Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước

GD&TĐ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.

Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước

Theo đó, Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Kho bạc Nhà nước có nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước được giao theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể, tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước các khoản tiền do các tổ chức và cá nhân nộp tại hệ thống Kho bạc Nhà nước; thực hiện hạch toán số thu ngân sách nhà nước cho các cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác được giao theo quy định của pháp luật; quản lý quỹ ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước, định kỳ công bố tỷ giá hạch toán phục vụ cho việc hạch toán các khoản thu chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ; quản lý, kiểm soát và thực hiện nhập, xuất các quỹ tài chính nhà nước do Kho bạc Nhà nước quản lý; quản lý các khoản tạm thu, tạm giữ, tịch thu, ký cược, ký quỹ, thế chấp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước thực hiện tổ chức thực hiện kế toán ngân sách nhà nước; tổ chức quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống; tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ; thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của Kho bạc Nhà nước; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật...

Cơ cấu tổ chức

Kho bạc Nhà nước được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính, bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất.

Cơ quan Kho bạc Nhà nước ở Trung ương gồm: Vụ Tổng hợp - Pháp chế; Vụ Kiểm soát chi; Vụ Kho quỹ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tài vụ - Quản trị; Văn phòng; Cục Kế toán nhà nước; Cục Quản lý ngân quỹ; Cục Công nghệ thông tin; Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước; Trường Nghiệp vụ Kho bạc; Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia.

Cơ quan Kho bạc Nhà nước ở địa phương gồm: Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ