(GD&TĐ) - Thời gian như con thoi lặng lẽ trôi. Mới ngày nào tôi còn là một cô bé con, ôm chặt lấy mẹ vì sợ phải đến trường. Vậy mà, giờ đã gần ba mươi mùa phượng vĩ rồi, nhưng trong tôi vẫn không sao quên được hình ảnh của cô Mai - giáo viên Địa lí năm lớp 9.
Cô sống giản dị, không tô son điểm phấn mà vẫn rất đẹp. Khuôn mặt tròn như trăng rằm, trắng hồng. Miệng cô lúc nào cũng tươi cười. Đặc biệt cô có đôi bàn tay búp măng và viết chữ rất đẹp. Tuy dạy Địa lí - một môn phụ nhưng mỗi giờ học của cô luôn thú vị với chúng tôi. Hình ảnh núi sông, biển cả mênh mông như đang hiện ra trước những đôi mắt ngây thơ của lũ học trò chúng tôi. Trái đất như một người mẹ hiền mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người dưới mỗi bài giảng của cô. Ngoài những lí thuyết khô khan trong sách giáo khoa, cô thường lồng vào bài dạy của mình những bài hát về trái đất, về dòng sông, ngọn núi nên rất dễ thuộc dễ nhớ. Năm lớp 9 cũng là năm phải thi chuyển cấp. Chúng tôi chỉ tập trung vào học và ôn môn chính. Nhưng mỗi lần đến giờ Địa lí của cô, lớp tôi đều yêu thích và học một cách say mê.
Ảnh minh họa/internet |
Tôi còn nhớ, một lần đi chợ cùng mẹ, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra cô Mai với gánh rau lang trên vai. Thì ra, ngoài giờ lên lớp, cô còn phải trồng rau, nuôi gà bán để kiếm thêm thu nhập. Cô đặt gánh rau xuống bên đường, lấy chiếc nón quạt cho đỡ nóng vì những giọt mồ hôi nhễ nhại chảy trên hai má. Mọi người lại mua rau, cô mỉm cười bán và vui vẻ. Lúc đó, trong trái tim non nớt của tôi thật sự không nghĩ một cô giáo viên xinh đẹp như cô vẫn phải đi bán từng bó rau như mẹ tôi. Tuy cuộc sống khó nhọc nhưng cô vẫn giữ được vẻ đẹp giản dị và đặc biệt cô vẫn dạy chúng tôi rất tận tâm.
Có lần, cô dành thời gian để tâm sự với lớp. Cô hỏi: “Các em hãy cho cô biết ước mơ sau này của mình là làm nghề gì?”. Có đứa thì muốn làm bác sĩ, đứa muốn làm kỹ sư… Nhưng cả lớp dường như không một đứa nào muốn sau này trở thành giáo viên và nhất là giáo viên dạy môn phụ như cô. Vì dạy toán thì còn có thêm thu nhập từ dạy thêm chứ dạy môn phụ thì khổ lắm. Và đến lượt tôi, tôi đã nói một câu mà sau này cảm thấy hối hận vô cùng vì đã làm cô buồn: “Thưa cô! Em muốn làm một luật sư ạ! Em không muốn làm giáo viên vì giáo viên nghèo lắm, nhất là giáo viên dạy những môn phụ ạ!”. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nói với cô như vậy nữa. Cả lớp nhìn tôi rồi nhìn cô, cô không giận mà lặng lẽ mỉm cười. Cô chúc chúng tôi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp một cách xuất sắc nhất.
Lần đó, nhân ngày 20/11 đến, lớp chúng tôi tụ họp lại để đến thăm cô. Cả lớp cùng kéo đến nhà cô, chúng tôi hớn hở, vui vẻ nghĩ chắc cô sẽ vui lắm khi nhận những món quà của chúng tôi. Nhưng khi vừa bước đến nhà cô, chúng tôi thật sự ngạc nhiên và bất ngờ khi trước cửa ngôi nhà nhỏ bé của cô là chiếc ô tô thật to. Và trong nhà cô có cả những anh chị học trò của cô, tất cả giờ đây đều làm kỹ sư, bác sỹ, có người là phó giám đốc sở này sở nọ đến thăm cô. Tôi nhận ra anh Hiếu, một kỹ sư giỏi, thành đạt ở gần nhà tôi cũng đến thăm cô. Lúc ấy, tôi mới thật sự hiểu rằng nghề giáo mới thật là nghề cao quý nhất, vì đó là thầy của mọi người thầy và cũng không nhất thiết phải là giáo viên dạy môn chính mới là giáo viên đáng được coi trọng.
Dù phải tiếp đón các anh chị học trò cũ của cô nhưng khi nhìn thấy chúng tôi, cô đã rất vui. Cô gọi mỗi đứa vào nhà và cắt trái cây cho chúng tôi ăn. Khi ra về cô vẫn không quên mang những món quà mà chúng tôi tặng cô để trả lại. Cô nhìn chúng tôi âu yếm bảo: “Sau này, các em ra đời, đi làm có tiền lúc ấy hãy quay về thăm cô và tặng gì cô cũng nhận hết nhé! Giờ còn đi học làm gì có tiền mà tặng. Các em nên nhớ đây là mồ hồi nước mắt mà cha mẹ các em phải thức để bó từng bó rau, củ khoai để bán mới có tiền mua đó”.
Từ ngày đó, tôi đã hiểu ra rằng, cuộc sống không phải hễ có tiền là có thể mua được tất cả. Đã bao nhiêu năm trôi qua, từng mùa ve kêu, phượng nở, chúng tôi bước vào dòng đời mang theo hành trang trên vai với những bài học nằm lòng mà cô đã dạy. Giờ đây, khi đã là một giáo viên, tôi luôn sống và làm việc theo tấm gương của cô. Cô là người thầy vĩ đại nhất đã chắp cánh ước mơ của tôi đến những vùng trời mới tươi đẹp hơn. Cô là người mẹ thứ hai của tôi, đúng như lời bài hát “khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”.
Mã số: 1038