Nhiều trường ĐH công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao

GD&TĐ - Thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, thời điểm này nhiều trường ĐH đã công khai thống kê số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. 

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Nhiều con số khả quan

Trường ĐH Dược Hà Nội triển khai thu thập thông tin và báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên chính quy, trình độ ĐH, CĐ tốt nghiệp năm 2015. Theo thông báo được trường này công bố vào cuối tháng 12/2016, với ngành Dược trình độ ĐH, tỷ lệ sinh viên có việc làm là 95,5%.

Trong đó 61 làm trong khu vực nhà nước, 98 làm trong khu vực tư nhân, 104 làm liên doanh với nước ngoài; CĐ Dược có 97,45% sinh viên có việc làm, trong đó 3 làm việc ở khu vực nhà nước, 108 làm tư nhân và 7 làm liên doanh nước ngoài.

Đầu năm 2017, Học viện Tài chính cũng công bố tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2015 qua đợt khảo sát sinh viên tốt nghiệp từ tháng 6 đến tháng 10/2016.

Theo công bố này, tỷ lệ sinh viên của học viện có việc làm chiếm 96,5%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm chiếm 3,5%, hầu hết trong số này đang tiếp tục học nâng cao.

Đặc biệt, số lượng sinh viên của Học viện có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khá lớn. Cụ thể, có việc làm trong thời gian dưới 3 tháng là 67,87%; có việc trong thời gian từ 3 - 6 tháng là 21,72%; từ 6 - 12 tháng là 7,01%; có việc làm trong thời gian trên 1 năm là 3,39%.

Mức thu nhập bình quân/tháng của sinh viên đa số ở mức trên 6 triệu đồng/tháng. Cụ thể, có 49,10% thu nhập từ 6-9 triệu/tháng; 8,37% thu nhập từ 9 -12 triệu/tháng. Mức thu nhập dưới 6 triệu theo khảo sát là 39,14%.

Trường ĐH Thông tin liên lạc công bố con số khả quan tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2015 và 2016. Theo đó, có gần 94% sinh viên ra trường làm trong các công ty, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, liên doanh nước ngoài, số còn lại chủ yếu đang học nâng cao trình độ tại trường và tự tạo việc làm.

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng đã báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Khảo sát được thực hiện trong các tháng 6, 10 và 11/2016. Trong đó, bên cạnh 23,39% học viên, tỷ lệ sinh viên tham gia khảo sát chiếm 57,61%, chủ yếu là các sinh viên tốt nghiệp vừa mới ra trường.

Theo kết quả khảo sát, có đến 68,3% sinh viên học viện có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chính thức công bố tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp 6 tháng. Khảo sát thực hiện từ tháng 12/2016 đến tháng 1/2017 cho thấy tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm là 91%, 4% học tiếp và 5% chưa có việc làm. Với mức lương trung bình đạt 8,2 triệu đồng/tháng, có đến 91% sinh viên được làm đúng ngành.

Công việc khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường được Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội duy trì từ nhiều năm nay.

TS Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - cho biết: Từ năm 2012, trường thực hiện khảo sát vào thời điểm sinh viên đến trường nhận bằng tốt nghiệp, tức khi đã kết thúc chương trình học khoảng 3 tháng. Điều đáng mừng là tỷ lệ sinh viên có việc làm vào thời điểm này của trường tăng lên từng năm.

Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm vào thời điểm nhận bằng tốt nghiệp là 30%; nhưng đã tăng lên 50% vào năm 2015 và 60% khi khảo sát vào năm 2016.

Bắt đầu từ năm 2016, trường thực hiện khảo sát sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả, với khoảng 50% sinh viên có ý kiến phản hồi có trên 90% có việc làm, tính cả số học sinh tiếp tục học lên cao hơn.

Kết quả chính xác, khách quan: Không dễ

Nhiều trường ĐH thực hiện khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đều cho biết đây là việc làm không đơn giản. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là kết nối được với sinh viên để nhận phản hồi. Bởi lúc này, sinh viên đã nằm ngoài sự quản lý của nhà trường và sự tham gia của họ chỉ dựa trên tinh thần tự giác, không thể ép buộc.

Muốn thực hiện hiệu quả, việc nhận thức tầm quan trọng của khảo sát để có sự quyết liệt trong chỉ đạo của người đứng đầu nhà trường là vô cùng quan trọng.

Bởi rất cần nguồn lực, sự phối hợp giữa các đơn vị trong nhà trường, đơn vị chuyên trách thực hiện công việc này để thực hiện có được công tác khảo sát.

Theo TS Nguyễn Văn Thành, giúp sinh viên nhận thấy tầm quan trọng, cũng như vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc phản hồi về công việc sau khi ra trường cần được các trường ý thức và thực hiện thường xuyên khi sinh viên còn đang học.

Khi triển khai khảo sát, ngoài bộ phận chuyên trách, cần có sự vào cuộc có trách nhiệm của nhiều đơn vị, từ tổ chức đoàn hội, lãnh đạo khoa, giảng viên…

Cùng với đó là các kênh thông tin phong phú để đến được với càng nhiều sinh viên càng tốt, như website của khoa, của trường; facebook của lớp, của khoa, của trường, email, điện thoại,…

“Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có hẳn một bộ phận chuyên trách thực hiện công việc này là Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề và quan hệ doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng chủ trương đưa nhiệm vụ hỗ trợ đầu ra cho sinh viên vào thành nhiệm vụ của các khoa, trung tâm đào tạo” - TS Nguyễn Văn Thành cho hay.

Vấn đề tiếp theo giúp tăng hiệu quả khảo sát là kỹ thuật thiết kế các bảng hỏi. Theo TS Nguyễn Văn Thành, các câu hỏi cố gắng ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào thông tin quan tâm, nên theo hình thức trắc nghiệm; tránh câu hỏi mang tính chất l‎ý thuyết, học thuật khiến sinh viên ngại trả lời.

“Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thiết kế riêng phần mềm, hệ thống khảo sát online với giao diện tiện lợi, giúp sinh viên trả lời dễ dàng, cho kết quả hoàn toàn khách quan, phản ánh đúng thông tin phản hồi của sinh viên.

Tôi cho rằng, phương pháp khảo sát rất quan trọng. Để có độ tin cậy, các mẫu khảo sát phải đại diện được cho các bậc trình độ, các ngành đào tạo của trường. Nếu làm không đồng bộ, không đều thì dữ liệu phản ánh sẽ giảm độ chính xác” - TS Nguyễn Văn Thành nhận định.

Bộ GD&ĐT đã gửi công văn số 4806/BGDĐT-GDĐH ngày 28/9/2016 đề nghị các ĐH, học viện; các trường ĐH, các trường CĐ sư phạm báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2015 kèm theo minh chứng để phục vụ việc xác thực thông tin.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp trở thành công việc thường xuyên, cần thiết, bắt buộc đối với mỗi trường.

Trên cơ sở tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, các trường xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, cập nhật nội dung chương trình…
Thông tin về việc làm của sinh viên tốt nghiệp cũng có trọng số cao trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, phân tầng, xếp hạng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ