Giảm áp lực cho học sinh lớp 9

GD&TĐ - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều phụ huynh ví áp lực chẳng khác gì thi đại học.

Trường TH&THCS Khánh Khê (Văn Quan, Lạng Sơn), trao thưởng những học sinh đạt kết quả cao tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: NTCC
Trường TH&THCS Khánh Khê (Văn Quan, Lạng Sơn), trao thưởng những học sinh đạt kết quả cao tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: NTCC

Bởi vậy thời điểm này, học sinh lớp 9 đang tập trung cao độ để có thể giành cho mình một suất vào trường công lập mà bản thân mong muốn.

Chủ động hướng nghiệp cho con

Ngay từ thời điểm con học cuối lớp 8, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài (Ba Đình, Hà Nội) đã rốt ráo tìm các lớp học thêm cho con, giúp con trang bị kiến thức vững vàng nhất trước kì thi vượt cấp quan trọng.

Theo dõi thông tin tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội qua các năm, chị Hoài đánh giá, kỳ thi này áp lực ngang ngửa thi đại học. Qua quá trình đánh giá kết quả học tập của con, cùng thảo luận, trao đổi với giáo viên, gia đình chị đã định hướng con đăng kí thi vào những trường công lập phù hợp với khả năng.

“Năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội tiếp tục tăng, đồng nghĩa với việc cạnh tranh tấm vé vào trường công lập cũng sẽ cao hơn. Ban đầu, gia đình tôi muốn con thi vào trường tốp đầu như Trường THPT Chu Văn An hay Trường THPT Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, căn cứ vào lực học của con, gia đình đã định hướng con chọn trường công tốp dưới nhằm đạt được nguyện vọng đỗ trường công lập như con mong muốn và cũng giảm áp lực trong quá trình học và ôn thi”, chị Hoài tâm sự.

Là người mẹ, chị Hoài thấu hiểu ở độ tuổi này, ngoài việc học, các con cần được quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Bởi vậy, dù lịch học dày đặc nhưng gia đình chị Hoài vẫn bố trí thời gian nghỉ ngơi, tham gia một số hoạt động thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe. Chị cũng bày tỏ mong muốn, thành phố Hà Nội sớm chốt phương án, số môn thi để giảm áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nhà trường hỗ trợ tối đa

Công tác ôn thi vào lớp 10 cho học sinh khối 9 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi nhà trường. Tại Trường TH&THCS Khánh Khê (Văn Quan, Lạng Sơn), ngay sau khi kết thúc học kỳ I, nhà trường đã tổ chức hai lần kiểm tra đánh giá định kỳ cũng như đánh giá trong quá trình ôn luyện của học sinh để phân loại từng học sinh.

Cụ thể, nhà trường chia thành 3 nhóm năng lực học sinh khá; giỏi; trung bình. Trong quá trình ôn tập, phiếu bài tập, độ khó của câu hỏi của 3 nhóm đối tượng này sẽ có sự khác nhau về mức độ kiến thức và kĩ năng, đảm bảo phù hợp với năng lực của các em.

Cô Nguyễn Thị Bích Thùy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi xác định mục tiêu ôn tập để học sinh vững kiến thức cơ bản với phương châm học đến đâu vững chắc đến đó. Chú trọng dạy cách, phương pháp làm bài, tăng cường các tiết thực hành luyện tập chuyên sâu.

Nhà trường sẽ đẩy nhanh tiến độ chương trình các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh lớp 9 và thực hiện kết thúc chương trình học các môn đối với lớp 9 trước 30/4 để lên thời khóa biểu ôn luyện hai buổi sáng – chiều cho học sinh lớp 9. Ở giai đoạn này giáo viên chủ yếu cho học sinh luyện tập, thực hành, chú trọng luyện đề để học sinh làm quen với nhiều dạng đề, có kĩ năng phân bố thời gian làm bài cho từng phần/từng câu theo đặc tả đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025”.

“Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức họp phụ huynh trao đổi về năng lực cũng như đánh giá khả năng thi vào THPT của học sinh, phối hợp định hướng phân luồng sau THCS. Vì vậy, học sinh lớp 9 Trường TH&THCS Khánh Khê chúng tôi đến thời điểm hiện tại, các em cũng đã xác định được mình sẽ thi vào trường nào và khả năng thi đỗ của mình ở mức nào. Vì thế, chúng tôi đánh giá học sinh chúng tôi đã có một tâm lí khá tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025”, cô Thùy cho biết.

Ngoài việc chú trọng công tác giảng dạy, việc định hướng cho học sinh cũng được Trường TH&THCS Khánh Khê chú trọng. Thầy, cô giáo lên lớp giảng dạy, nhất là các thầy cô được phân công ôn tập tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh lớp 9 ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, phương pháp giảng dạy tốt còn cần có kiến thức tâm lí giáo dục tốt; có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10.

Đội ngũ nhà giáo tận tâm với nghề, trách nhiệm cao trong công việc, luôn theo sát học sinh, tư vấn các em lựa chọn trường phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình, động viên, khích lệ để học sinh tiến bộ trong học tập.

Cha mẹ không nên tạo áp lực

Theo nhiều chuyên gia tâm lí, sở dĩ, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 luôn căng thẳng một phần là do phụ huynh đặt quá nhiều áp lực, kỳ vọng lên con cái. Điều này vô hình trung tạo thêm áp lực lên tâm lí học trò. TS Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công nhìn nhận, kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 là một trong những dấu mốc quan trọng đối với học sinh. Để giảm bớt áp lực này, vai trò của cha mẹ và thầy, cô giáo là vô cùng quan trọng.

Ông cho rằng, cha mẹ cần hiểu rõ khả năng và sở thích của con cái để định hướng họ nên thi vào trường nào cho phù hợp. Khuyến khích con tham quan, tham gia các hoạt động tại trường học mà họ dự định thi vào.

Điều này giúp học sinh nhìn nhận việc thi cử như một thách thức cần vượt qua, không phải là áp lực. “Cha mẹ không nên để học sinh tiếp xúc quá nhiều với thông tin tiêu cực hoặc các tỷ lệ chọi vào các trường, điều này có thể gây ra tâm lí hoang mang. Theo sát và hỗ trợ học sinh xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, bao gồm cả thời gian nghỉ ngơi và vui chơi”, TS Việt Anh nói.

Bên cạnh đó, ngoài việc học, gia đình cũng nên khuyến khích học sinh tham gia các môn thể thao yêu thích; đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối. Điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường học tập hỗ trợ thân thiện, thoải mái nhằm khích lệ học sinh có thể phát triển toàn diện cả kiến thức và kỹ năng sống.

“Nhà trường nên hỗ trợ học sinh trong quá trình xây dựng kế hoạch học tập trong từng giai đoạn để sao cho hiệu quả, giúp học sinh chủ động trong việc học, phân phối thời gian hợp lý cho từng môn học. Thầy cô động viên và khích lệ học sinh để họ giữ được tinh thần lạc quan và phát huy hết năng lực của bản thân. Đặc biệt, cần chú ý tầm quan trọng của giấc ngủ để học sinh có thể phục hồi năng lượng, duy trì sức khỏe tốt”, TS Vũ Việt Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ