Nhiều DN vi phạm về giá

Nhiều DN vi phạm về giá
(GD&TĐ)- Giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn đang tiếp tục tăng lên, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, khi kiểm tra đều vi phạm về giá và chất lượng hàng hóa... 
Ba đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính vừa kết thúc đợt kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý và đăng ký giá của doanh nghiệp (DN) tại các địa phương đối với các mặt hàng thuộc diện phải đăng ký giá; gồm: Phân bón hóa học, thóc gạo, đường ăn, sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, xi măng, thép xây dựng. 
Bằng các giải pháp đã đưa ra, liên Bộ Tài chính, Công thương đang nỗ lực bình ổn giá. Ảnh, minh họa, internet
Bằng các giải pháp đã đưa ra, liên Bộ Tài chính, Công thương đang nỗ lực bình ổn giá. Ảnh, minh họa, internet
Theo kết quả kiểm tra, có 4/16 DN chưa thực hiện đăng ký giá. Trong số 12/16 DN đã đăng ký giá, thì lại tăng giá không đúng quy định. Ngoài ra, có 4/16 DN chưa thực hiện đăng ký giá.
Nguyên nhân chính theo đoàn kiểm tra là mặt hàng đường biến động nhanh và bản thân doanh nghiệp chưa kịp thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật. Trong số 12/16 doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký giá, thì khi tăng giá lại không đăng ký theo đúng quy định.
Đoàn kiểm tra cho biết: hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, khi kiểm tra đều vi phạm về giá và chất lượng hàng hóa... Cụ thể: tỉnh Lâm Đồng xử lý 13 vụ vi phạm, phạt 420 triệu đồng, TP. Hồ Chí Minh xử lý 279 vụ với tổng số tiền nộp phạt lên tới 1,2 tỷ đồng; Tiền Giang xử lý 4 vụ với hơn 26 triệu đồng liên quan đến các doanh nghiệp sữa, thuốc, vật liệu xây dựng.
Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính cho biết, giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn đang tiếp tục tăng lên. Mặc dù cung - cầu hàng hóa đến nay đều được đảm bảo, sản xuất của hầu hết các ngành hàng đạt mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng do khó khăn về vốn, lãi suất khiến cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên, kéo theo giá cả tăng lên. 
Theo Sở Công Thương Hà Nội cho biết: dù chúng ta dùng mọi biện pháp kiểm soát giá đang được triển khai, trong đó trọng tâm là sản xuất hàng hóa đáp ứng đủ lượng cung - cầu… nhưng từ giờ đến Tết Nguyên đán, giá cả sẽ vẫn tiếp tục tăng lên, tập trung vào các mặt hàng: lương thực, thịt gia súc - gia cầm, nông sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn, rau củ…
Tại công văn số 315/ TB - VPCP Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ kịp thời, có hiệu quả các khó khăn vướng mắc trong khâu sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là tại các vùng, địa phương bị bão, lụt vừa qua. 
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn, giữa các vùng, miền nhằm đảm bảo thông suốt, tránh ách tắc cục bộ làm ảnh hưởng đến cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp triển khai các chương trình bình ổn giá; phân công và xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành tài chính và ban quản lý chợ trong việc tham gia thực hiện, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá.
Từ nay đến hết 31/12 Chi cục Quản lý thị trường các địa phương sẽ kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tại các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ nhằm thiết lập sự bình ổn trên thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các điểm bán hàng không theo niêm yết giá. Mục tiêu của đợt kiểm tra này sẽ tập trung kiểm tra chất lượng và giá cả hàng hóa.
Tại Hà Nội, Sở Công Thương sẽ thực hiện việc kiểm soát giá cả thị trường thông qua việc đăng ký giá bán các mặt hàng thiết yếu, định kỳ 2 lần/tuần đối với rau quả và thực phẩm tươi sống.
Bộ Tài chính đã đưa ra 5 giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá. Trước mắt, trong dịp Tết Tân Mão và quý I năm 2011 sẽ giữ ổn định giá các mặt hàng: Điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí, nước sạch và các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục. Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Các công ty có vi phạm về giá: Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hòa 2 lần tăng giá với mức tăng khoảng 23 - 24%. Công ty cổ phần đường Khánh Hoà; Công ty TNHH Mía đường Nghệ An Tate&Lyle; Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh chưa thực hiện đăng ký giá theo quy định.
An Sương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ