Nhiều địa phương hoàn tất đề xuất chọn Sách giáo khoa lớp 10

GD&TĐ - Thời điểm này, nhiều địa phương đã hoàn thành tổng hợp đề xuất lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 10 từ cơ sở giáo dục.

Các địa phương nghiêm túc trong việc lập hội đồng và xét duyệt lựa chọn sách giáo khoa mới ở lớp 10. Ảnh minh họa
Các địa phương nghiêm túc trong việc lập hội đồng và xét duyệt lựa chọn sách giáo khoa mới ở lớp 10. Ảnh minh họa

Lần đầu tiên triển khai công việc này, nhiều trường đã có giải pháp để vượt qua bỡ ngỡ, đề xuất được bộ sách phù hợp với thực tế nhà trường.

Quy trình nghiêm ngặt

Để triển khai chọn SGK, Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) đã tuyên truyền, quán triệt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về việc này của Bộ/sở GD&ĐT tới không chỉ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, mà cả học sinh và phụ huynh. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Trà cho biết: Nhà trường thành lập Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn tổ chức, chỉ đạo giáo viên nghiên cứu, thảo luận các bộ sách được phê duyệt.

Từ đó, nhận xét, đánh giá khách quan, công bằng về ưu điểm, hạn chế của từng bộ sách; hoàn thành các biểu mẫu đánh giá theo quy định; tiến hành bỏ phiếu, lựa chọn SGK theo các nhóm chuyên môn; tham khảo thêm ý kiến đóng góp của đại diện học sinh và phụ huynh. Kết quả, nhà trường chọn sách Tin học và Giáo dục Quốc phòng - An ninh của bộ Cánh diều, các môn còn lại chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

“Vì là lần đầu tiên triển khai việc này nên lúc đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ, nhất là thời gian nghiên cứu các bộ sách không nhiều. Nhưng xác định đây là công việc hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp tới công tác dạy và học nên nhà trường đã động viên thầy cô tích cực, nhiệt tình, tâm huyết để lựa chọn bộ sách phù hợp”, thầy Nguyễn Xuân Trà chia sẻ, đồng thời mong UBND tỉnh sớm quyết định lựa chọn SGK, phối hợp với các NXB kịp thời cung ứng SGK mới và tổ chức sớm các đợt tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ.

Đồng thời, trên cơ sở các bộ SGK đã lựa chọn, Hội đồng bộ môn sớm định hướng cho nhà trường cách phân bổ thời gian tổ chức, dạy học môn học/hoạt động giáo dục cho phù hợp, hiệu quả. Trong 2 năm tới, khi lựa chọn SGK lớp 11, 12, các bộ SGK được phê duyệt đến tay giáo viên sớm hơn để có nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận; thậm chí tổ chức dạy thực nghiệm một số tiết để có sự lựa chọn kỹ hơn, hiệu quả hơn.

Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) cũng hoàn tất công tác đề xuất danh mục SGK. Theo đó, môn Toán, Ngữ văn, Hóa học, Tin học, Công nghệ (Trồng trọt), nhà trường đề xuất chọn SGK bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; các môn Vật lý, Công nghệ (Thiết kế và Công nghệ), Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh chọn SGK bộ Cánh diều; Tiếng Anh là bộ “I learn smart World” của NXB ĐH Huế; Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp chọn SGK bộ Chân trời sáng tạo.

Theo Hiệu trưởng Ngô Thị Quyên, để vượt qua bỡ ngỡ của lần đầu tiên chọn sách, nhà trường đã thực hiện theo quy trình 3 bước nghiêm ngặt. Theo đó, bước đầu tiên triển khai cho tất cả giáo viên được nghe NXB, các tác giả giới thiệu về chương trình, từng bộ sách. Sau đó, giáo viên đọc, nghiên cứu, đánh giá ưu, nhược điểm của từng bộ SGK.

Bước tiếp theo, tổ chức họp tổ chuyên môn để nghiên cứu, thảo luận các văn bản hướng dẫn về lựa chọn SGK, thống nhất cách thức, phương pháp làm việc; tiếp tục tổ chức nghiên cứu SGK; nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các SGK theo tiêu chí của UBND tỉnh; thực hiện bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học. Tổ trưởng tổ chuyên môn báo cáo hiệu trưởng danh mục SGK do tổ đề xuất lựa chọn, có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuối cùng, trường tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất. Tiến hành lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học theo tiêu chí lựa chọn SGK của UBND tỉnh và báo cáo sở GD&ĐT danh mục SGK do trường đề xuất lựa chọn.

“Để triển khai tốt nhất bộ SGK mới từ năm học tới, chúng tôi đề nghị giáo viên tiếp tục đọc, nghiên cứu các SGK được phê duyệt để nắm vững, hiểu rõ hơn mục tiêu, ý tưởng của các tác giả viết sách. Nhà trường bắt đầu xây dựng chương trình giáo dục năm học 2022 - 2023, có định hướng xác định các môn học lựa chọn, chủ đề tự chọn, bảo đảm phù hợp với nguyện vọng, năng lực học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để triển khai chương trình mới”, cô Ngô Thị Quyên chia sẻ.

Hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng

Tại Hòa Bình, thông tin từ bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT, các Hội đồng đã tiếp nhận kết quả đề xuất SGK của cơ sở giáo dục. Từ 15 - 30/3, địa phương tổ chức họp các Hội đồng lựa chọn SGK theo từng môn học, triển khai đầy đủ công việc theo đúng quy định, quy trình; tổ chức họp, thảo luận, đánh giá một cách công khai; tổng hợp ý kiến các thành viên, thảo luận và tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn SGK bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch.

Dự kiến ngày 7/4, các Hội đồng lựa chọn SGK lớp 10 năm học 2022 - 2023 hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm lựa chọn sách hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Kim Tuyến cũng cho biết: Hiện giá bán các đầu sách chưa được công bố nên ảnh hưởng đến việc lựa chọn sách bảo đảm tiêu chí “phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh Hòa Bình”.

Ngày 23/3, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã thông báo danh mục SGK lớp 7, 10 tổng hợp từ đề xuất của các cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT. Theo đó, đầu sách được đề xuất khá phong phú; cả 3 bộ sách: Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống đều có trong danh mục này. Ngoài các bộ sách trên, ở môn Tiếng Anh có thêm 3 bộ SGK trong danh mục đề xuất là của NXB ĐHSP TP Hồ Chí Minh, NXB ĐHQG TP Hồ Chí Minh và NXB ĐH Huế.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, ông Trịnh Văn Ngoãn, ngày 2/3, sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tổ chức lựa chọn SGK lớp 7, lớp 10; ngày 14/3, ban hành Kế hoạch tổ chức Hội đồng lựa chọn SGK lớp 6, 7, 10 năm học 2022 - 2023. Sở GD&ĐT cũng đã có tờ trình gửi Bộ GD&ĐT, đề xuất phương án tổ chức lựa chọn SGK môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở tỉnh Vĩnh Long.

Nội dung đề xuất là chỉ yêu cầu các trường THCS, THPT thực hiện quy trình đề xuất lựa chọn SGK môn Âm nhạc, Mĩ thuật lớp 10 năm học 2022 - 2023; trong đó tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT là tổ chuyên môn có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THCS; giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THCS có bằng tốt nghiệp từ ĐH trở lên mới được tham gia lựa chọn SGK ở 2 môn học này.

Với Hội đồng lựa chọn SGK môn Âm nhạc, Mĩ thuật lớp 10 cấp tỉnh, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và chuyên đề học tập lựa chọn môn Âm nhạc, Mĩ thuật lớp 10; Ủy viên Hội đồng là các giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THCS trên địa bàn có bằng tốt nghiệp từ ĐH trở lên.

Các trường THPT tại Đắk Lắk sẽ báo cáo đề xuất danh mục SGK về sở GD&ĐT trước 29/3. Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, nhấn mạnh: Lựa chọn SGK là nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục. Kết quả lựa chọn này là căn cứ để hội đồng cấp tỉnh lựa chọn SGK sử dụng chung trong toàn tỉnh. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn SGK theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và sở GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ