Nhiều rủi ro từ buôn bán thịt chó và mèo

GD&TĐ - Buôn bán thịt chó, mèo tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan trực tiếp, gián tiếp với bệnh dại và nguy cơ xuất hiện mầm bệnh mới.

Ban tổ chức trả lời câu hỏi của các phóng viên tại họp báo.
Ban tổ chức trả lời câu hỏi của các phóng viên tại họp báo.

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập trong đối thoại với các bên hữu quan để trao đổi và thảo luận về các tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khoẻ cộng đồng, phúc lợi động vật và ngành du lịch do FOUR PAWS tổ chức sáng 8/12, tại Hà Nội.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trong những năm gần đây, trên địa bàn Thành phố Hà Nội không ghi nhận ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo. Tuy nhiên, theo thông tin từ CDC thành phố Hà Nội, năm 2020 ghi nhận 1 người tử vong vì chó dại cắn tại Cầu Giấy. Năm 2021 có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Hoàng Mai, nhưng không bị chó, mèo hoặc động vật cắn. Năm 2022 có 1 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại Mê Linh.

Điều đáng nói là hầu hết chó cắn người bị dại đều là chó thả rông, chó lạ, chó mua về từ các tỉnh khác, không rõ nguồn gốc và không được tiêm phòng vắc xin dại.

Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Một thực trạng nữa là có những nơi nhiều người nuôi với mục đích thương phẩm thì việc chấp hành tiêm phòng vắc xin dại là chưa triệt để, chưa thực hiện việc tiêm phòng bổ sung khi nhập đàn. Người bị chó mèo cắn còn coi nhẹ việc tiêm phòng, tư vấn của y tế, cán bộ thú y…

Trong buổi đối thoại, các ý kiến đều chỉ ra những tác động tiêu cực của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khoẻ cộng đồng và ngành du lịch, cũng như những hoạt động ở cấp địa phương và khu vực phản đối vấn nạn buôn bán này. Từ đó, đưa ra đề xuất các bước đi tiếp theo cho Việt Nam để giảm thiểu rủi ro mà vấn nạn này có thể gây ra cho sức khỏe người dân.

Bác sỹ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, nhắc lại những tiềm ẩn rủi ro của việc buôn bán thịt chó, mèo và cho biết: Nhiều công ty lữ hành và khách du lịch đã bày tỏ quan điểm phản đối hoạt động buôn bán này. “Đã đến lúc cần phải hành động, FOUR PAWS, cùng với các đối tác đã sẵn sàng chung tay đối phó với những hiểm hoạ đe doạ sức khoẻ cộng đồng và phúc lợi động vật.” - Bác sỹ Karan Kukreja nhấn mạnh.

Bà Phan Thanh Dung, Chuyên viên tư vấn chiến dịch tại Đông Nam Á của FOUR PAWS thì cho biết liên tục nhận được thông tin từ phía người dân yêu cầu hành động, cùng hàng chục ngàn lá thư tâm huyết được gửi đến Chính phủ với mong muốn chấm dứt nạn buôn bán này. Công cụ báo cáo về buôn bán thịt chó mèo của FOUR PAWS đã nhận được rất nhiều phản ánh sau chưa đầy một tháng ra mắt. Điều này minh chứng rằng đại đa số người Việt Nam không đồng tình với việc buôn bán thịt chó, mèo.

“Hàng trăm nghìn người dân Việt Nam đã thể hiện quan điểm phản đối buôn bán thịt chó mèo. Trong đó, 95% người dân được hỏi trong một cuộc khảo sát tại các tỉnh thành đã cho biết, đây không phải là một phần trong văn hoá Việt Nam. Việc buôn bán này chỉ mang lợi cho một số ít người nhưng gây rủi ro cho nhiều người. Tôi tin rằng bằng cách cùng chung tay hành động, chúng ta có thể tiến tới chấm dứt thực trạng này.” - bà Phan Thanh Dung khẳng định.

Ông Robert Rankin, Giám đốc quốc gia Công ty du lịch và lữ hành Abercrombie and Kent Việt Nam, nhấn mạnh: Khách du lịch không muốn chứng kiến những hành động tàn ác đối với động vật và đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo. Việc buôn bán thịt chó, mèo và những tác động đã được chứng minh đối với việc gia tăng dịch bệnh, khiến các nhà điều hành du lịch gặp khó khăn hơn trong việc quảng bá Việt Nam như một điểm đến du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và hiện đại. Abercrombie and Kent Việt Nam ủng hộ lệnh cấm buôn bán thịt chó mèo và cùng với nhiều công ty du lịch đã ký cam kết ủng hộ chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo của FOUR PAWS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ