Bí quyết không nằm ở số lượng mà liên quan đến chất lượng giấc ngủ.
Cơ chế nghỉ ngơi của cơ thể
Khoa học đã khuyến cáo người trưởng thành nên ngủ 7 - 9 tiếng mỗi đêm. Nếu ngủ ít hơn, nhiều khả năng con người sẽ gặp vấn đề sức khoẻ như trí nhớ, chuyển hoá, trầm cảm, bệnh tim, suy yếu hệ miễn dịch… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số người có khả năng ngủ rất ít nhưng sức khoẻ không hề suy giảm.
Những người ngủ ít tự nhiên chỉ cần 4 - 6 tiếng/đêm. Đối với họ, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Và điều này đặt ra câu hỏi, vậy giấc ngủ thật sự có ý nghĩa như thế nào với con người? Ông Louis Ptacek - chuyên gia thần kinh học tại Đại học California (Mỹ) cho biết: “Giấc ngủ chiếm trung bình 1/3 cuộc đời mỗi người nhưng chúng ta không hiểu cơ chế của giấc ngủ, chứ đừng nói đến mục đích của nó”.
Các nhà khoa học từng cho rằng giấc ngủ là khoảng thời gian cơ thể nghỉ ngơi, giống như việc tắt máy tính sau một ngày dài làm việc và tạm ngưng chờ đến ngày hôm sau. Nhà khoa học Thomas Edison gọi giấc ngủ là sự lãng phí thời gian, là “di sản” của tổ tiên - những người tiền sử sống trong hang động. Ông không bao giờ ngủ quá 4 tiếng mỗi đêm. Phát minh ra bóng đèn sợi đốt của Edison góp phần khuyến khích con người ngủ ít hơn.
Hầu hết những gì chúng ta biết về giấc ngủ hay tình trạng thiếu ngủ đều bắt nguồn từ nghiên cứu nhà khoa học Alexander Borbély vào những năm 1970. Nghiên cứu của ông là mô hình 2 quá trình về giấc ngủ, trong đó mô tả các hệ thống riêng biệt như đồng hồ sinh học, hệ thần kinh tương tác để điều chỉnh thời điểm và thời gian chúng ta ngủ.
Đồng hồ sinh học xây dựng chu kì 24 giờ của giấc ngủ và trạng thái thức, được ám thị bằng các tín hiệu bên ngoài như ánh sáng, bóng tối. Còn hệ thần kinh bên trong sẽ phát ra tín hiệu giúp con người phân biệt ngủ và thức như cơn đói. Thông thường, con người sẽ ngủ 7 - 8 tiếng dựa trên mô hình này.
Tuy nhiên, nghiên cứu về giấc ngủ hiện đại chỉ ra rằng ngủ là một quá trình phức tạp và khó có thể rút ngắn. Trong khi ngủ, cơ thể và não bộ bổ sung năng lượng, loại bỏ chất thải và độc tố, do đó, quá trình này góp phần duy trì khả năng ghi nhớ của con người. Do đó, tình trạng thiếu ngủ mãn tính có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ.

Đột biến gen
Ông Ying-Hui Fu - nhà di truyền học và khoa học thần kinh tại Đại học California (Mỹ) đã phát hiện ra một số người không phù hợp với mô hình. Đó là một gia đình thường thức dậy sớm nhưng không đi ngủ sớm.
Họ cảm thấy sảng khoái, khoẻ mạnh chỉ sau khoảng 6 giờ ngủ. Họ được cho là mắc chứng ít ngủ và đây là một đặc điểm di truyền giống như nhiều kiểu di truyền khác.
Ông Brad Johnson, 65 tuổi, sống tại Mỹ là một ví dụ. Trong trí nhớ của Johnson, từ nhỏ ông đã chỉ ngủ 4 - 6 tiếng mỗi ngày. 4 anh chị em của ông và cha ông cũng vậy. Đối với họ, việc ngủ 6 tiếng tương đương 8 - 9 tiếng như mọi người.
Nếu ngủ ít hơn 4 tiếng, ông cũng cảm thấy mệt mỏi, uể oải như mọi người. “Tôi không thể ngủ nhiều như người khác. Các thông tin tôi nhận được là nếu không ngủ đủ ít nhất 7 tiếng, tôi sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng và không thể làm việc hiệu quả”, Johnson kể.
Tuy nhiên, ông Johnson đã chứng minh ngược lại. Ông học rất tốt tại trường đại học, từng giữ vị trí lãnh đạo trong nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ. Ông có một gia đình hạnh phúc bên vợ và 8 người con. Trong cuộc sống bận rộn, ông cảm thấy may mắn vì chỉ ngủ 6 tiếng mỗi ngày và không cần đồng hồ báo thức mỗi sáng.
Đến năm 2005, Johnson quyết định tham gia thí nghiệm của chuyên gia Ying-Hui Fu để tìm câu trả lời. Theo nghiên cứu của Fu, giấc ngủ ngắn là do đột biến gen mang tên DEC2. Một trong những chức năng của gen là kiểm soát mức độ của orexin, một hormone có trong não bộ giúp thúc đẩy sự tỉnh táo.
Thiếu hụt orexin là nguyên nhân chính gây ra chứng ngủ rũ, một dạng rối loại giấc ngủ như buồn ngủ vào ban ngày, ngủ gật, khó tỉnh táo. Tuy nhiên, ở những người ngủ ít, số lượng orexin cao hơn so với người bình thường.
Những người ngủ ít tự nhiên thường miễn nhiễm với những tác động xấu của việc thiếu ngủ. Họ có tham vọng, tính cách năng động, tinh thần lạc quan và khả năng phục hồi đáng kể trước những căng thẳng. Họ cũng có ngưỡng chịu đau cao hơn người bình thường, thậm chí sống lâu hơn.
Với những người ngủ ít, đồng hồ sinh học hay hệ thần kinh không phải thứ tác động đến giấc ngủ của họ. Gen DEC2 giúp họ ngủ ít nhưng hiệu quả đến mức họ có thể làm việc nhiều hơn với ít sức lực hơn.
Nghiên cứu về người ngủ ít có thể giúp các nhà khoa học đào sâu tìm hiểu về cơ chế của giấc ngủ và não bộ. Dù vậy, nó không đồng nghĩa khuyến khích mọi người ngủ ít hơn hay thay đổi thói quen ngủ hiện tại.
Các nhà khoa học nhấn mạnh việc ngủ đủ giấc là rất quan trọng đối với sức khoẻ và tinh thần của con người, trong đó, khái niệm “ngủ đủ giấc” với mỗi cá nhân là khác nhau. Thời gian ngủ có thể thay đổi theo tuổi tác, nhu cầu của từng người nhưng trung bình, người trưởng thành vẫn cần ngủ 7 tiếng trở lên mỗi đêm.
Giấc ngủ lành mạnh không chỉ là ngủ đủ giờ mà còn phải ngủ đúng giờ trong ngày và có giấc ngủ chất lượng. Những dấu hiệu cho thấy chất lượng giấc ngủ chưa đạt gồm liên tục thức dậy vào ban đêm, ngủ ngáy, rối loạn giấc ngủ…
Chuyên gia Ying-Hui Fu cho biết: “Giấc ngủ chi phối các chức năng nhận thức và thần kinh của con người như trí nhớ, suy nghĩ, học tập, di chuyển... Tuy nhiên, ngủ nhiều giờ không đồng nghĩa với giấc ngủ chất lượng. Giấc ngủ càng hiệu quả, chúng ta càng cần ít hơn. Và đó là đặc điểm của những người ngủ ít, những người chỉ ngủ bằng một nửa thời gian so với đại đa số nhưng vẫn vận động tốt”.