Nhật Bản: Anh ngữ không phải cây đũa thần

GD&TĐ - Nhật Bản bị coi là giáo dục Anh ngữ không hiệu quả, học sinh được học Anh ngữ quá muộn, tiếng Anh cũng không được coi trọng trong tuyển dụng lao động… 
Nhật Bản: Anh ngữ không phải cây đũa thần

Đây là một trở lực tới cạnh tranh quốc tế của người lao động, của doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, trình độ Anh ngữ kém không phải hạn chế lớn nhất của nền GD, mà theo nhiều chuyên gia GD thì hạn chế lớn nhất là chưa dạy được học sinh bộc lộ suy nghĩ.

Vội vã trang bị Anh ngữ

Trước những chỉ trích hệ thống giáo dục chưa quan tâm đúng mức tới Anh ngữ, Bộ Giáo dục Nhật Bản hiện đang đẩy mạnh giáo dục Anh ngữ ở trường tiểu học với mục tiêu nâng cao “tư duy toàn cầu, giao tiếp toàn cầu và cạnh tranh toàn cầu” của lực lượng lao động, giúp phục hồi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Các công ty như kinh doanh trực tuyến Rakuten, và Fast Retailing Co., chủ sở hữu hãng bán lẻ quần áo lớn nhất châu Á Uniqlo, đang có xu hướng chuyển đổi ngôn ngữ làm việc trong công sở từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Trong khi nhiều công ty khác cũng đang bắt đầu tuyển dụng nhân viên từ các quốc gia khác nhau nhằm đa dạng hóa lực lượng lao động và tăng bản sắc cho công ty của họ.

Quan điểm của đa số phụ huynh, nhà giáo dục và giám đốc doanh nghiệp là không thể sống hoặc kinh doanh trong thế giới ngày nay mà chỉ sử dụng duy nhất tiếng Nhật, chỉ sống khép kín với giá trị và văn hóa Nhật. Không có Anh ngữ cũng đồng nghĩa với khó kiếm việc làm…

Tuy nhiên, nhiều nhà xã hội học Nhật Bản cho rằng, Anh ngữ chỉ là yếu tố thứ yếu cần cải thiện trong trường học, yếu tố quan trọng nhất và phải cải cách trước là kĩ năng bày tỏ quan điểm. Một giám đốc điều hành doanh nghiệp chia sẻ: “Người Nhật thường không bày tỏ thẳng quan điểm trái chiều về các vấn đề. Những người bạn nước ngoài của tôi nhận xét vậy. Có một thực tế là theo văn hóa Nhật, người ta nhấn mạnh tới “hòa hợp” hay gọi là “dĩ hòa vi quý” và thường không muốn xảy ra xung đột quan điểm”. Từ bé, trẻ em Nhật ít có cơ hội để bày tỏ quan điểm cá nhân về những vấn đề khác nhau, hoặc nói ra những điều mình nghĩ cả ở nhà và ở trường.

Thay đổi từ phía trường học

Một tuyển trạch viên cho một công ty Nhật cho biết: “Nhiều ứng viên Nhật mà tôi phỏng vấn rất thông minh nhưng họ lại không có thứ mà tôi tìm kiếm”. Một giám đốc công ty hạng trung kinh doanh máy móc chia sẻ rằng kĩ năng giao tiếp chỉ được cải thiện sau khi đi làm. Lí do là anh buộc phải nói thẳng nhiều hơn và bày tỏ rõ hơn quan điểm riêng.

Hiện giám đốc này trực tiếp bay khắp thế giới, gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia để đàm phán với khách hàng. “Tôi nghĩ rằng kĩ năng giao tiếp của mình tốt hơn nhiều sau khi tốt nghiệp và cũng tương tự với Anh ngữ” - giám đốc trên nói - “Tiếng Anh của tôi sẽ không tốt hơn nếu kĩ năng bộc lộ suy nghĩ bằng tiếng Nhật không được cải thiện”.

Các trường đại học mới bắt đầu thay đổi cách thức tuyển sinh gần đây. Thay vì chỉ dựa vào một kì thi tuyển sinh duy nhất, mang nặng thi cử - một số trường đại học đã bắt đầu tuyển chọn dựa vào các đánh giá ở trường trung học, và tìm hiểu họ muốn theo đuổi điều gì sau khi vào đại học.

Đại học Kyoto, một trường đại học hàng đầu Nhật Bản, dự kiến sẽ đưa bài luận, phỏng vấn và thư giới thiệu thành “điểm” tuyển sinh ngoài kết quả điểm thi chính thức. Đại học Tokyo, đại học số 1 quốc gia này, cũng đang xem xét thư giới thiệu là một yếu tố tuyển dụng trong kế hoạch đa dạng hơn cách thức tuyển sinh.

Hiệp hội Đại học quốc gia có kế hoạch tăng tỉ lệ thí sinh xét tuyển qua “đánh giá ngoài thi cử” lên 30% tổng số sinh viên từ năm nay đến năm 2021.
Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc phản công trong mùa đông.

Lời thề của ông Zelensky bị nghi ngờ

GD&TĐ - Theo Tổng thống Zelensky, Kiev sẽ tiếp tục cuộc phản công vào mùa thu và suốt mùa đông. Nhưng Ukraine có đủ nguồn lực cho việc đó không?