Nhiều kiến thức bổ ích trong một giờ học tích hợp

GD&TĐ - Hóa học là môn khoa học tự nhiên, nhiều công thức khô khan. Trong khi đó, lượng kiến thức môn học này rất gần gũi với cuộc sống. Vì vậy, việc làm môn học này gắn bó hơn với cuộc sống, khơi gợi cảm hứng cho học trò là điều các giáo viên cần hướng đến.

Một tiết dạy của thầy Nguyễn Xuân Trung
Một tiết dạy của thầy Nguyễn Xuân Trung

Tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi thành phố Hải Phòng cấp THPT năm 2015 vừa diễn ra, bài giảng ""Xăng với vấn đề ô nhiễm từ khí tải của động cơ xăng"" của thầy Nguyễn Xuân Trung được ban tổ chức đánh giá rất cao, là một trong những bài giảng tiêu biểu về đổi mới phương pháp dạy học.

Thầy Nguyễn Xuân Trung là giáo viên bộ môn Hóa học của trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng), là thầy giáo trẻ, năng động, được nhiều học sinh yêu quý. Thầy Trung cũng có nhiều sáng kiến trong việc đổi mới phương pháp dạy học, mang lại hơi thở mới cho những tiết học được cho là khô khan như Hóa học.

Thầy Trung cho biết: Bài giảng ""Xăng với vấn đề ô nhiễm từ khí tải của động cơ xăng""  là một bài trong chủ đề tích hợp dự án ""Xăng với sự an toàn và môi trường"" được các thầy triển khai nhiều năm gần đây.

Học sinh tham gia dự án học được phương pháp nghiên cứu khoa học, rèn luyện và phát triển được khả năng tư duy, phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống xung quanh liên quan đến xăng.

Trong các tiết học trên lớp, học sinh tiến hành khảo sát về việc sử dụng xăng trên thành phố và quan sát sự ô nhiễm do động cơ xăng gây ra thúc đẩy ý thức muốn tìm hiểu biện pháp giảm thiểu ô nhiễm giúp thành phố, đất nước xanh- sạch- đẹp.

Ngoài ra, lồng ghép trong các kiến thức hóa học, các học sinh nghiên cứu quá trình hoạt động các động cơ xăng để giải thích các hiện tượng ô nhiễm từ động cơ xăng.

Thầy Nguyễn Xuân Trung nhận giải thủ khoa tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi thành phố Hải Phòng cấp THPT

Trên lớp, thầy giáo hướng dẫn học sinh nghiên cứu, so sánh cùng loại động cơ sử dụng xăng truyền thống và xăng sinh học để tìm hiểu tuỳ từng động cơ mà chọn xăng phù hợp, đồng thời xăng sinh học bảo vệ môi trường tốt hơn xăng truyền thống.

Qua bài học, học sinh hiểu được các quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống" và Quyết định số 909/QĐ-TTg về Đề án kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố".

Thầy Trung cho biết thêm: Trong quá trình tham gia dự án học, có học sinh đã nảy sinh ý tưởng tạo bộ lọc khí thải xe máy. Đây là ý tưởng tốt, thể hiện sự tiếp thu bài giảng rất tốt của học sinh. Ý tưởng này đã được các học sinh và thầy giáo cùng thảo luận trên lớp, bàn luận những công thức để tạo ra bộ lọc này, rồi cách làm thế nào để đạt hiệu suất cao nhất...

Kết thúc buổi học, các em học sinh đề ra được các biện pháp và khẩu hiệu rất ấn tượng như ""Trồng sắn pha xăng, chống tăng ô nhiễm"", ""Chuẩn xăng, dưỡng xe, tươi trẻ cuộc sống""...

Buổi học được các học sinh nhiệt tình đón nhận. Những liên hệ thực tế đã góp phần giảm bớt được sự khô khan của các công thức hóa học. Nhờ những liên hệ thực tế mà học sinh nhớ bài lâu hơn, cảm nhận được sự thiết thực của những bài giảng trên lớp.

Thầy Trung chia sẻ thêm về những bí quyết để làm cho tiết học hấp dẫn: Phải đổi mới hình thức tổ chức dạy học, áp dụng triệt để các hình thức tổ chức dạy học. Trong lớp chia ra những cá nhân, cặp đôi, nhóm, rồi cả lớp để hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ lẫn nhau. Cần khắc phục tính hình thức khi trao đổi nhóm, chỉ yêu cầu hoạt động nhóm khi cảm nhận được học sinh làm việc cá nhân nhưng không thể giải quyết được vấn đề.

Cần chuẩn bị chu đáo khi áp dụng các hình thức tổ chức học tập mới như: Câu lạc bộ môn học, tổ chức diễn đàn, sân khấu hóa chủ đề học, tham quan thực địa, tổ chức hội thi, giao lưu...

Việc đổi mới không gian học tập cũng rất quan trọng. Bên cạnh việc sử dụng không gian lớp học truyền thống chủ yếu trong nhà trường với vị trí các phòng học cố định cả năm học, không gian lớp học theo định hướng phát triển năng lực còn được linh hoạt, giờ học di chuyển theo các phòng học bộ môn, các câu lạc bộ hoặc mở rộng ra ngoài nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ