Nhớ... chợ

Nhớ... chợ

(GD&TĐ) - Bài học đắt giá nhất là việc người tiêu dùng quay lưng với các trung tâm thương mại vốn chỉ bày bán những mặt hàng hóa cao cấp, kể cả với lương thực thực phẩm; tiểu thương thì mất chỗ, mất nghiệp, lại co cụm nhau hình thành các chợ tạm, chợ cóc quanh...chợ cũ.

... Nhưng “nâng cấp” như chợ Hàng Da này thì chỉ có “được” một trung tâm thương mại ế ẩm
... Nhưng “nâng cấp” như chợ Hàng Da này thì chỉ có “được”  một trung tâm thương mại ế ẩm

Điểm mặt “chợ ép”

Những người dân vùng Hoàng Mai (nay thuộc khu vực phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ thế kỷ trước đã quá quen với sự sầm uất của chợ Mơ - chợ đầu mối của cả một vùng dân cư. Cũng như người dân vùng Bưởi quen thuộc với chợ Bưởi; dân phố cổ là chợ Hôm, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da... Nhưng chỉ gần 10 năm trở lại đây, những ngôi chợ truyền thống đó đã mất dần, nhường chỗ cho các trung tâm thương mại hiện đại (chợ Mơ,  Bưởi, Hàng Da... ; hay “lai” giữa mới và cũ như chợ Hôm, Đồng Xuân, Trương Định...). Để tìm được những ngôi chợ truyền thống sầm uất đúng nghĩa ở Hà Nội bây giờ chỉ có thể ra các vùng ven đô.

Đành rằng, xã hội phát triển thì cơ sở hạ tầng các điểm mua bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân cần có những đổi mới, sắp xếp cho khoa học, tiện lợi và hiện đại hơn. Tuy nhiên, với những người dân đã hàng chục năm gắn bó với chợ truyền thống để mưu sinh (bán hàng), hay chỉ là thói quen hàng ngày xách túi, xách làn qua chợ mua đồ ăn nấu những bữa cơm gia đình... thì chợ truyền thống vẫn rất thân quen và tiện lợi.

Chị Yến (Minh Khai, Hà Nội) cho biết 3 đời phụ nữ trong gia đình chị gắn bó với chợ Mơ ngày ngày, để mua sắm đồ ăn thức uống cho từng thế hệ trong gia đình sinh ra và lớn lên. “Chợ cũ vẫn khiến gia đình tôi hài lòng về thực phẩm, rau  xanh, hoa quả tươi ngon, phong phú đa dạng, tha hồ lựa chọn. Ở nhà đạp xe ra chợ loáng cái là mua đủ thứ cần dùng trong ngày. Chỉ cần chợ nâng cấp sạch sẽ khang trang hơn là đủ, chứ thành trung tâm thương mại kèm chợ hiện đại, siêu thị thì chẳng tiện và phù hợp với người bình dân thu nhập thấp như gia đình tôi”- chị Yến chia sẻ.

Được chuyển đổi sớm nhất từ mô hình chợ truyền thống sang hình thức trung tâm thương mại ở Hà Nội (từ cách đây hơn 10 năm) là chợ Cửa Nam, Hàng Da và chợ Bưởi. Đến lúc này, chính Sở Công thương Hà Nội (đơn vị chủ quản về thương mại của thành phố) cũng phải thừa nhận sự thất bại nặng nề của tất cả các mô hình chuyển đổi này. Đó là cũng là lý do mà chợ Mơ sau gần 10 năm xây dựng lại vẫn chưa thể đưa vào hoạt động; chợ Hôm (phố Huế) dù đã có dự án cải tạo từ lâu nhưng vẫn chưa thể triển khai.

Bài học đắt giá nhất là việc người tiêu dùng quay lưng với các trung tâm thương mại vốn chỉ bày bán những mặt hàng hoá cao cấp, kể cả với lương thực thực phẩm; tiểu thương thì mất chỗ, mất nghiệp, lại co cụm nhau hình thành các chợ tạm, chợ cóc quanh...chợ cũ. Điển hình nhất có lẽ là hình ảnh hiện hữu quanh chợ Hàng Da, chợ Mơ hay mới nhất là chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân)... Người dân vẫn phải mua bán đồ ăn thức uống cho gia đình, tiểu thương cả đời kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ không phải bỗng chốc có thể chuyển đổi sang nghề khác, mất chỗ này, lại bưng thúng vác sạp ra chỗ khác ngồi, lúc nào “đuổi” lại đi.

Không cần phải là chuyên gia nghiên cứu thị trường cũng có thể thấy rằng bản chất của các cơ sở buôn bán đó vẫn là nơi giao thương hàng ngày, là điểm “dân sinh” nơi “cung” - “cầu” gặp nhau, từ đó mà hình thành nên chợ. Chứ kiểu “chợ” ép thành các trung tâm thương mại như Hà Nội đã và đang thí điểm triển khai (cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm chuyển đổi mô hình như thế này), thay vì cải tạo cho hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người mua bán, phương tiện ra vào chợ dễ dàng, thì lại đi theo hướng bỏ cũ làm mới; không khác việc người nông dân đi xe đạp lại bắt biến ngay thành người thành phố mặc áo cổ cồn chạy xe hơi. Bất tiện trong giao thương chỉ là một chuyện, chuyện khác quan trọng hơn: dân không phải ai cũng có tiền để vào các trung tâm thương mại mua bán hàng ngày. Vậy nên, nói chuyển đổi nóng vội là ở chỗ đó.
 

Chợ truyền thống cũ cùng cần “nâng cấp” lại cho phù hợp cuộc sống ngày càng phát triển...
Chợ truyền thống cũ cùng cần “nâng cấp” lại cho phù hợp cuộc sống ngày càng phát triển...

Học cách tổ chức lại chợ của “tỉnh lẻ”

Khi mà những nhà quy hoạch thị trường của Hà Nội đang loay hoay với bài toán chuyển đổi mô hình chợ truyền thống (theo nhãn quan của giới quản lý chứ không phải bởi nguyện vọng của người dân) thì ở một “tỉnh lẻ” ngay gần Hà Nội là Bắc Giang lại có cách tổ chức lại các chợ truyền thống hợp lý hơn rất nhiều.

Gần đây nhất vào đầu năm 2013, “sự kiện” khánh thành và đưa vào hoạt động một loạt chợ của Hợp tác xã Hải An (thành phố Bắc Giang) đã khẳng định một cách chắc chắn rằng chợ truyền thống vẫn giữ một vị trị quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của địa phương này, nhưng cần thiết phải xây dựng, sắp xếp và quản lý lại một các hiện đại, chặt chẽ và khoa học hơn. Tính đến thời điểm này, đã có sáu ngôi chợ trên riêng địa bàn tỉnh Bắc Giang được đầu tư xây dựng bởi một doanh nghiệp tư nhân trong vòng năm năm trở lại đây.

Nằm trên trục hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội, tỉnh Bắc Giang có vị trí khá đặc biệt đối với quá trình thông thương Việt - Trung nhờ Quốc lộ 1A đi qua. Từ nhiều năm nay, mặc dù chợ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh nhưng đều là chợ kiểu cũ, hạ tầng xuống cấp, độ an toàn cực thấp. Chợ xã hầu hết chỉ là khu đất trống được dựng tạm bằng tre nứa, vải bạt... Những ngôi chợ như thế tồn tại nhiều năm mà hầu như không có kế hoạch sửa chữa, xây mới. Thực trạng này, ngay cả đô thị lớn là Hà Nội cũng gặp phải, với rất nhiều ngôi chợ “xập xệ” giữa nội thành hiện nay.

Chuyện doanh nghiệp đầu tư làm chợ, ngoài nhạy bén kinh doanh của doanh nghiệp trong việc nắm bắt thị trường còn phù hợp với thực tế nền kinh tế của đất nước hay từng địa phương. 

Người dân chung quanh khu vực Nhà máy phân đạm-hoá chất Hà Bắc (vùng ven thành phố Bắc Giang) còn nhớ cách đây sáu, bảy năm, chợ Thiết bị xuống cấp thảm hại, tiểu thương ngại cả mang hàng đến chợ bởi độ an toàn phòng chống cháy nổ quá thấp. Tình trạng bán hàng tràn ra ngoài đường gây lộn xộn, mất an ninh trật tự như cơm bữa. Ông Dương Văn Chiến, lúc đó là Chủ nhiệm HTX Hải An, đã mạnh dạn mang đơn đến UBND thành phố xin đầu tư làm chợ mới, vốn hoàn toàn do HTX huy động. Lúc đó, việc này chưa hề có tiền lệ nhưng sau khi thành phố họp, xin ý kiến lãnh đạo tỉnh và được tỉnh ủng hộ việc xã hội hóa xây dựng và quản lý chợ. Thành phố đã mạnh dạn trao “cờ” làm chợ cho doanh nghiệp.

Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho rằng: Có hai lý do để giao việc đầu tư và kinh doanh chợ cho doanh nghiệp, đó là Nhà nước vẫn thu được tiền cho thuê đất, tiền thuế đất hằng năm, lại không phải bỏ vốn, chịu trách nhiệm khai thác, quản lý.

Mà rõ ràng, việc đầu tư, khai thác và quản lý doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn vì lĩnh vực này họ có chuyên môn, lại do tiền túi của họ bỏ ra đầu tư. Chỉ có một khó khăn là khi doanh nghiệp công bố giá thuê kiôt (có thể là cao hơn so với giá cho thuê nếu nhà nước đầu tư) giới tiểu thương sẽ khó đồng thuận. Tuy nhiên, cuối dùng mọi việc cũng được chấp thuận êm thấm. Chợ Hà Vị (tên mới của chợ Thiết bị) chính thức hoạt động đầu năm 2009, là ngôi chợ lớn thứ nhì thành phố Bắc Giang lúc đó, đã kéo được tất cả tiểu thương vào kinh doanh trong chợ.

Cần mạnh dạn trao quyền tự chủ cho tư nhân bỏ tiền đầu tư vào chợ truyền thống?

Khi một cá nhân tự bỏ tiền ra để đầu tư, đương nhiên phải nghiên cứu kỹ thị trường cũng như hướng đi để chọn phương án khả thi nhất. Một số mô hình chợ hiện đại trên nền tảng chợ truyền thống ở Bắc Giang ra đời gần đây là trên cơ sở đó. Đó là điều mà một “tỉnh lẻ” như Bắc Giang lại làm được, mà Hà Nội thì thất bại hoàn toàn...

Thanh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ