Nhất quỷ nhì ma...

Nhất quỷ nhì ma...

(GD&TĐ) - Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghệ An là vùng đất tự do, là căn cứ địa kháng chiến, nơi rèn cán bộ, chỉnh quân chủ lực, bổ sung sức người, sức của cho tiền tuyến. Bởi vậy mà địch ngày càng tăng cường cho máy bay lùng sục đánh phá hậu phương để cứu vãn sự thất bại của chúng ở chiến trường.

Lớp học thời chiến
Lớp học thời chiến
 

Tôi vào học Trường Nguyễn Xuân Ôn niên khóa 1949 - 1950 vào giai đoạn gian nan đó. Trường học nằm sát đường quốc lộ số 1 ở Thị  trấn Diễn Châu nên học hành chẳng được mấy, công việc đào hầm hào, chạy tránh máy bay mất hết cả thời gian. Rồi trường buộc phải sơ tán về làng Mai.

Làng Mai đẹp, kín đáo ẩn mình dưới những rặng dừa xanh tốt, những hàng cây cao bóng cả. Công việc phòng tránh máy bay địch thuận lợi hơn, nhưng khốn nỗi ở Làng Mai có một loại cây gây ngứa gọi là cây han, mọc tràn lan trong thôn xóm, nhân dân lợi dụng làm hàng rào che chắn quanh làng. Ai không biết hoặc sơ ý sờ vào lá nó, lập tức bị dị ứng ngứa ngáy bỏng rát...

Ngày ấy, cả huyện Diễn Châu mới chỉ có một trường công lập Nguyễn Xuân Ôn. Học sinh không phải đóng học phí nhưng để được ngồi trên ghế ngôi trường này, phải thi cử rất nghiêm minh và phải đạt điểm chuẩn cao. Đội ngũ thầy giáo thì tuyệt vời uyên bác. Thầy hiệu trưởng Cao Xuân Huy là người có công đầu trong việc xây dựng nhà trường sau ngày cách mạng tháng Tám thành công (1946 - 1950) thời kỳ đầy khó khăn thiếu thốn.

Chăm chú
Chăm chú
 

Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh các thầy giáo ngày ấy, chịu gian khổ với phong trào giáo dục quê nhà vẫn in đậm trong trí nhớ tôi. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là thầy Cao Xuân Thiệu (gọi cụ Cao Xuân Huy bằng chú).

Thầy có khuôn mặt sang trọng, đôi mắt sáng đẹp, đặc biệt thầy có bộ râu quai nón lúc nào cũng được cạo nhẵn thín càng làm cho thầy thêm đạo mạo nghiêm trang. Trước cách mạng tháng Tám, nghe đâu thầy làm đến chức Tri huyện, Tri phủ gì đó, vậy mà thầy hiền lành, đức độ, vị tha lắm. Tôi chưa thấy thầy quát nạt học trò bao giờ.

Đáng kính nhất là lúc có báo động máy bay oanh tạc, học trò sợ hãi nhảy lên bàn ghế, xô đẩy nhau chạy ra hầm. Thầy Thiệu vẫn bình tĩnh, đàng hoàng đứng quan sát hướng dẫn cho học sinh xuống hầm hết, rồi thầy mới yên tâm ẩn nấp. Thế mà trong bọn học trò tinh nghịch chúng tôi thuở ấy, có đứa dại dột đã xử tệ với thầy.

Một hôm, vào giờ học Pháp văn đầu buổi sáng do thầy Thiệu dạy, thầy vào lớp, học sinh đứng dậy chào thầy như thường lệ nhưng ngước nhìn bảng, thì bảng mới chỉ lau qua quýt. Trực nhật lớp vắng mặt, nghỉ ốm. Giẻ lau bảng không có, rồi không biết cậu nào lại bứt một nắm lá han để dưới bảng đen. Cũng tưởng như lá khoai lá mướp thường dùng, nên khi lên bục giảng bài, thầy đã cầm nắm lá độc hại đó để lau bảng. Thế là chuyện không lành đã xảy ra. Chỉ phút chốc, lòng bàn tay của thầy đã bị dị ứng bừng đỏ.

Thầy vứt nắm lá xuống đất, xòe bàn tay đỏ lựng lên trước năm chục cặp mắt sợ hãi của học trò. Chúng tôi vừa thương thầy vừa giận cho sự đùa nghịch dại dột của bạn nào đó. Cả lớp học im lặng, nín thở đón đợi một cơn thịnh nộ trút giận xuống đầu mọi người. Xoa xoa tay vào nhau để làm dịu bớt sự ngứa ngáy rát bỏng, nén tức giận, thầy không nặng lời mắng mỏ mà chỉ nhắc nhẹ một câu "Lần sau các em đừng đùa nghịch thế này nữa. Thầy đau cũng như các em đau”.

Lời dạy bảo của thầy ngắn gọn, dịu dàng mà thấm sâu vào tâm hồn chúng tôi, sợ hơn nhiều những lời quát nạt, xỉ vả. Ôi sự nghịch ngợm dại dột của tuổi học trò và tấm lòng độ lượng vị tha cao cả của thầy giáo! Chuyện nhỏ vậy thôi mà thành một bài học lớn đi theo suốt cuộc đời tôi.

Cao Khắc Tưởng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ