Hiện tượng dậy thì xuất hiện trước 9 tuổi ở trẻ trai và 8 tuổi ở trẻ gái thì được coi là sớm. Thậm chí có những trẻ mới 2-3 tuổi đã dậy thì. Những năm gần đây, số trẻ đến viện khám về bệnh này có dấu hiệu tăng, có thể do nhiều bậc cha mẹ đã biết đó là biểu hiện bất thường.
“Một số biểu hiện nhận biết trẻ dậy thì sớm như trẻ cao nhanh hơn, lông phát triển. Bé trai có cơ bắp nở nang, dương vật dài ra, có râu, trứng cá, vỡ giọng.
Bé gái người nở nang, ngực phát triển, bộ phận sinh dục lớn và sẫm màu, có thể xuất hiện kinh nguyệt… Khi con có biểu hiện trên, cha mẹ nên nghĩ tới việc trẻ bắt đầu dậy thì”, TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền (BV Nhi TƯ), cho biết.
Trẻ dậy thì sớm cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân, đề phòng trường hợp đáng tiếc xảy ra. Có 2 loại dậy thì sớm: Dậy thì sớm thật có nguồn gốc từ sự tăng tiết một hormone ở vùng dưới đồi tuyến yên, hormone này chỉ huy các tuyến sinh dục hoạt động.Nguyên nhân của hiện tượng này thường là u não, cách giải quyết là cắt bỏ u hoặc nếu u ở sâu không lấy được thì dùng tia xạ và thuốc.
Còn dậy thì sớm giả bắt nguồn từ các vấn đề ở tuyến thượng thận, tinh hoàn hoặc buồng trứng. Nếu dậy thì sớm do sự kích hoạt của não như u não, tổn thương não... thì rất dễ dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Nếu trẻ dậy thì sớm do bất thường của hormone sinh dục có thể là nguy cơ tiềm ẩn một số bệnh như u nang buồng trứng ở bé gái, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh ở bé trai.
Bé gái dậy thì sớm còn có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng cao hơn trẻ bình thường. Dậy thì sớm ở bé trai còn có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều chỉnh kịp thời. Tùy theo nguyên nhân, các trường hợp dậy thì sớm giả được điều trị bằng thuốc nội tiết dành cho tuyến thượng thận (dùng suốt đời), cắt bỏ u...
Cũng theo TS Hoàn, ngoài những nguy cơ trên, dậy thì sớm sẽ kích hoạt sự phát triển xương khiến trẻ cao lên rất nhanh. Tuy nhiên, các đầu xương sau đó nhanh chóng đóng lại làm cho trẻ không tiếp tục cao thêm. Do đó, những trẻ bị dậy thì sớm thường thấp hơn bạn cùng lứa và không đạt đến chiều cao mà gene di truyền của trẻ quy định.
Bên cạnh đó, khi trẻ dậy thì sớm sẽ có một thời gian thay đổi tâm sinh lý nên rất cần sự quan tâm của người lớn.
“Cha mẹ nên quan tâm đến con cái, thường xuyên cập nhật thông tin về giới tính, cùng trao đổi, tâm tình với con như người bạn... Hãy là bạn đồng hành của con trong giai đoạn quan trọng này. Việc ăn uống, tập luyện cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
Vì lo lắng con bị ảnh hưởng của việc dậy thì sớm nên có cha mẹ đã tìm cách hạn chế dậy thì của con một cách thiếu khoa học, thậm chí lạm dụng như tiêm thuốc ức chế hormone. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc nội tiết dành cho trẻ luôn là “con dao hai lưỡi”, TS Hoàn cảnh báo.