Mới đây, Diễn đàn "Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ" đã diễn ra tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Chuỗi sự kiện được tổ chức chào mừng 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và hơn 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Ấn Độ.
Diễn đàn đã tạo ra cơ hội gặp gỡ, thúc đẩy giao lưu văn hóa và xúc tiến hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp của hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Đến nay, Ấn Độ đã có 321 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Trong đó tập trung vào các ngành như chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khai khoáng...
Các cá nhân/đơn vị xuất sắc được vinh danh tại Diễn đàn. |
Về quan hệ thương mại, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã tăng tới 60 lần từ 200 triệu USD năm 2000 lên gần 12 tỷ USD năm 2019. Dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, con số này vẫn đạt trên 11 tỷ USD vào năm 2022.
Nổi bật nhất trong chuỗi sự kiện này là Diễn đàn “Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ” và Lễ biểu dương các nhà trí thức, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Thủ đô New Delhi.
Đã có hơn 80 cá nhân, đơn vị đã vượt qua những tiêu chí khắt khe của ban tổ chức để nhận giải thưởng cao quý này.
Đoàn làm việc tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. |
Được vinh danh là Nhà hoạt động xã hội tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương tại diễn đàn, bà Đào Thanh Hoàn - nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Ngọc Ân bày tỏ niềm vinh dự và tự hào về hành trình mà mình đã và đang thực hiện. Mục tiêu nhằm hỗ trợ tối đa cho những em bị tự kỷ có việc làm với thu nhập ổn định, khẳng định giá trị của bản thân.
Trung tâm Ngọc Ân đã phát triển được trên 7.000 mẫu sản phẩm oản nghệ thuật, đồ lễ các loại và có mặt ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu…
“Sản phẩm của các em làm ra đã được khách hàng đón nhận. Hiện trung tâm chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng đã hết công suất nên không phải lo lắng về đầu ra. Chúng tôi đang dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều học viên khuyết tật, tự kỷ tại Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc. Hàng tháng các em đã được nhận lương để trang trải cho bản thân và gia đình” - bà Đào Thanh Hoàn nói.