Nhiều vi phạm tại Trường Tiểu học Hoằng Trường ở Thanh Hoá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dạy thêm thu tiền trái quy định, tự cắt % tiền của giáo viên dạy trẻ khuyết tật... xảy ra tại Trường Tiểu học Hoằng Trường (Hoằng Hoá, Thanh Hoá).

Cô Bách Thị Ngọc dạy học sinh khuyết tật nhưng cô giáo khác lại đứng tên trên hồ sơ. (Ảnh: NT)
Cô Bách Thị Ngọc dạy học sinh khuyết tật nhưng cô giáo khác lại đứng tên trên hồ sơ. (Ảnh: NT)

“Cắt xén” 20% tiền giáo viên dạy trẻ khuyết tật

Theo xác minh của Báo GD&TĐ, liên tục trong 3 năm các giáo viên Trường Tiểu học Hoằng Trường dạy học sinh khuyết tật phải "lại quả" 20% số tiền được hưởng cho nhà trường.

Đáng nói, có giáo viên dạy cả học kỳ 1 chỉ nhận được hơn 300.000 đồng, thế nhưng cũng phải nộp lại hơn 60.000 đồng.

Theo tài liệu giáo viên cung cấp cho PV, liên tục trong các năm 2021-2022, 2022-2023 và kỳ I của năm học 2023-2024, nhà trường đã lập danh sách giáo viên nhận tiền dạy học sinh khuyết tật và đồng loạt bị cắt lại 20%.

"Chúng tôi rất bất ngờ khi được yêu cầu nộp lại 20% trong tổng số tiền hỗ trợ theo quy định. Tôi cũng có đi hỏi giáo viên một số trường khác thì được biết các trường khác không làm như vậy. Chúng tôi không biết tiền đó nhà trường cắt lại để sử dụng mục đích gì vì không thấy được công khai”, một giáo viên (xin giấu tên) cho biết.

Một số giáo viên khác cũng bức xúc cho biết, họ không dám lên tiếng vì trước đó, có một giáo viên có ý kiến thì ngay lập tức học sinh của giáo viên này bị chuyển đi lớp khác.

Không chỉ "cắt xén" tiền dạy của giáo viên, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hoằng Trường còn lập hồ sơ cho một giáo viên không dạy học sinh khuyết tật nhưng được hưởng tiền này.

Cụ thể, cô giáo Nguyễn Thị Thanh H. đứng hồ sơ dạy 1 học sinh khuyết tật là em L.T.P.T.

Tuy nhiên, khi PV có mặt tại lớp cô H., không có bất kỳ học sinh khuyết tật nào có tên L.T.P.T. (SN 2016).

Theo tìm hiểu, học sinh L.T.P.T. lại học tại một lớp 2D do cô giáo Bách Thị Ngọc là giáo viên chủ nhiệm. Cô N. hiện đang là giáo viên dạy hợp đồng của trường.

Theo danh sách nhận tiền năm học 2022-2023, cô Nguyễn Thị Thanh H. được nhận số tiền dạy học sinh khuyết tật là 11.620.000 đồng; học kỳ I của năm học 2023-2024 là 6.953.000 đồng.

Cô Bách Thị Ngọc, giáo viên dạy học sinh L.T.P.T cho biết: “Tôi dạy học sinh khuyết tật nhưng cô H. đứng tên thay để lấy tiền hỗ trợ. Tôi được trả 3 triệu đồng, nhà trường được 20% số tiền hỗ trợ, còn lại hơn 2 triệu đồng là cô H. nhận”.

Tự ý kêu gọi mua tivi, dạy thêm trái quy định

Cũng theo phản ánh, Trường Tiểu học Hoằng Trường bổ đầu 200.000 đồng/học sinh để mua tivi. Rất nhiều phụ huynh bức xúc nhưng “ngại” lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến con em mình.

Hiệu phó kiêm Thủ quỹ Hồ Thị Tâm nhắn tin trên nhóm giáo viên đề nghị nộp tiền học thêm.
Hiệu phó kiêm Thủ quỹ Hồ Thị Tâm nhắn tin trên nhóm giáo viên đề nghị nộp tiền học thêm.

Đáng nói, việc kêu gọi mua tivi, nhà trường không xây dựng phương án, dự toán, không trình lên Phòng GD&ĐT huyện xin ý kiến.

Ngoài dạy liên kết 3 tiết ngoài giờ chính khoá theo quy định, trường này còn tổ chức dạy thêm học thêm trái quy định vào thứ 4, thứ 7, một số buổi tối và thu tiền. Số tiền đó được cắt về cho nhà trường 25%. Người thu là cô Hồ Thị Tâm, Hiệu phó kiêm Thủ quỹ nhà trường.

Trả lời PV Báo GD&TĐ, ông Lê Công Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Trường, xác nhận có việc giáo viên được nhận tiền dạy học sinh khuyết tật hỗ trợ lại một chút kinh phí. Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng này cho rằng, tiền đó hỗ trợ công đoàn để liên hoan, ăn uống, nhà trường không ép.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Trường cũng không giải thích được vì sao không bắt buộc trích 20% nhưng tất cả các giáo viên được nhận hỗ trợ đều đồng loạt đóng số tiền 20% trong tổng số tiền được nhận. Giáo viên nhận hơn 300.000 đồng cũng giống giáo viên nhận hơn 12 triệu đồng.

Ông Lê Công Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Trường và Kế toán làm việc với PV.
Ông Lê Công Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Trường và Kế toán làm việc với PV.

Liên quan việc giáo viên không dạy học sinh khuyết tật nhưng vẫn làm hồ sơ để nhận tiền, ông Lê Công Quân lý giải: “Cô Bách Thị Ngọc đang là giáo viên hợp đồng, về nguyên tắc không có chế độ nên nhà trường làm hồ sơ cho cô H. đứng để nhận hộ. Việc chia nhau là do hai cô tự thoả thuận”.

Việc tự ý kêu gọi mua tivi, ông Quân xác nhận chưa xin ý kiến Phòng GD&ĐT huyện mà sẽ báo cáo khi nhận nguồn tài trợ.

Vấn đề tổ chức học thêm, dạy thêm trái quy định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Trường - Lê Công Quân phân trần: “Tôi cũng đã cấm nhưng việc này vẫn chưa triệt để còn việc thu tiền tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh lại”.

Phản ánh các sai phạm của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học học Hoằng Trường với Báo GD&TĐ, rất nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn chính quyền xã Hoằng Trường, Phòng GD&ĐT huyện Hoằng hóa sớm vào cuộc buộc nhà trường trả lại tiền để thu trái phép cho giáo viên, xử lí các sai phạm gây bức xúc cho giáo viên, phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ