“Kẻ lạc loài”
5 tháng sau trận động đất gây sóng thần kinh hoàng buộc gia đình phải sơ tán khỏi Fukushima, cậu bé vào học một ngôi trường mới tại Yokohama và cũng từ đây bắt đầu một cuộc sống địa ngục.
Các bạn học mới của cậu bé coi cậu là “kẻ lạc loài” và giở đủ trò hành hạ, từ trộm vật dụng cá nhân cho tới đấm đá và quật xuống nền nhà, nhốt vào phòng kín. Mức độ hành hung càng ngày càng hung bạo với cậu bé mới chỉ 8 tuổi.
Bạo lực xảy ra suốt gần 3 năm trước khi những kẻ bắt nạt chuyển sang cách thức hành hạ mới. Năm 2014, chúng bắt cậu bé nộp toàn bộ tiền đền bù mà gia đình nhận được sau khi sơ tán. Thực tế bố mẹ cậu không đủ điều kiện để nhận khoản đền bù nào nhưng người thân đã cho vay 1,5 triệu yên (13.000 USD). Bố mẹ cậu cất tiền mặt ở nhà vì lo tài khoản ngân hàng quá hạn sử dụng. Cậu bé trộm toàn bộ số tiền trên và giao nộp cho những kẻ bắt nạt. Sau khi nộp tiền cậu bé cũng nghỉ học luôn.
Bé trai kể trên, năm nay 13 tuổi, là một trong hàng trăm trẻ sơ tán đã bị bắt nạt ở ngôi trường mới. Nó cũng chỉ là một góc nhỏ trong nạn bắt nạt mang tính bạo lực trong học đường.
Nghiêm trọng bất thường
Bắt nạt trong trường học Nhật Bản có thể không phổ biến so với nhiều nước khác nhưng khi đã xảy ra thì ở mức độ nghiêm trọng bất thường. Năm 1986, một cậu bé tự sát sau khi bạn học, được giáo viên “bật đèn xanh”, hành hạ tinh thần với trò tang lễ giả. Kể từ đó, hàng nghìn bài báo, hàng trăm cuốn sách đã được viết về chủ đề này. Nhưng không có dấu hiệu tội phạm bắt nạt hạ nhiệt. Tự sát là nguyên nhân tử vong số 1 với người Nhật từ 10 - 19 tuổi.
Theo Mitsuru Taki, Bộ Giáo dục, bắt nạt tại các quốc gia khác có xu hướng liên quan tới 2 hoặc 3 học sinh nhằm vào một học sinh khác. Còn tại Nhật Bản thì khác, hầu hết các vụ việc liên quan tới một bộ phận lớn trong lớp gây ra đau đớn tâm lí dai dẳng (một số trường hợp là thể xác) đối với một nạn nhân duy nhất. “Những kẻ bắt nạt tại Nhật Bản không phải là những kẻ táo thối” – Taki nói – “Đó là một hiện tượng nhóm”.
Có nhiều lí do cho hình thức bạo lực kì thị này. “Một đặc điểm ở Nhật Bản là bạn không nên khác người” – Hiệu trưởng một trường THCS tại Tokyo nhận xét. “Học sinh phải hoà nhập cuộc sống tập thể khi ở trường” – Koju Matsubayashi, thuộc bộ phận chống bạo lực Bộ Giáo dục, giải thích rõ hơn. Erika, năm nay 18 tuổi, đã nghỉ học tại một trường ở Tokyo sau khi bị bắt nạt, đồng ý với quan điểm này: “Giáo viên chỉ cho tôi 2 lựa chọn, thích nghi hoặc nghỉ học, vì vậy tôi nghỉ học”.
Mô hình học và làm việc theo nhóm trong trường học Nhật Bản một mặt xây dựng kĩ năng làm việc tập thể và trách nhiệm với cộng đồng nhưng một mặt gây áp lực lên những học sinh “cá tính”. Các hoạt động ở trường như lau dọn, ăn trưa và học đều tổ chức theo nhóm. Học sinh thường phải tuân thủ chính xác quy định về đồng phục, kiểu tóc… Những cá nhân không tuân thủ có thể bị các bạn cùng lớp tẩy chay.