Nhiều giáo viên ở Thanh Hoá chưa được nhận chế độ dạy học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Các giáo viên của tỉnh Thanh Hóa, phản ánh đến Báo GD&TĐ về việc chưa được hưởng chế độ dạy học sinh khuyết tật theo Nghị định số 28/2012.

Trường Mầm non Minh Khôi (Nông Cống, Thanh Hóa) - nơi có giáo viên phản ánh vụ việc.
Trường Mầm non Minh Khôi (Nông Cống, Thanh Hóa) - nơi có giáo viên phản ánh vụ việc.

Hồ sơ không hợp lệ

Nhiều giáo viên huyện Nông Cống (Thanh Hóa) có đơn gửi Báo GD&TĐ, phản ánh việc: Chưa nhận được phụ cấp ưu đãi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập (gọi tắt là phụ cấp ưu đãi cho giáo viên) giai đoạn 2012 - 2021.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống cho biết, trước đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa và các ngành liên quan, ngày 21/4/2022, UBND huyện Nông Cống đã ban hành công văn về việc khẩn trương tham mưu thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.

Ngày 1/8/2022, Phòng GD&ĐT ban hành công văn về việc hướng dẫn rà soát hồ sơ chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Đồng thời, ban hành quyết định về việc thành lập tổ rà soát hồ sơ; xây dựng dự toán...

Theo đó, yêu cầu các trường nộp hồ sơ, dự toán về phòng GD&ĐT để tổng hợp, xây dựng dự toán chung, báo cáo UBND huyện trình Sở Tài chính và UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát hồ sơ, các đơn vị trường học, giáo viên tự nhận thấy hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định, nên đã rút hồ sơ về.

“Để đảm bảo quyền lợi của nhà giáo trên địa bàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát. Đơn vị, giáo viên nào có đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu UBND huyện bố trí nguồn kinh phí chi trả chế độ đảm bảo theo đúng quy định”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống thông tin.

Cũng theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống, từ năm học 2021 - 2022 đến nay, căn cứ văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBND huyện chỉ đạo phòng GD&ĐT phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu, chỉ đạo các trường thực hiện tốt việc chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các trường tiếp tục rà soát hồ sơ chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên từ năm 2021 trở về năm 2012. Nếu hồ sơ đảm bảo, báo cáo UBND huyện để thực hiện chi trả theo quy định.

Lý giải việc chưa thực hiện chi trả khoản phụ cấp ưu đãi, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống, cho biết: Ngày 30/7/2022, UBND huyện đã tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường học trên địa bàn, triển khai thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.

Hội nghị đã triển khai các văn bản hướng dẫn của cấp trên; tiếp thu ý kiến của hiệu trưởng các đơn vị trường học về những thuận lợi, khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định…

Sau đó, phòng GD&ĐT đã ban hành công văn về việc hướng dẫn rà soát hồ sơ chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên; thành lập tổ rà soát thực hiện chế độ; chỉ đạo các trường học khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thẩm định... Thế nhưng, khi rà soát, các trường không đủ hồ sơ đảm bảo theo quy định.

Được biết, đến nay UBND huyện Nông Cống chưa nhận được bộ hồ sơ nào của các trường đảm bảo hợp lệ. Do đó, UBND huyện Nông Cống đề nghị các trường tiếp tục rà soát, cung cấp đầy đủ hồ sơ giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức hòa nhập.

thanh hoa nhieu giao vien chua duoc nhan che do (2).jpg
Công văn trả lời đơn thư giáo viên của UBND huyện Nông Cống (Thanh Hóa).

Nhiều huyện chưa thực hiện

Không riêng huyện Nông Cống, tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nhiều giáo viên cũng đang “ngóng” nhận chế độ dạy học sinh khuyết tật. Được biết, tại Hoằng Hóa, dự toán nhu cầu kinh phí chi trả chế độ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2020 - 2021 khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa cho hay, quá trình phê duyệt những giáo viên dạy học sinh khuyết tật ở các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, do hiệu trưởng, giáo viên ở các đơn vị có nhiều biến động. Do đó, đến thời điểm này, việc chi trả chế độ nêu trên cho giáo viên ở huyện Hoằng Hóa (giai đoạn từ năm học 2012 - 2013 đến năm 2020 - 2021) chưa thực hiện được.

“Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp các trường hợp được hưởng chế độ, nhu cầu kinh phí chi trả. Đồng thời, phối hợp với phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện thực hiện việc chi trả chế độ này trong thời gian sớm nhất”, ông Khoa thông tin.

Tuy nhiên, thông tin từ giáo viên cho biết, hồ sơ, thủ tục từ các trường đã hoàn tất từ lâu và được chuyển lên phòng GD&ĐT, nhưng đến nay, huyện Hoằng Hóa vẫn chưa giải quyết chi trả chế độ.

“Chúng tôi đề nghị phòng GD&ĐT tham mưu cho lãnh đạo huyện nên xử lý theo hướng, trường nào đã hoàn tất hồ sơ đúng quy định thì giải quyết chi trả chế độ cho giáo viên của trường đó. Không nên vì một vài hồ sơ của trường nào đó chưa đúng quy định mà kéo theo nhiều người phải chờ đợi trong thời gian dài như vậy”, một giáo viên (đề nghị giấu tên) phản ánh.

Tương tự, ở huyện Triệu Sơn, hiện nay địa phương này cũng chưa thực hiện việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên (giai đoạn 2012 - 2019).

Ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn cho biết, UBND huyện đã cấp tiền phụ cấp ưu đãi cho giáo viên từ năm học 2019 - 2020. Còn giai đoạn từ năm học 2018 - 2019 trở về năm học 2012 - 2013, huyện chưa cấp kịp thời là do thời gian kéo dài, việc hoàn thiện hồ sơ từ các trường mất nhiều thời gian.

Tháng 10/2023, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đã có quyết định phê duyệt danh sách giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP đối với các trường trên địa bàn; tổng số tiền được phê duyệt khoảng hơn 13 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn giao phòng GD&ĐT kiểm tra, thẩm định hồ sơ, chịu trách nhiệm trước UBND huyện về những người được hưởng chính sách. Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện phê duyệt cấp kinh phí về các đơn vị.

Các trường học chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổng số tiết dạy ở các lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập. Thực hiện nghiêm việc lưu trữ hồ sơ, công khai danh sách giáo viên dạy và kinh phí được phê duyệt. Tổ chức chi trả theo đúng người được hưởng chính sách, đồng thời có trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

“Phòng GD&ĐT đã hoàn thiện công tác thẩm định hồ sơ của các trường trong huyện nộp hồ sơ về, trình Chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, đến nay chưa cân đối được nguồn ngân sách để bố trí chi trả. Phòng GD&ĐT đang khẩn trương phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch để tham mưu cho UBND huyện thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Mỹ tại một mỏ dầu ở Iraq.

Bao giờ Mỹ rời khỏi Iraq?

GD&TĐ - Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cam kết đẩy nhanh các cuộc đàm phán với liên minh do Mỹ lãnh đạo về việc rút quân hoàn toàn khỏi Iraq.