Nhiều chính sách tốt hơn cho người lao động

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 20/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. 

Nhiều chính sách tốt hơn cho người lao động

Với nhiều chính sách đảm bảo các quyền lợi tốt hơn cho người lao động và thuận lợi về hệ thống an sinh xã hội đang ngày càng hoàn thiện, cùng với đó là sự đồng thuận của nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Luật BHXH sửa đổi được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Nhiều nội dung cải cách

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Luật BHXH có nhiều nội dung cải cách, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, tăng cường khả năng bền vững cho hệ thống BHXH. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật BHXH sửa đổi gồm 5 nội dung: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm; Hoàn thiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội; Đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động ở các thành phần kinh tế; Đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, sự bền vững của hệ thống BHXH; Tổ chức thực hiện minh bạch, đơn giản, thuận tiện hơn.

Mở rộng đối tượng tham gia bao gồm, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người lao động là công dân nước ngoài. Với bảo hiểm xã hội tự nguyện: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần; Hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; Đa dạng các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện.

Nam giới được nghỉ… thai sản

Theo Luật BHXH sửa đổi, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện nay; Mức hưởng thấp hơn sau 180 ngày ốm đau dài ngày cũng được nâng từ 45% lên 50%; Sửa đổi quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Điểm đáng chú ý mới trong Luật BHXH sửa đổi là lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con với thời gian tối thiểu là 5 ngày và tối đa là 14 ngày; Đối với lao động nữ khó mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ chỉ cần đóng BHXH từ đủ 3 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thay vì 6 tháng; Bổ sung chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Bổ sung quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH.

Một trong những quy định mới được người lao động quan tâm là vấn đề thay đổi mức đóng, hưởng BHXH. Theo luật mới sẽ được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa tiến tới người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.

Nhằm giảm thiểu tình trạng nghỉ hưu trước tuổi, luật sửa đổi quy định tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, đồng thời hạn chế giải quyết BHXH một lần và tăng mức trợ cấp BHXH một lần lên mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đối với chế độ tử tuất, bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần. Đồng thời, tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng chết, từ 1,5 tháng lên 2 tháng cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Lộ trình tiến tới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, cụ thể: Trước năm 1995: 5 năm; Từ 01/01/1995 - 31/12/2000: 6 năm; Từ 01/01/2001 - 31/12/2006: 8 năm; Từ 01/01/2007 - 31/12/2015: 10 năm; Từ 01/01/2016 - 31/12/2019: 15 năm; Từ 01/01/2020 - 31/12/2024: 20 năm: Từ 01/01/2025 trở đi: Toàn bộ quá trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ