Nhiều khó khăn, thách thức

GD&TĐ - Nghị quyết số 103/2023/QH15 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 của nước ta là từ 6 - 6,5%.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Mục tiêu này có thể là cao, trong thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những tiền đề, những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023 có thể vẫn đạt được.

Theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế. Ngoài ra, còn tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, đồng thời bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Từ thực tế, sẽ có những căn cứ, tiền đề quan trọng là quy mô GDP của nền kinh tế nước ta tính đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 10,22 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.

Riêng trong quý IV/2023, GDP ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm giai đoạn 2020 - 2022. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV có xu hướng tích cực, cao hơn các quý trước của năm 2023, cụ thể quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2023 tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2023 ước đạt 6.231 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, tăng 16 tỷ USD so với năm 2022.

Dù có những tiền đề quan trọng như vậy, tuy nhiên theo đánh giá, những khó khăn nội tại của năm 2023 vẫn chưa được giải quyết triệt để, còn có thể kéo dài sang năm 2024 sẽ ảnh hưởng nhất định tới việc thực hiện mục tiêu này.

Điều quan trọng nữa là tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ vẫn giảm nhẹ. Tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn của nước ta cũng được dự báo giảm, lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao...

Phân tích rõ hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó, trước tiên cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp đó là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các rào cản, khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững...

Ngoài ra, cần củng cố các trụ cột, động lực tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng thông qua các kịch bản ứng phó cụ thể, hiệu quả. Có giải pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các “đầu tàu” kinh tế.

Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao. Phối hợp tổ chức thực thi hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác...

Có thể thấy, các yếu tố tích cực cũng như tiêu cực, hạn chế có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đã được nhìn nhận rõ. Vấn đề còn lại, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần nhìn thẳng vấn đề để có đối sách hợp lý, tạo dư địa tăng trưởng cao hơn, tốt hơn nhằm hiện thực hóa mục tiêu, kế hoạch không chỉ của năm 2024, mà còn của cả giai đoạn 2021 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.