chất, chức năng, nhiệm vụ, thể loại... Việc đó đã có các anh Quang Đạm, Xuân Trường, Thép Mới, những người làm báo lâu năm và có nhiều kinh nghiệm. Học nghề ở anh Hoàng Tùng chủ yếu là quan sát việc chữa bài cho tôi và chỉ đạo tòa báo theo nhiệm vụ của anh; và theo tôi đó là những bài học quan trọng nhất vì ai đó đã nói học không qua bài vở, không qua giảng giải như Lão Tử từng nói là "học không dạy" mới là dạy và học thiết thực.

Có thể nói, anh Hoàng Tùng là cây bút bình luận chính trị hàng đầu nước ta, và anh thường nói với chúng tôi là học phong cách và phương pháp làm báo của Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh. Ngoài việc viết những bình luận quan trọng, anh là đồng chí Tổng Biên tập rất nhạy cảm, có nhiều sáng kiến và có tinh thần trách nhiệm cao chỉ đạo nội dung tờ báo, và đó là điều quan trọng nhất với người phụ trách. Tôi là lớp cán bộ thứ hai của Báo Nhân Dân, cho nên những việc trước đó trong thời kỳ đầu và trong kháng chiến ở Việt Bắc, tôi không hề biết. Nhưng chúng tôi đã chứng kiến anh chỉ đạo tờ báo lĩnh xướng trong dàn đồng ca báo chí nước nhà cổ vũ phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang"; rồi kiên trì đeo đuổi phong trào "Đại Phong" trong nông nghiệp, "Duyên Hải" trong công nghiệp, "Ba Nhất" trong quân đội với những sáng kiến rất phong phú như phong trào "Sống như Anh" nhân sự kiện hy sinh của anh Nguyễn Văn Trỗi, phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn" xuất phát từ phong trào tình nguyện lên đường kháng chiến khởi đầu ở huyện Ứng Hòa và kiên trì theo đuổi phong trào chuyển vụ lúa chiêm sang vụ lúa xuân ở Thái Bình. Đặc biệt anh chỉ đạo tờ báo kiên quyết ủng hộ phong trào khoán sản phẩm trong nông nghiệp, coi như khởi điểm mô hình đổi mới ở nước ta... Tìm trong thực tiễn những điển hình để kiên trì cổ vũ ý tưởng mới, phong trào mới là bài học nhớ đời đối với người lãnh đạo, quản lý báo chí. Bên cạnh việc tích cực ủng hộ nhân tố mới, anh cũng chỉ đạo để báo mở chuyên mục "Chuyện lớn, chuyện nhỏ" từ năm 1955 trao cho các anh Như Phong, Thợ Rèn phụ trách nhằm phê phán các thói hư tật xấu, những suy nghĩ bảo thủ, cứng nhắc của cán bộ để làm cho bộ máy và xã hội trong sạch hơn... Thông thường những việc như thế là rất mới, trong dư luận còn có những ý kiến khác nhau ngay cả trong các đồng chí lãnh đạo cao cấp cho nên không chỉ đòi hỏi sự sắc sảo mà còn đòi hỏi bản lĩnh và tinh thần dám chịu trách nhiệm của người phụ trách tờ báo.

Công việc của đồng chí Tổng Biên tập rất nhiều và khẩn trương, đó là chưa kể những việc Ban Bí thư phân công anh làm, nhưng anh vẫn trực tiếp viết nhiều bài bình luận quan trọng, trực tiếp chữa các bài bình luận, xã luận và phóng sự điều tra, ký duyệt maquette trang một rồi mới ra khỏi cơ quan thường vào khoảng hơn 10 giờ đêm để về nhà ăn cơm tối. Anh rất công bằng, ai viết hay, bài nào hay thì khen, bài nào viết dở thì chê. Anh chữa bài rất nghiêm khắc nhưng cũng rất chu đáo. Có không ít bài bắt viết lại. Có bài dập xóa cả đoạn dài kèm theo lời phê rất thẳng thắn ở góc bài. Nộp bài cho anh và chờ anh chữa bài là thời gian hồi hộp nhất. Người viết nào cũng quý từng dòng, từng chữ như con đẻ, nhưng được anh chữa bài bao giờ cũng thấy bài viết được nâng lên. Trong thời gian đầu, có lẽ tôi là người viết bình luận kém so với những bạn cùng lứa cho nên hay bị anh chữa nhiều kèm theo lời nhận xét đọc nóng cả mặt nhưng thấy bài viết được gọn gàng, sắc sảo hơn lại thấy công lao của người chữa bài cho nên chỉ coi đó như những bài học tự rút kinh nghiệm mà vươn lên.

Có thể nói anh là thầy nghề nghiêm khắc. Nhưng dưới thời anh làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân anh đã có công đầu đào tạo những cây bút sắc sảo có dấu ấn trong lòng bạn đọc, có người trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình phụ trách. Khắc nghiệt, đòi hỏi cao ở cây bút là để rèn cây bút. Cho nên có người lãnh đạo vững vàng, sắc sảo, lại có những cây bút tài năng, tờ báo Đảng đã trở thành người lĩnh xướng cho báo chí cả nước.

Công lao lớn của anh với Báo Nhân Dân là định hướng chính trị đúng, xác định trọng tâm chủ đề trúng cho tờ báo và đào tạo được nhiều cây bút có thẩm quyền. Uy tín của anh trong xã hội cũng như trong giới báo chí rất cao. Khi nghỉ, anh lại sống cuộc sống bình thường. Không còn người bảo vệ kè kè bên cạnh, anh lại có dịp la cà ăn quà vặt trong chợ như anh vẫn thích. Mặc dù anh vẫn có thể gọi ô-tô công đi nơi này nơi khác nhưng khi còn khỏe anh lại thích cưỡi xe ôm, nhảy xích-lô hoặc đi bộ tới thăm bạn bè, chơi Văn Miếu, dự Câu lạc bộ ca trù ở Cát Linh và ngồi ghế đá ven Hồ Hoàn Kiếm tán gẫu với các cụ về hưu. Và anh vẫn viết báo do các tòa soạn nhờ anh, và bao giờ anh cũng trả bài đúng hẹn như khi còn làm báo chuyên nghiệp.

Bây giờ thì anh đã xa chúng tôi nhưng tôi vẫn nhớ tới anh như người thầy dạy nghề trong sự nghiệp báo chí và cả tấm gương sống hòa nhập của một người đã ở tuổi nghỉ.

Theo Hữu Thọ (Nhân Dân)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.