(GD&TĐ)- Sáng nay (22/12), sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học “Hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục âm nhạc, mỹ thuật, thể chất ở trường phổ thông Việt Nam” đã kết thúc với gần 100 ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã theo sát các buổi hội thảo tại các Tiểu ban và có bài phát biểu quan trọng trong phiên toàn thể bế mạc hội thảo.
Hội thảo đầu tiên về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, thể chất
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại phiên toàn thể bế mạc hội thảo. Ảnh, gdtd.vn |
Theo đánh giá của các đại biểu, đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo khoa học quy mô quốc gia bàn về đổi mới giáo dục nghệ thuật, thể chất. Chính vì vậy, hội thảo lần này được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo đặc biệt quan tâm và đăng kí tham gia. Số đại biểu có mặt tham gia hội thảo tăng nhiều hơn kế hoạch ban đầu ban tổ chức dự kiến.
Kỷ yếu của hội thảo cũng đã nhận được hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu tâm huyết của các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo giàu kinh nghiệm thực tiễn. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo đều tập trung vào lý luận, thực tiễn giảng dạy, học tập âm nhạc, mĩ thuật, thể chất ở trường phổ thông; xác định mục tiêu giáo dục, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, cách thức tổ chức các hoạt động, kiểm tra đánh giá học sinh, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các môn mỹ thuật, thể chất trong thời gian tới…
Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao trí tuệ của các đại biểu đã đóng góp cho Ban tổ chức hội thảo làm định hướng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá hoạt động giáo dục âm nhạc, mĩ thuật, thể chất ở trường phổ thông Việt Nam trong thời gian tới, làm cơ sở nhằm xác định các căn cứ khoa học của Đề án “Đổi mới chương trình, SGK giai đoạn sau năm 2015” mà Bộ đang xây dựng. Đồng thời khẳng định lại vai trò đặc biệt quan trọng của các môn nghệ thuật, thể chất trong việc giáo dục đạo đức, thể chất góp phần vào giáo dục toàn diện cho học sinh.
Gắn nhà trường với gia đình và xã hội
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh, gdtd.vn |
Định hướng cho việc đổi mới giáo dục âm nhạc, mỹ thuật, thể chất phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam và xu hướng của thế giới Thứ trưởng nhấn mạnh các vấn đề như sau: Mục tiêu giáo dục của các môn học nghệ thuật, thể chất phải được tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động gắn nhà trường với xã hội, gắn gia đình với nhà trường, qua trải nghiệm thực tế, sinh hoạt của học sinh.
Trong thời gian tới, các nhà trường phải đảm bảo trọn vẹn các hoạt động của các môn nghệ thuật, thể chất. Điều này sau năm 2015 hoàn toàn có thể làm được khi mà các nhà trường đều tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Nhưng trước mắt cần tránh quan điểm phân biệt các hoạt động giáo dục âm nhạc, mỹ thuật, thể chất là hoạt động ngoại khóa. Giáo viên huấn luyện thể dục thể thao, tổ chức các hoạt động âm nhạc, mỹ thuật đều phải được đánh giá công sức một cách công bằng.
Những hoạt động này với những đặc thù riêng vốn có đều nằm trong kế hoạch thời gian năm học của các trường và có đóng góp quan trọng trong giáo dục toàn diện cho học sinh; do vậy cần phải quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các môn nghệ thuật, thể chất góp phần giáo dục đạo đức, thể chất cho học sinh.
Về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Thứ trưởng nhấn mạnh phải khắc phục ngay hạn chế hiện nay của công tác này. Đó là: kiến thức cơ bản trong đào tạo giáo viên sư phạm hiện còn thiếu nhiều nội dung chuyên môn và chưa thực sự chú trọng đến việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh.
Đồng thời một hạn chế nữa là trong đào tạo giáo viên các môn nghệ thuật và thể chất, chưa chú trọng đến việc rèn luyện cho giáo sinh năng lực tổ chức các hoạt động thực tiễn liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình. Giáo viên âm nhạc phải được rèn luyện để tổ chức được những hội diễn, giáo viên thể thao phải tổ chức được những màn đồng diễn, hội thao; hoặc ngay những hoạt động của địa phương nơi nhà trường đứng chân người giáo viên cũng phải đóng vai trò nòng cốt trong công tác tổ chức.
Phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng tài năng
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các nhà khoa học, nhà giáo. Ảnh, gdtd.vn |
Về công tác kiểm tra, đánh giá các môn âm nhạc, mỹ thuật và thể chất, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đồng tình với quan điểm không nên đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng chấm điểm; thay vào đó bằng cách nhận xét và xếp loại. Bởi hoạt động này liên quan đến ý thức, niềm đam mê, năng khiếu nên đánh giá kết quả của học sinh bằng cách chấm điểm nhiều khi không chính xác, không khuyến khích được học sinh. Do vậy bên cạnh xếp loại, giáo viên nhận xét học sinh về mặt năng lực (liên quan đến kiến thức kĩ năng), nhận xét về mặt ý thức, năng khiếu của riêng từng học sinh mới có thể khích lệ các em phấn đấu, nâng cao thành tích.
Trong giáo dục âm nhạc, mỹ thuật, thể chất đánh giá học sinh bằng cách nhận xét còn có tác dụng nữa và rất quan trọng nhằm phát hiện, bồi dưỡng năng lực, tài năng của học sinh mà theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, vấn đề này phải được đưa ra bàn bạc kĩ hơn. Đó là việc đánh giá thường xuyên học sinh.
Vấn đề này khác với kiểm tra, đánh giá đầu ra mà giáo viên vẫn làm từ trước đến nay. Việc giáo viên phải đánh giá thường xuyên học sinh trong quá trình dạy học, trong các hoạt động thực tiễn để nhằm phát hiện, khuyến khích, động viên học sinh có năng khiếu, đam mê đồng thời giúp các em khắc phục, vượt qua những hạn chế trước mắt. Đánh giá thường xuyên học sinh trước mắt phải được đưa vào trong chương trình đào tạo sư phạm, bồi dưỡng giáo viên để trong thời gian tới học sinh được giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hơn trong học tập các môn thể chất, nghệ thuật.
Dạy học tích hợp và hiệu quả cao
Hội thảo dành được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, nhà giáo trên cả nước. Số đại biểu có mặt tham gia hội thảo tăng nhiều hơn so với dự kiến của ban tổ chức. Ảnh, gdtd.vn |
Thứ trưởng cũng lưu ý đến nội dung dạy học tích hợp. Nội dung này trong các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể chất là rất cần thiết. Trong các hoạt động thực tiễn của các bộ môn khác ngoài nghệ thuật, thể chất thì dạy học tích hợp lại càng cần thiết hơn, phải hướng đến nghệ thuật, thể chất để phát triển các tố chất thể, mỹ cho học sinh. Dạy học tích hợp liên quan mật thiết đến việc tổ chức các hoạt động đời sống trong nhà trường mà biểu hiện sinh động nhất là các hoạt động trong triển khai thực hiện các nội dung của phong trào “xây dựng trưởng học thân thiện, học sinh tích cực”.
Thứ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian tới các môn học trong lĩnh vực nghệ thuật, thể chất là bắt buộc trong suốt tất cả cấp học ở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trong mỗi môn học bắt buộc này sẽ có các nội dung để học sinh tự chọn. Chẳng hạn như trong thể chất có nội dung dạy bơi. Học sinh có thể tự chọn một trong các bài: bơi ếch, bơi bướm, bơi ngửa để đạt được yêu cầu đặt ra của môn học.
Hiện nay điều kiện tổ chức dạy học các môn mỹ thuật, thể chất ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. So với các nước có nền kinh tế phát triển, giáo dục tiên tiến trên thế giới, công tác tổ chức dạy học các môn nghệ, thể chất đã tiến rất xa so với Việt Nam. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị trong thiết kế chương trình giáo dục của các môn học này phải đảm bảo hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, phù hợp với từng vùng miền, từng điều kiện cụ thể ở từng địa phương. Và yêu cầu quan trọng nhất với điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn thiếu thốn, phải tổ chức dạy học các môn này làm sao vừa để hội nhập được xu hướng của thế giới, vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc.
Bá Hải