Nhiều đối tượng vướng vòng lao lý vì làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tiền của ngân hàng

GD&TĐ - Ngày 25/3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Phạm Thu Diệu, Nguyễn Phú Đạt, Đào Mỹ Linh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Ngày 25/3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Phạm Thu Diệu (SN 1991, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Phú Đạt (SN 1995, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), Đào Mỹ Linh (SN 1992, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Cùng bị đưa ra xét xử còn có bị cáo Tạ Huyền Vi (SN 1989) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo Trần Đức Nhuận (SN 1982, nguyên Trưởng công an xã Tuy Lộc, Phú Thọ), Nguyễn Văn Mạnh (SN 1982, nguyên Phó trưởng công an xã Nghĩa Hưng, Bắc Giang) và Nguyễn Quốc Sự (SN 1958, nguyên Phó trưởng công an xã Nghĩa Hòa, Bắc Giang) bị đưa ra xét xử về tội “Giả mạo trong công tác”.

Theo cáo trạng, Phạm Thu Diệu thông qua ứng dụng Facebook trên mạng Internet nên biết nhiều người có nhu cầu vay tín chấp tại ngân hàng nhưng không đủ điều kiện vay, như không có việc làm, không có thu nhập và không có nơi cư trú, tạm trú tại Hà Nội.

Diệu đã kết bạn Facebook với rất nhiều người khác và nhận làm hồ sơ vay tín chấp cho những người có nhu cầu để hưởng lợi.

Biết Nguyễn Phú Đạt là cộng tác viên của một ngân hàng, có nhiều mối quan hệ và biết về thu tục hồ sơ vay tín chấp. Diệu bàn bạc với Đạt để cùng làm giả tài liệu, giấy tờ cho những người có nhu cầu vay để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Theo đó, Diệu chịu trách nhiệm liên hệ với Trưởng hoặc Phó công an xã của một số tỉnh để làm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân để người đứng tên vay có chỗ ở không đúng thực tế, thuê người làm giả sổ tạm trú, giấy xác nhận tạm trú, hợp đồng lao động, giấy xác nhận công tác, xác nhận lương.

Sau khi Diệu làm xong các giấy tờ giả, Đạt sẽ hướng dẫn những người đứng tên vay lập hồ sơ vay tín chấp rồi giao cho nhân viên ngân hàng VPbank. Sau khi được giải ngân, Diệu và Đạt thu của những người đứng tên trong hồ sơ vay từ 15% - 20% số tiền được giải ngân để chia nhau.

Với thủ đoạn trên, Diệu cùng đồng phạm thực hiện chiếm đoạt tiền của ngân hàng 7 lần. Trong đó, vụ thứ nhất, Nguyễn Văn Mạnh cấp sổ hộ khẩu trái quy định cho Đào Mỹ Linh nhưng mang tên Lê Quỳnh Trang; sau đó Linh và Phạm Thu Diệu, Nguyễn Phú Đạt chiếm đoạt 50 triệu đồng của VPbank; ngày 8/4/2020, Đào Mỹ Linh đã chiếm đoạt số tiền 10 triệu đồng của Công ty tài chính CP Việt Tín.

Vụ thứ 2, Nguyễn Quốc Sự cấp sổ hộ khẩu trái pháp luật cho Hoàng Phi Hùng, sau đó Diệu và Đạt đã sử dụng tài liệu này để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 60 triệu đồng của ngân hàng.

Những vụ sau đó, cùng với thủ đoạn trên, Trần Đức Nhuận cấp sổ hộ khẩu trái quy định cho Tạ Huyền Vi. Sau đó, Diệu, Đạt, Đào Mỹ Linh và Tạ Huyền Vi sử dụng các tài liệu này để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Như vậy, qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Cơ quan công tố xác định các bị cáo đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 387 triệu đồng. Phạm Thu Diệu, Nguyễn Phú Đạt và Đào Mỹ Linh làm 14 tài liệu giả. Trong đó, Diệu và Đạt làm giả 5 xác nhận tạm trú, 4 xác nhận công tác, 4 xác nhận lương, 1 hợp đồng lao động; Đào Mỹ Linh làm giả 1 xác nhận tạm trú và 1 hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, tại phiên toà xét xử ngày hôm nay vì một số lý do nên đã vắng mặt một số bị cáo trong vụ án nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên toà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ