Mô hình “tiết 0”
Để học sinh cuối cấp có đầy đủ hành trang kiến thức chuẩn bị thi vào lớp 10, Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) thực hiện mô hình “tiết 0” với sự tham gia của nhiều giáo viên. Thời gian dạy “tiết 0” từ 6 giờ 30 phút - 7 giờ 30 phút hằng ngày, trước khi bắt đầu tiết 1. Hoạt động này hoàn toàn miễn phí và trên tinh thần tự nguyện tham gia của cô và trò.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho biết, trường có 14 lớp 9 với hơn 500 học sinh, lớp nào mỗi tuần cũng có ít nhất 4 “tiết 0” hoặc tiết học tăng cường. Từng là giáo viên dạy Ngữ văn nên cô Hà đăng ký dạy “tiết 0” môn học này. Cô đứng lớp không chỉ để bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh, mà còn mong gần gũi, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng các em cũng như của phụ huynh.
Theo đại diện ban giám hiệu, nhà trường thông tin các lớp học này để học sinh, phụ huynh biết và tự nguyện đăng ký. Số lượng học sinh tham gia khá đông, chịu khó học tập để có kết quả thi cao nhất. Trước khi tổ chức các “tiết 0”, nhà trường có bài khảo sát để phân loại học sinh. Với những em có học lực cần quan tâm, thầy cô bộ môn sẽ thiết lập lớp dạy miễn phí trên cơ sở tự nguyện.
Tương tự, mô hình “tiết 0” được triển khai miễn phí tại Trường THCS Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) vào cuối buổi chiều, mỗi tuần 3 buổi ở các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Nhà trường vẫn duy trì kế hoạch dạy học theo đúng quy định, bảo đảm đủ nội dung chương trình môn học. Từ kinh nghiệm đã triển khai, năm nay, nhà trường thành lập nhóm học sinh chưa chăm để bổ trợ kiến thức vào sau tiết học cuối cùng buổi chiều và kéo dài đến khoảng 19 giờ. Thời lượng, thời gian học được thầy cô linh hoạt.
Cũng triển khai “tiết 0”, khi đánh giá về mô hình này, cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (huyện Hoài Đức) khẳng định, tăng cường tổ chức hình thức dạy học thông qua “tiết 0” giúp các trường có cơ sở để tư vấn, định hướng chọn trường cho học sinh. Từ đây, các em chọn đúng trường phù hợp với năng lực, sở thích, nguyện vọng và điều kiện gia đình. Việc các trường duy trì và tăng cường thực hiện “tiết 0” đã mang lại hiệu quả nhất định trong bồi dưỡng kiến thức cho học sinh.
Thầy Nguyễn Liên Lộc – Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Mai (quận Hà Đông). Ảnh: TG |
Trường giúp trường
Có quy mô giáo dục lớn nhất Thủ đô với gần 120 nghìn trẻ mầm non và học sinh phổ thông, quận Hà Đông đã chủ động kế hoạch ôn tập để nâng cao, củng cố chất lượng học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông cho hay, từ năm học trước, đơn vị đã phân chia các trường THCS thành cụm chuyên môn. Một trong các nhiệm vụ của cụm chuyên môn là tham gia dạy tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 9 có điểm thi vào lớp 10 THPT thấp hơn trong cụm.
Thầy Nguyễn Liên Lộc - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Mai (quận Hà Đông) thông tin: “Năm nay, toàn trường có gần 1 nghìn học sinh, riêng khối 9 là hơn 200 em. Dự kiến, trong tháng 4 và 5, nhà trường sẽ được 6 thầy cô trong cụm tới hỗ trợ dạy tăng cường các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, mỗi môn 2 giáo viên. Trường sẽ phân loại học sinh có trình độ tương đương nhau vào một lớp, mỗi tuần thầy cô hỗ trợ 1 - 2 buổi, còn lại phụ thuộc vào lực lượng giáo viên của nhà trường”.
Là trường thuộc “tốp trên” ở quận Hà Đông, thầy Nguyễn Thế Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho hay, thực hiện hướng dẫn của phòng GD&ĐT, nhà trường sẽ cử một số thầy cô có chuyên môn tốt tự nguyện tham gia dạy tăng cường miễn phí để ôn tập cho học sinh lớp 9 tại Trường THCS Biên Giang chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT. Khoảng nửa cuối tháng 4, nhà trường triển khai kế hoạch này vì còn phụ thuộc vào số lượng giáo viên đăng ký để sắp xếp thời khóa biểu.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, mô hình “trường giúp trường” áp dụng từ thời điểm dịch Covid-19 cho đến nay đã phát huy tác dụng tích cực. Các trường THCS có điểm thi vào lớp 10 THPT những năm trước thấp thì năm ngoái đã cải thiện rõ rệt. Ví dụ, Trường THCS Đồng Mai, điểm thi môn Tiếng Anh năm 2023 tăng lên đáng kể so với trước.
Còn tại Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường thông tin, ngay sau khi thành phố công bố thời gian tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024, nhà trường đẩy nhanh kế hoạch kiểm tra học kỳ II để phù hợp lịch thi.
Sau khi nắm bắt cấu trúc đề thi các môn, tổ nhóm chuyên môn sẽ họp thống nhất và có chiến lược ôn tập cho học sinh trong khoảng 6 tuần trước khi thi. Nhà trường sẽ khảo sát để phân chia học sinh khá, giỏi, trung bình khá để bồi dưỡng phù hợp. Các chuyên đề ôn tập bám sát cấu trúc đề mà thành phố công bố. Thầy cô kiểm tra học sinh theo tuần để từ đó bổ trợ kiến thức cho những em bị thiếu hoặc dạy cả kiến thức nâng cao với trò có học lực tốt.
Trong 6 tuần ôn tập, Trường THCS Thái Thịnh thực hiện 3 lần thi thử cho học sinh. Đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm với từng em để thầy cô điều chỉnh biện pháp ôn luyện sát thực tế. Trước 10/5, ngoài bài kiểm tra cuối học kỳ II, trường sẽ căn cứ thêm vào kết quả bài khảo sát toàn quận để làm kênh đánh giá năng lực học sinh. Sau đó, thầy cô có định hướng để trò lựa chọn các nguyện vọng phù hợp năng lực. Các em có thể chọn thi vào lớp 10 công lập, ngoài công lập hoặc học nghề.
Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2024 dự kiến tăng khoảng 5 nghìn thí sinh so với năm học trước. Toàn thành phố có 133 nghìn học sinh xét tốt nghiệp THCS; trong đó, số được tuyển vào trường THPT công lập là 81 nghìn em (khoảng 60%), còn trên 51 nghìn học sinh sẽ học các loại hình trường khác như trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường nghề.