Nếu năm 2001, Việt Nam (VN) nhập siêu từ Trung Quốc mới chỉ là 210 triệu USD, thì đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu của VN từ thị trường này đã lên tới 16 tỉ USD, tăng tới hơn 76 lần.
Chưa hết, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2013 mức nhập siêu của VN đã lên tới 19,6 tỉ USD, thậm chí chỉ riêng trong tháng 11.2013 thống kê mới nhất Tổng cục Hải quan cho thấy VN đã thâm hụt thương mại với thị trường Trung Quốc lên tới hơn 2 tỉ USD. Điều này cho thấy nền kinh tế của VN đang bị lệ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc ngập thị trường
Dạo quanh các chợ tại TPHCM, từ chợ bán sỉ đến chợ bán lẻ, hầu như sạp nào cũng có hàng Trung Quốc bày bán đan xen với hàng Việt. Thậm chí có nhiều sạp hàng, ngành hàng, hàng Trung Quốc áp đảo.
Tại quầy hàng thực phẩm khô chợ An Đông, nhóm hàng gia vị dù hàng Việt có không ít thương hiệu nổi tiếng, nhưng trên sạp hàng vẫn bày bán những loại bột ngọt, sa tế, viên nước dùng, cải bắp thảo, tương, chao, hắc xì dầu, nước chấm… có xuất xứ Trung Quốc. Đó là chưa kể đến các loại nấm, từ những loại nấm tươi đến nấm sấy khô đa phần là nấm nhập từ Trung Quốc với giá bán rẻ hơn nhiều so với hàng cùng loại được trồng trong nước.
Các quầy hàng quần áo, giày dép ở các chợ từ thành thị cho đến nông thôn có đến 80% là sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại quần áo may sẵn từ áo thun, áo kiểu, váy đầm đến quần jean… đa số các sạp ở chợ đều là hàng Trung Quốc. Được biết, hàng tiêu dùng Trung Quốc đã luồn sâu về tới các vùng thôn quê, các chợ nhỏ lẻ ở khắp đất nước.
Dạo qua các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em sỉ và lẻ khu vực đường Lê Quang Sung (quận 6), hầu như cửa hàng nào cũng bày bán hàng nhập từ Trung Quốc.
Ngay cả các loại dụng cụ học tập như hộp bút, bút các loại, tẩy, thước, màu sáp, bút chì màu, bảng con,… cũng đầy các sản phẩm của Trung Quốc, dù những sản phẩm này các nhà sản xuất trong nước thừa sức đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngay cả trong hệ thống siêu thị, hàng Trung Quốc cũng đã chiếm lĩnh khu gian hàng gia dụng của các siêu thị Citimart, Lotte mart… với các sản phẩm gia dụng có xuất xứ Trung Quốc như kéo làm bếp, vá - muỗng inox, đèn pin, vợt đập muỗi, đèn sạc, bình đun nước điện, nồi cơm điện, máy xay sinh tố, máy ép trái cây,…. nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngay cả một số đồ dùng nhà bếp như bình đựng dầu, bình pha trà - càphê, lọ đựng tăm, siêu sắc thuốc, dụng cụ vắt cam, cối - chài nhỏ, vỉ nướng,… cũng có hàng Trung Quốc bày bán tại các siêu thị.
Theo khảo sát của chúng tôi, hàng Trung Quốc gần như lấn lướt hàng Việt Nam ở các chợ “cóc” gần khu công nghiệp, nơi có đông công nhân - và các chợ quê, nơi các bà nội trợ chuộng hàng giá rẻ. Tại chợ đêm TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), hầu như quầy hàng thời trang nào cũng có đồ Trung Quốc.
Một chiếc quần jean kiểu dáng “như hàng hiệu” giá chỉ từ 100.000 - 180.000 đồng, còn áo cũng chỉ từ vài chục nghìn đến 150.000 đồng một chiếc. Trung bình mỗi tháng, cửa hàng bán được vài chục đến cả trăm bộ. Các loại kẹp tóc, ví, thắt lưng... cũng rặt hàng Trung Quốc. Tại các chợ nông thôn, đồ chơi trẻ em đủ màu sắc hầu như là đồ Trung Quốc, mẫu mã đẹp mà giá siêu rẻ.
Các mặt hàng gia dụng, đồ điện, điện tử hiện cũng ồ ạt đổ về các vùng nông thôn với giá chỉ bằng 1/2 giá các mặt hàng trong nước sản xuất. Ông Hai Bé - chủ nhà phân phối hàng tiêu dùng Ngọc Điệp ở TP.Tân An (Long An) - cho biết, các mặt hàng hoa quả, thực phẩm, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, quần áo, giày dép, chăn, màn, đồ chơi trẻ em… có nguồn gốc từ Trung Quốc đang tràn ngập các chợ nông thôn vì giá rất “bèo”.
Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập như vừa nêu là một trong những nguyên nhân gây mất cân đối cán cân thương mại? Được biết, Trung Quốc cũng là nhà thầu lớn nhất của VN, nên các sản phẩm hàng hóa, nguyên phụ liệu cho sản xuất, đầu tư được nhập từ nước này đã làm gia tăng tỉ lệ nhập siêu của VN từ Trung Quốc.
Nhập siêu có chọn lọc?
Trong lúc cả nước đang trở thành thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc như vừa nêu thì Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) vẫn cho rằng: Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm, là đối tác thương mại hàng đầu của VN với kim ngạch thương mại song phương năm 2012 đạt 41,1 tỉ USD. Và dự báo kim ngạch thương mại hai chiều cả năm 2013 sẽ xấp xỉ 50 tỉ USD.
Tuy nhiên, nếu nhìn các mặt hàng VN xuất sang Trung Quốc chỉ có rau quả, nhân điều, cà phê, chè các loại, gạo, caosu, sắn và các sản phẩm từ sắn thì mới thấy VN nhập siêu từ Trung Quốc là điều khó tránh. Được biết, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nêu trên sang Trung Quốc chỉ vẻn vẹn có hơn 4,33 tỉ USD, trong khi kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước lên tới 41,1 tỉ USD.
Điều này cho thấy cán cân thương mại giữa VN và Trung Quốc đã mất cân đối nghiêm trọng tới mức nào. Vậy mà tại cuộc họp giao ban tháng 12, Vụ phó Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương Nguyễn Việt Chi cho biết, tốc độ tăng nhập siêu từ 2001 - 2008 trên 85% đã giảm còn 17%/năm giai đoạn 2009 - 2013. Xét về tỉ lệ giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng có chuyển biến rõ rệt từ năm 2008, tỉ lệ đạt 255% và đến năm 2012 giảm 133%.
Nói về việc không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, phía lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương lại cho rằng: Những mặt hàng nhu yếu phẩm có mặt ở tất cả các thị trường từ nông thôn đến thành thị đều là hàng nhập tiểu ngạch vì VN có đường biên giới dài với Trung Quốc, do vậy khả năng kiểm soát rất khó.
Giải thích về việc VN đang bị biến thành trị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ của Trung Quốc, phía Cục Xúc tiến thương mại lại cho rằng: Nền kinh tế VN là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, do vậy chi phí nguyên liệu đầu vào là cực kỳ quan trọng. Càng tiết kiệm được chi phí mà đáp ứng được yêu cầu thì phải thực hiện. Chúng ta đang nhập siêu từ phía Trung Quốc nhưng là nhập siêu có chọn lọc.
Trung Quốc có nguồn vật liệu dồi dào và giá cả cạnh tranh. Khi đã hội nhập với thế giới thì tất cả các rào cản phải được dỡ bỏ, hàng hóa đáp ứng được tiêu chí giá cả thực sự quan trọng. Còn theo phân tích của một vị cán bộ ở Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương thì với việc nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc sẽ dẫn đến nguy cơ cả nền kinh tế trở nên phụ thuộc vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc, biến nền kinh tế đất nước lệ thuộc sâu vào một quốc gia khác.
Theo Lao động