Nhiều điểm mới trong Lễ Khai ấn Đền Kiếp Bạc

GD&TĐ - Trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) hàng năm, Lễ Khai ấn, ban ấn tại đền Kiếp Bạc đã đáp ứng được lòng ngưỡng vọng của nhân dân đối với Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã có công giữ nước và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử đối với thế hệ trẻ.

Nhiều điểm mới trong Lễ Khai ấn Đền Kiếp Bạc

Khác với ấn Đền Trần (Nam Định) là ấn của vua Trần, trên tấm phù ấn có 2 ấn, cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc đền Trần, cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt và Lễ Khai ấn, ban ấn đền Trần diễn ra vào giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng hàng năm; còn ấn Đền Kiếp Bạc là ấn của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trên tấm phù ấn thường có 4 ấn khác nhau thể hiện riêng từng ý nghĩa như: Quyền uy, sức mạnh, sức khỏe, trừ tà.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết rõ hơn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một thiên tài quân sự, vị anh hùng dân tộc kiệt xuất, được vua phong Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh ba quân, đánh tan giặc Nguyên Mông, bảo vệ giang sơn Đại Việt. Vì có tài đức phi thường và công lao vĩ đại, nhân dân đã tôn vinh Ngài là Thánh, là Đức Phật, là “ Cửu Thiên Vũ đế” từ trên trời xuống giúp dân, giúp nước. Ngài luôn hiển linh cứu giúp chúng sinh, diệt trừ yêu ma, giặc giã. Đền Kiếp Bạc trở thành đền thiêng, “ai lòng thành khẩn cầu liền ứng nghiệm”. Điều đó đã trở thành đức tin, thành tâm linh tôn giáo của nhân dân.

PGS.TS Tống Trung Tín cho biết thêm, Đền Kiếp Bạc còn lưu giữ bốn phù ấn của Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương. Bộ phù ấn đền Kiếp Bạc là những di vật quý hiếm, gắn liền với sinh hoạt văn hoá tâm linh, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc, đồng thời thể hiện khát vọng được sống yên lành, hạnh phúc của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên - Trưởng Ban Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, công tác chuẩn bị Lễ Khai ấn và ban ấn năm nay đã hoàn tất. Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã chuẩn bị 3 vạn ấn cùng hàng nghìn túi ngũ cốc để phục vụ du khách. Ban Tổ chức Lễ hội cũng đã phân công cho Tiểu ban an ninh trật tự xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn cho buổi lễ. Dự kiến lượng khách kỳ Lễ hội năm nay khoảng 25 vạn khách so với năm ngoái là 20 vạn khách.

Trao đổi về những điểm mới của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay so với mọi năm, bà Nguyễn Thị Thùy Liên cho biết, Lễ Khai ấn, ban ấn sẽ diễn ra vào buổi tối 25/9/2018 (tức ngày 16/8 âm lịch). Cùng thời gian trên, Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sẽ được tổ chức và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Hải Dương, thay vì diễn ra vào sáng 17/8 âm lịch như những năm trước. Lễ rước bộ mọi năm thường được tổ chức vào ngày 17/8 âm lịch năm nay chuyển sang ngày 29/9/2018 (tức ngày 20/8 âm lịch).

Từ khi phục dựng Lễ Khai ấn, Ban ấn ở Đền Kiếp Bạc chưa xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy. Công tác tổ chức Lễ Khai ấn, Ban ấn thay đổi theo từng năm và ngày càng chặt chẽ, mở rộng quy mô. Năm 2017, Lễ Khai ấn, Ban ấn được tổ chức rất linh thiêng, trang trọng và văn minh. Ban Tổ chức bố trí thành 3 làn đường, đi vào 3 điểm ban ấn. Dòng người nối đuôi vào một đường và ra một đường nên không có tình trạng chen lấn xô đẩy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.