Nộp hồ sơ chỉ cần 1 máy tính nối mạng
Chuyên trang tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến vào trường. Ngoài những nội dung không có sẵn trong dữ liệu như họ tên thí sinh, số chứng minh thư, ngày tháng năm sinh, giới tính, điểm thi…, còn lại, những nội dung khác (đối tượng ưu tiên, tỉnh huyện, các ngành đăng ký…), thí sinh chỉ việc lựa chọn.
Như vậy, chỉ bằng vào cú nhấp chuột, thí sinh đã hoàn thành phiếu đăng ký xét tuyển mà không sợ sai sót vì ghi chép nhầm lẫn.
Hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn - ĐHQG HCM dành cho các thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả các ngành trong trường.
Ngày đầu tiên nộp hồ sơ, nhiều trường ghi nhận thí sinh đến khá đông. Như Trường ĐH Cần Thơ, chỉ trong sáng 1/8 đã nhận được khoảng 3.000 hồ sơ; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận được khoảng trên 500 hồ sơ. Các trường ĐH Hàng hải, Học viện Ngân hàng, số hồ sơ nhận được trong ngày đầu tiên cũng đến con số hàng trăm...
Nếu đã nộp Hồ sơ đăng ký xét tuyển (bản giấy), thí sinh vẫn có thể đăng ký mới hồ sơ xét tuyển khác (trực tuyến), sau đó in ra Phiếu đăng ký xét tuyển (bản giấy) và nộp phiếu này.
Nhà trường sẽ xét các nguyện vọng trong Phiếu đăng ký xét tuyển (bản giấy) sau cùng mà Trường nhận được tính theo dấu bưu điện hoặc thời điểm nộp trực tiếp.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG HCM lưu ý: Những thí sinh đã tạo và in phiếu đăng ký xét tuyển trước ngày 29/7/2015 cần tạo và in lại phiếu đăng ký xét tuyển mới (nguyện vọng có chọn tổ hợp môn để xét tuyển và bổ sung thêm khu vực và đối tượng tuyển sinh).
Để đăng ký vào Trường ĐHSP Kỹ thuật TPHCM, thí sinh chỉ cần vào website tuyensinh.hcmute.edu.vn, mục “Đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ chính quy năm 2015” để thực hiện các bước theo hướng dẫn hoặc link trực tiếp xettuyen.hcmute.edu.vn.
Thí sinh đã đăng ký sơ tuyển dùng tài khoản sơ tuyển để đăng nhập. Thực hiện việc đăng ký 4 ưu tiên, chọn các tổ hợp. Sau đó chọn lưu và in phiếu đăng ký xét tuyển. Thí sinh chưa đăng ký sơ tuyển chọn nút “Đăng ký” và làm theo hướng dẫn
Kĩ sư Đặng Hữu Khanh (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM) cho biết, việc đăng ký online có rất nhiều lợi ích. Đó là, thí sinh đăng ký đúng và chính xác mã ngành, tổ hợp môn; dữ liệu khi tới trường sẽ được cập nhật nhanh chóng.
Đặc biệt, thí sinh sẽ có tài khoản để theo dõi các ngành đã đăng ký có tỷ lệ chọi cao, điểm cao nhất, thấp nhất để điều chỉnh nguyện vọng.
“Nếu làm tay, thí sinh sẽ chỉ xem được danh sách toán bộ thí sinh ngành đó và phải tìm bằng mắt vất vả. Thêm nữa, khi thay đổi nguyện vọng, thí sinh chỉ cần lên chỉnh lại ngành, in ra, không phải điền lại tất cả.
Nếu dùng mail chính xác, thí sinh sẽ nhận được mail tư vấn ngành có khả năng đậu nếu xét trượt hết 4 nguyện vọng; biết kết quả trúng tuyển ngay trong ngày 22/8 trên tài khoản...” – kĩ sư Khanh cho biết thêm.
Tiện lợi nhưng ít thí sinh sử dụng
Trước đợt xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khuyến khích các trường cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Mặc dù đây là hình thức có nhiều ưu điểm, rất tiện lợi và giảm tốn kém, công sức nhiều cho thí sinh, nhưng vẫn không nhiều thí sinh lựa chọn hình thức này.
Ngoài nguyên nhân thông tin chưa tới thí sinh, lý do chủ yếu là tâm lý lo lắng nên muốn đến tận nơi nộp để cho chắc.
Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ – Thầy Đỗ Văn Xê – cho biết: Khi lập hệ thống hỗ trợ lập phiếu đăng ký xét tuyển, chúng tôi nhằm mục đích giúp thí sinh hoàn thành lập và in phiếu đăng ký xét tuyển; sau đó, kèm với phiếu điểm và bao thư là đủ hồ sơ và khi đến nơi có thể nộp hồ sơ ngay (không cần phải vào phòng hỗ trợ nộp phiếu). Thí sinh chỉ mất tối đa 30 phút là xong tất cả mọi thứ.
“Tuy nhiên, sáng 1/8 – ngày đầu tiên nhận hồ sơ - có rất ít (chỉ vào khoảng 10%) thí sinh đã lập phiếu, vì vậy làm chậm tiến trình nộp hồ sơ. Tình trạng này làm xảy ra ứ động vào khoảng 9 giờ 30 đến 10 giờ 30, nên buộc lòng nhà trường phải "chữa lửa" bằng cách chấp nhận phiếu viết tay.
Bên cạnh đó, rất nhiều thí sinh không có địa chỉ email. Đây là điều khiên tôi rất bất ngờ” – Thầy Đỗ Văn Xê cho hay.
Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cũng dự đoán, những ngày gần hết hạn nhận hồ sơ, tình hình chuyển biến nhanh chóng, các thí sinh điểm trung bình hoặc gần điểm sàn sẽ cần phải chuyển đổi ngành nhiều lần.
Do đó, Hệ thống hỗ trợ lập phiếu đăng ký xét tuyển sẽ giúp thí có thể vào Internet để chuyển đổi một cách dễ dàng mà không cần phải đến tận Trường ĐH Cần Thơ.
Để làm được việc này, thí sinh cần phải có mật khẩu được hệ thống gửi đến email của thí sinh. Các thí sinh không có địa chỉ email thì không thể nhận được mật khẩu và do đó không thể sử dụng tính năng ưu việt của hệ thống.
Ngoài ra, với các hồ sơ nộp bằng phiếu được lập bằng phần mềm hỗ trợ, dữ liệu đã được lưu trên hệ thống của trường nên thí sinh vào trang web có thể nhìn thấy thứ hạng của mình ngay.
Trong khi đó, các hồ sơ nộp bằng phiếu viết tay phải chờ vài ngày, khi nào cán bộ phòng Đào tạo nhập vào hệ thống thì tên của thí sinh này mới được đưa vào danh sách.
Các ưu điểm khi đăng ký xét tuyển trực tuyến:
Thí sinh dễ dàng chọn các nguyện vọng vào các ngành đào tạo tại trường.
Thí sinh in Phiếu đăng ký xét tuyển từ máy tính thay cho viết tay.
Thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng dễ dàng, kể cả sau khi đã nộp hồ sơ.
Thí sinh có thể theo dõi tình trạng hồ sơ xét tuyển sau khi nộp: Nhà trường sẽ thông báo đã nhận được hồ sơ (bản giấy) để thí sinh yên tâm là hồ sơ không bị thất lạc
Thí sinh được theo dõi tình trạng xét tuyển của mình được cập nhật hàng ngày...