Nhiều hộ dân ở Kon Tum ‘thất lạc sổ đỏ’ vì... cả tin

GD&TĐ - Tham gia dự án trồng rừng, hàng chục hộ dân ở huyện Đăk Tô (Kon Tum) bị "thất lạc sổ đỏ", từ đó cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Hàng chục năm trôi qua sổ đỏ của gia đình ông Nguyễn Đình Kim vẫn thất lạc. (Ảnh: Dung Nguyễn)
Hàng chục năm trôi qua sổ đỏ của gia đình ông Nguyễn Đình Kim vẫn thất lạc. (Ảnh: Dung Nguyễn)

Ham lợi, mất sổ đỏ

Năm 2009, ông Nguyễn Đình Kim (77 tuổi, trú thôn 5, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) cùng hàng chục hộ dân khác hay tin có dự án trồng rừng của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân về địa phương.

Phía công ty nhờ ông Mai Đức Cẩm (trú tại thôn 4, xã Tân Cảnh) đứng ra thu nhận sổ đỏ của bà con với lời hứa chi trả 5 triệu đồng/ha cho người dân có đất liên kết với dự án. Thời gian đầu phía công ty chỉ yêu cầu người dân nộp sổ đỏ photo, sau đó với lý do chứng thực hồ sơ nên thu gom giấy tờ gốc.

Trong quá trình thu nhận sổ đỏ, ông Cẩm viết giấy biên nhận cho người dân với nội dung cam kết: “Khi tôi cầm bìa đi có gì sai trái tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Tin tưởng với cam kết và lời hứa chi trả tiền, ông Kim đã giao sổ đỏ của gia đình với diện tích 2,8ha. Một thời gian sau, không thấy công ty trả lại sổ đỏ cũng như chi trả tiền nên ông Kim trình báo cơ quan công an.

Từ ngày sổ đỏ không còn, gia đình ông Kim gặp khó khăn khi không thể vay vốn để phát triển kinh tế. Hai vợ chồng ông Kim cũng lớn tuổi, có ý định sang nhượng đất cho các con nhưng không còn sổ đỏ để làm thủ tục.

Không chỉ ông Kim, con trai của ông là Nguyễn Mạnh Cường cũng giao sổ đỏ cho công ty với hy vọng nhận được một khoản tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, hàng chục năm trôi qua cha con ông Kim không biết sổ đỏ của gia đình đã “thất lạc” đi đâu.

“Để bị lừa lấy mất sổ đỏ một phần do lỗi chúng tôi ham lợi trước mắt mà không đề cao cảnh giác. Đây là bài học để người dân cảnh giác, tránh bị lừa. Tôi mong rằng cơ quan chức năng sớm tạo điều kiện cấp lại sổ đỏ cho người dân”, ông Kim chia sẻ.

Không biết sổ đỏ ở đâu

Tin tưởng giấy cam kết, ông Kim đưa sổ đỏ mà không suy nghĩ. (Ảnh: Dung Nguyễn)

Tin tưởng giấy cam kết, ông Kim đưa sổ đỏ mà không suy nghĩ. (Ảnh: Dung Nguyễn)

Tương tự, ông Vũ Đình Tuynh (63 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Cảnh) cũng là nạn nhân của dự án trên. Với lời hứa 3ha đất của gia đình sau khi liên kết thực hiện dự án trồng rừng với công ty ông Tuynh sẽ nhận được 15 triệu đồng.

Không tốn chi phí và công sức nên ông Tuynh đồng ý giao sổ đỏ để hưởng lợi. Thế nhưng mấy tháng trôi đi, tiền hỗ trợ không thấy, người của công ty cũng biệt tăm nên ông Tuynh trình báo cơ quan chức năng.

“Hàng chục năm qua, không có sổ đỏ nên gia đình gặp khó khăn trong việc vay vốn, sang nhượng. Ông Mai Đức Cẩm cũng là nạn nhân và đã chết nên chúng tôi không biết sổ đỏ lưu lạc ở đâu và tìm ai để đòi”, ông Tuynh tâm sự.

Theo ông Mai Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, trên địa bàn xã có hơn chục hộ dân bị lừa thu gom sổ đỏ, đa phần ở thôn 4 và 5.

Ông Hưng cho hay, một phần lỗi do người dân chủ quan, không đề cao cảnh giác. Sự việc xảy ra từ năm 2009, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến việc vay vốn, sang nhượng đất của người dân. Để ổn định đời sống cho bà con, xã Tân Cảnh cũng đề xuất cấp trên xem xét, sớm cấp lại sổ đỏ cho dân.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Tô cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng mời người dân lên làm việc. Trước khi cấp lại sổ đỏ mới cho bà con, phòng sẽ phối hợp với cơ quan công an làm rõ vụ việc, tránh tình trạng công ty trên sử dụng sổ đỏ bất chính gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân.

Theo tìm hiểu, ông Mai Đức Cẩm đã thu gom 40 sổ đỏ của hàng chục người dân trên địa bàn xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) đưa cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân, trụ sở tại Hà Nội. Đến nay còn 31 sổ đỏ công ty vẫn chưa trả lại cho người dân. Trong đó, thị trấn Đăk Tô có 11 hộ với 19 sổ đỏ, xã Tân Cảnh có 11 hộ với 12 sổ đỏ.

Cơ quan công an xác định, ông Mai Đức Cẩm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên chỉ đề nghị xử lý hành chính. Ông Cẩm nay đã chết. Dự án trồng rừng từ năm 2009 không được triển khai. Hợp đồng thu gom sổ đỏ để tham gia dự án trồng rừng giữa người dân và công ty trên không có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.