Nhiều tài năng nhưng đơn điệu

GD&TĐ - Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 khép lại bằng buổi lễ tổng kết trao giải với 19 huy chương.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là cuộc thi do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Sân khấu TPHCM tổ chức. Cuộc thi kế thừa thành quả của giải thưởng Trần Hữu Trang (do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức từ năm 1991 - 2014), năm nay được nâng lên tầm quốc gia với sự tham gia của các diễn viên ở nhiều đơn vị trên khắp cả nước.

Để nhận giải, các thí sinh phải trải qua hai vòng thi. Từ vòng sơ tuyển, ban giám khảo đã chọn ra 31 thí sinh xuất sắc nhất để bước vào vòng chung kết. Một trong những điểm đáng lưu ý của cuộc thi tài năng này là không giới hạn tuổi tác và có sự phân chia các hạng mục kép - đào mùi, kép lão - đào mụ, kép hài - đào lẳng, kép - đào độc để tất cả các nghệ sĩ đều có cơ hội khoe tài. Ban giám khảo hội tụ những nghệ sĩ có uy tín và tên tuổi với người trong nghề và công chúng như NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch), các thành viên gồm NSND Trần Minh Ngọc, NSND Giang Mạnh Hà, NSƯT Thoại Mỹ và Thanh Thanh Hiền...

Theo thời gian, cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang giúp phát hiện nhiều nhân tố tích cực. Nghệ sĩ Thiên Hoa chờ 20 năm để được đóng vai Nguyễn Thị Anh (trích đoạn Vua thánh triều Lê) mà chị mơ ước; Nghệ sĩ Vĩnh Sơn chờ cũng gần 20 năm để đóng vai Trần Thủ Độ (Thái sư Trần Thủ Độ)... Họ đã vượt qua giới hạn của chính mình để tỏa sang một cách ngoạn mục. 

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ trẻ cũng thăng hoa bất ngờ. Thanh Thảo trong vai quận chúa Huyền Nga bất khuất trước giặc Nguyên Mông (Bão táp Nguyên phong). Diễm Thanh vai người mẹ khùng khùng đứt ruột nhớ con (Diều ơi). Hải Yến ngoại hình tuyệt đẹp, thần thái uy nghi sang trọng trong vai Lý Chiêu Hoàng (Đêm cuối Lý Chiêu Hoàng). Họ đã làm cuộc thi trở nên hấp dẫn.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điều bất ngờ và thú vị của cuộc thi nhất vẫn là những vai kép lão, đào mụ, đào độc lẳng do những nghệ sĩ trẻ tự làm mới mình. Họ vốn là đào đẹp, kép đẹp, nhưng lần này thử thách bản thân với dạng nhân vật khác hẳn. Thanh Toàn vào vai ông Tám Khỏe (Người ven đô) bị giặc bắt, chịu áp lực đến mức phải tuyên bố ly khai với cách mạng. Hà Như hóa thân thành người mẹ chồng ác độc (Duyên kiếp) với phần diễn xuất sắc và cảm động.

Qua cuộc thi, nhiều người cho rằng cải lương vẫn còn một mạch sống cùng với hấp lực riêng. Song song với đó là dàn nghệ sĩ có thanh lẫn sắc, đồng thời đủ sức khỏe để đảm đương những vai diễn cực kỳ vất vả. Như lời nghệ sĩ Lệ Hằng bày tỏ: “Tôi thích cuộc thi bởi sự tổ chức nghiêm túc, quy mô, đàng hoàng. Mình làm nghề đã lâu mà xem thấy học hỏi được nhiều điều và có thêm niềm vui, động lực để tiếp tục hoạt động nghệ thuật”.

Mặc dù hy vọng, tin tưởng là vậy. Nhưng qua cuộc thi thì nhiều người yêu thích môn nghệ thuật này cũng lấy làm tiếc bởi phần lớn nội dung là các trích đoạn cũ. Do đó, phần nội dung cũng là bình mới rượu cũ, thiếu hơi thở của thời đại, thiếu bóng dáng của những câu chuyện trong cuộc sống hiện hữu. Nhiều người tham dự có cảm giác các nghệ sĩ tham gia còn ngại chọn những đề tài mang màu sắc của cuộc sống hôm nay, ngại chạm đến những vấn đề bức thiết thời cuộc. Bởi tâm lý chung là chọn những tác phẩm kinh điển “cho chắc ăn”. Bên cạnh đó, còn có nhiều trích đoạn chọn trùng lặp nhau trong khi kho tàng cải lương có những mấy trăm trích đoạn. Như thế, vô tình người trong cuộc tự làm cho khán giả có cảm giác là cải lương đơn điệu và nghèo nàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.