Nhiễu loạn thông tin hướng nghiệp

GD&TĐ - Cô gái xin việc 830 công ty không ai nhận, coi thường bằng cao đẳng... Nhiều thông tin lan tràn trên mạng xã hội đang khiến người học hoang mang.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Tránh nhìn ngắn hạn khi xác định mục tiêu cá nhân

Tháng 3 hàng năm là thời điểm học sinh THPT chạy nước rút trong đưa ra quyết định quan trọng trong đời: Học ngành gì, thi trường nào...? Nhiều em phải vượt qua nhiều rào cản - như các quan niệm, tư tưởng sai lầm trong việc chọn nghề, nhất là chọn theo sự sắp đặt của gia đình, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề không phù hợp với năng lực bản thân, chọn nghề không gắn với nhu cầu xã hội…

Vì thế, thông tin về các ngành học phù hợp, chính xác rất quan trọng với các học sinh THPT trong thời điểm này.

Tuy vậy, thời gian qua, nhiều thông tin trên mạng như “cô gái xin việc 830 công ty không nhận”, chê bằng cao đẳng, hay mới đây là “những ngành học vô dụng”... đang làm nhiễu loạn thông tin, khiến người học lo âu. Chưa kể những thông tin về cắt giảm nhân sự tại hàng loạt doanh nghiệp, kiếm việc khó khăn... càng khiến học sinh hoang mang.

Trước thực trạng này, thầy Nguyễn Duy Anh, giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh FPT Polytechnic Hà Nội cho rằng: Một số bạn trẻ hiện nay đang có những góc nhìn hơi "ngắn hạn" khi xác định mục tiêu cá nhân của mình.

Việc theo học các ngành như Quản trị kinh doanh, Marketing và Quản trị nhân sự sẽ giúp người học được trải nghiệm những góc nhìn, tư duy của những vị trí quản trị trung và cao cấp trong một doanh nghiệp; nhìn nhận các vấn đề/ hiện trạng của doanh nghiệp dưới một "bức tranh" lớn hơn; tìm ra được những nguyên nhân và mối liên hệ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp. Từ đó định hướng giải pháp cụ thể có tính hiệu quả cao hơn nhiều.

Thầy Nguyễn Duy Anh cũng cho biết, một ngành học sẽ có những thế mạnh và hạn chế riêng. Bên cạnh đó, người lao động chắc chắn được đánh giá cao nếu ngay từ vị trí cấp bậc chuyên viên/ nhân viên trong doanh nghiệp, các bạn đã có thể áp dụng tư duy hay "góc nhìn" quản trị của mình vào các công việc hàng ngày. Bởi làm được như vậy có nghĩa các bạn đang hiểu được những kỳ vọng, mong muốn của lãnh đạo với các công việc giao cho bạn.

“Điều quan trọng với bất kỳ ngành nghề nào là luôn phải duy trì động lực và khát khao học hỏi”,thầy Nguyễn Duy Anh nhấn mạnh.

Cô Phan Thị Việt Hà: Nhiều ngành học đang "khát" ứng viên, bất kể đại học hay cao đẳng

Cô Phan Thị Việt Hà: Nhiều ngành học đang "khát" ứng viên, bất kể đại học hay cao đẳng

Quan trọng là năng lực làm việc và khả năng thích ứng

Chia sẻ về quan điểm “coi thường bằng cao đẳng” đang lan truyền trên mạng, cô Phan Thị Việt Hà, giảng viên khoa Du lịch một trường cao đẳng cho biết: Hiện nay, đào tạo nhân sự trong lĩnh vực Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn mới chỉ đáp ứng được 37,5% nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, nhu cầu thực tế về nhân lực lại đang tăng cao, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030 với mức 60.000 lao động mỗi năm..

Vì vậy, cô Hà cho rằng việc định hướng nghề nghiệp dành cho học sinh THPT là vô cùng cần thiết. Không hẳn là cứ ngành học hot thì sẽ có việc làm, mà nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: Kiến thức, kỹ năng, thái độ và tinh thần cầu tiến của mỗi cá nhân.

“Tốt nghiệp cao đẳng ở lĩnh vực này không có nghĩa là các bạn không có cơ hội cạnh tranh khi ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, do đó, dù là bằng cao đẳng cũng không có nghĩa là “thua kém” khi thực sự bước chân vào thị trường lao động”, cô Phan Thị Việt Hà nêu quan điểm.

Tiktoker Hấu Nguyễn (Nguyễn Bích Thị Hậu, hiện đang theo học khoa Răng hàm mặt Trường ĐH Y Hà Nội) bày tỏ khá bức xúc với các thông tin tiêu cực trong thời gian vừa qua.

Là một người làm nội dung trên mạng xã hội, Nguyễn Bích Thị Hậu hiểu khá rõ về việc thông tin không chính xác, thiên lệch ảnh hưởng đến cộng đồng mạng như thế nào, nhất là với học sinh. Hậu cho rằng: Đây là giai đoạn quan trọng để chọn ngành nghề cho tương lai, vì vậy việc tìm hiểu, chọn lọc các thông tin chính xác và phù hợp có vai trò rất quan trọng. Mạng xã hội lan tràn và không có sự kiểm soát thông tin, vì vậy mỗi cá nhân nên có “bộ lọc” thông tin của riêng mình là rất cần thiết. .

Chia sẻ những kỹ năng nên có để được nhà tuyển dụng chú ý, Nguyễn Bích Thị Hậu cho rằng: Theo đuổi ngành học đặc thù cần bằng cấp mới được hành nghề, nhưng bằng cấp không phải tất cả.

“Bác sĩ thì phải có bằng cấp mới “được động vào bệnh nhân" , tức là được hành nghề một cách hợp pháp. Tuy nhiên, sự trau dồi về tay nghề, kỹ năng chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, khả năng chịu áp lực cao... luôn là điều kiện cần để các bạn "bước chân vào nghề. Điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực rèn luyện của mỗi cá nhân”, Nguyễn Bích Thị Hậu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.