(GD&TĐ)-Chiều nay (4/10), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTV) họp bàn, thảo luận về dự án Luật Đo lường. Các ý kiến tập trung vào chế tài xử lý vi phạm, trong đó có 2 luồng ý kiến khác nhau.
Nhiều nghi hoặc về gian lận cũng đã đặt ra với hàng ngàn điểm bán xăng, dầu khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang (ảnh MH) |
Theo đó, đa số ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội (43/50) cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận còn quá nhẹ, cần nâng cao hơn nữa. Thậm chí, có ý kiến còn đề nghị nâng mức xử phạt lên 20-50 lần số tiền thu lợi bất chính.
Các đại biểu cho rằng, chế tài xử phạt phải nghiêm minh, cần áp dụng phương pháp xử phạt kép, ngoài xử phạt còn phải đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường. Sau khi xử phạt cần công bố công khai trên các phương tiên thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe, nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm…
Việc tính toán số tiền thu lợi bất chính trong đo lường cần quy định rõ hoặc đề văn bản dưới luật hướng dẫn nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Cần quy định cụ thể hơn về quy trình, thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi, mức độ vi phạm, đặc biệt là trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính.
Mức phạt hiện hành đối với hành vi vi phạm pháp luật về đo lường có khung cao nhất là 30 triệu đồng. Trong dự thảo Luật Xử lý Vi phạm hành chính ngày 15/3/2011, mức phạt tiền lớn nhất trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang được đề xuất là 100 triệu đồng. |
Bên cạnh đó, có 7/50 ý kiến cho rằng, việc quy định mức xử phạt, tính toán số tiền thu lợi bất chính từ các hành vi gian lận trong đo lường cần phù hợp với các quy định hiện hành để đảm bảo tính thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật hoặc để văn bản dưới luật hướng dẫn nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Mức phạt hiện hành đối với hành vi vi phạm pháp luật về đo lường có khung cao nhất là 30 triệu đồng. Trong dự thảo Luật Xử lý Vi phạm hành chính ngày 15/3/2011, mức phạt tiền lớn nhất trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang được đề xuất là 100 triệu đồng. Mức phạt này được cho là không đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm
Hầu hết các thành viên UBTV đều cho rằng cần thiết phải ra đời Luật Đo lường, bởi hiện tại, từ kinh doanh xăng dầu đến vàng bạc, hàng hóa khác đều xảy ra nhiều vi phạm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên rõ ràng dự luật vẫn còn nhiều bất cập, cần bổ sung và sửa chữa trước khi trình Quốc hội bàn bạc và thông qua.
Minh Duy