Điều này có liên quan đến tác động của đại dịch Covid-19 lên tài chính của các hộ gia đình và sức khỏe tâm thần của sinh viên.
Kết quả cuộc khảo sát vào tháng 2/2021 của Viện Giáo dục Kawaijuku cho thấy, số lượng đơn đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh vào 107 trường đại học tư thục hàng đầu cả nước giảm 12% so với năm 2020. Dữ liệu bổ sung do Bộ Giáo dục công bố vào tháng trước cũng chỉ ra hơn 1.300 sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học gồm đại học công lập, tư thục, cao đẳng đã bỏ học từ tháng 4/2020.
Những lý do hàng đầu dẫn đến sự sụt giảm này là do vấn đề học phí, tiếp đến là sự cô độc, thiếu động lực khi phải học trực tuyến tại nhà trong thời gian dài. Một nam sinh 20 tuổi tại Trường Đại học Chiba chia sẻ quyết định nghỉ học do khó khăn tài chính và thiếu bạn bè.
Người này cho biết: “Tôi không đủ khả năng trả học phí vì thu nhập đã giảm đáng kể. Tôi bị mất việc làm bán thời gian khi công ty đóng cửa do đại dịch Covid-19. Vì vậy, tôi quyết định tìm một công việc cụ thể thay vì vay tiền để học nhưng tương lai còn mờ mịt”.
Tomihiro Kokubo, phụ trách Tư vấn cho sinh viên tại tổ chức giáo dục JAIC dự đoán số lượng sinh viên bỏ học sẽ không chỉ tăng trong năm nay khi việc làm trở nên khan hiếm, thu nhập không ổn định. Áp lực sẽ gia tăng lên các trường đại học trong việc chỉnh sửa chỉ tiêu tuyển sinh, thay đổi những quy định tuyển sinh trong hệ thống cũ để xoay sở trước sự sụt giảm này.
Theo quy định, sinh viên gặp khó khăn về tài chính tại các trường đại học được phép nghỉ học tạm thời. Năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã trao 270.000 suất học bổng có giá trị lên đến 100.000 yên (khoảng 20 triệu đồng) cho sinh viên hoặc gia hạn thanh toán học phí. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ khiến tình trạng sinh viên bỏ học tăng cao, tạo nên những hậu quả lâu dài đối với giáo dục đại học tại Nhật Bản.
Giáo sư Kaori Suetomi, chuyên gia Chính sách Giáo dục tại Trường Đại học Nihon cho biết, các trường cần cải tổ hệ thống, tạo sự linh hoạt hơn trong việc đào tạo học thuật và quản lý sinh viên.
Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các trường đã không chú trọng xây dựng chính sách hoặc hỗ trợ sinh viên nghỉ học. Vì vậy, khi đại dịch bùng phát, vấn đề này càng khoét sâu trong các trường, gây nên sự bất ổn định có thể kéo dài trong tương lai.
Suetomi, nhà nghiên cứu về chỉ số hạnh phúc của sinh viên, cho rằng khi chọn trường đại học, ứng viên thường quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ, hoạt động ngoại khóa trong khuôn viên trường.
Để khắc phục tình trạng sụt giảm, các trường có thể phát triển chính sách mới, thay đổi phương pháp giảng dạy giúp sinh viên kết nối lẫn nhau. Những hỗ trợ dành cho sinh viên đã trở thành vấn đề then chốt của các trường đại học nếu muốn nâng cao khả năng chiêu mộ ứng viên.
Suetomi cho biết: “Năm 2020, các trường đã cố gắng duy trì hoạt động bằng cách trao học bổng, trợ cấp đặc biệt cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Năm nay, để tiếp tục duy trì, các trường cần quan tâm đến nhu cầu của sinh viên, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe tâm thần”.