Nhân viên trường học mong chờ chế độ tương xứng

GD&TĐ - Dù đảm nhận khối lượng công việc lớn, thậm chí kiêm nhiệm nhiều vị trí, nhưng nhân viên trường học nhận thu nhập chưa tương xứng, phụ cấp ít ỏi.

Nhân viên trường học chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với Công đoàn ngành Giáo dục. Ảnh: CĐGD Nghệ An
Nhân viên trường học chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với Công đoàn ngành Giáo dục. Ảnh: CĐGD Nghệ An

Điều này ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư và nguyện vọng người lao động. Nhiều trường học tại Nghệ An muốn cải thiện thu nhập cho nhân viên, nhưng không có quy định và kinh phí chi trả.

Việc thêm - lương thấp

Cô Quang Thị Dung làm nhân viên thư viện Trường THPT Tương Dương 2 (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã 18 năm. Thu nhập mỗi tháng của cô hiện nay khoảng 10 triệu đồng, bao gồm lương và các phụ cấp. Mức lương này còn thiệt thòi so với mặt bằng chung giáo viên cũng như thời gian công tác ở trường vùng cao, song cô vẫn bằng lòng vì có việc làm ổn định.

Tuy nhiên, khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình, giọng cô nghẹn lại. Nhà cách xa trường, cô phải ở ký túc xá, còn chồng ở quê, công việc bấp bênh. Khó khăn chồng chất khi con sinh ra không may mắc bệnh bại não. Hai vợ chồng gom góp được tiền lại sắp xếp công việc, xin nghỉ phép đưa đi viện điều trị từ trong đến ngoài tỉnh.

“Nhiều lúc thấy số phận con kém may mắn tôi chỉ biết cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để bù đắp phần nào. Dù xa nhà và ở ký túc xá, nhưng tôi thực sự gắn bó với công việc và ngôi Trường THPT Tương Dương 2. Ban giám hiệu và đồng nghiệp biết hoàn cảnh cũng tạo mọi điều kiện hỗ trợ tôi trong công việc. Vì vậy, bản thân chưa từng có ý định chuyển trường hay tìm kiếm công việc khác mà chỉ mong chế độ lương, phụ cấp cho nhân viên trường học nâng lên”, cô Quang Thị Dung chia sẻ.

Cô Lê Thị Tú là nhân viên thư viện kiêm vai trò văn thư của Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đến nay đã 13 năm. Dù vậy, mức lương của cô chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, chênh lệch nhiều so với giáo viên.

“Cùng làm trong ngành Giáo dục nhưng nếu như giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên, đứng lớp thì chúng tôi chỉ có lương cứng. Điều thiệt thòi nhất là dù có bằng đại học, nhưng vị trí công việc của chúng tôi chỉ hưởng lương khởi điểm từ trung cấp…”, cô Tú trình bày.

Cũng như nhiều giáo viên, nhân viên trường vùng cao xa nhà khác, gia đình cô gặp nhiều vất vả khi phải… chia đôi. Chồng cô dạy học tại huyện Con Cuông và ở cùng con đầu, còn cô công tác tại huyện Kỳ Sơn nên đưa con gái út theo cùng ở nhà công vụ của trường.

Cũng là nhân viên trường học, nhưng thuộc diện “hợp đồng” lại càng vất vả, thiệt thòi hơn. Tốt nghiệp đúng chuyên ngành văn thư - thiết bị, có trình độ đại học và đến nay có gần 15 năm công tác tại Trường THCS Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), cô Võ Thị Hằng vẫn chỉ là nhân viên hợp đồng, với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Những năm gần đây, trường thiếu nhân viên y tế, trong khi không có biên chế tuyển dụng, nên cô Hằng kiêm nhiệm thêm vai trò này. Do không được đào tạo chuyên ngành y, cô chủ yếu lập hồ sơ, thống kê danh sách tham gia Bảo hiểm y tế của học sinh. Đồng thời tiếp nhận các trường hợp gặp vấn đề sức khỏe tại trường và làm thủ tục chuyển đến cơ sở y tế điều trị ban đầu. Mỗi tháng, với vai trò kiêm nhiệm, cô có thêm phụ cấp vài trăm nghìn đồng. Nguyện vọng của cô là sớm có thể trở thành nhân viên chính thức, để cải thiện thu nhập, trang trải cuộc sống với chi phí sinh hoạt lớn.

Cô Quang Thị Dung (trái), nhân viên thư viện Trường THPT Tương Dương 2, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Cô Quang Thị Dung (trái), nhân viên thư viện Trường THPT Tương Dương 2, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Mong chờ cải thiện chế độ lương

Liên quan đến vấn đề chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên trường học, đầu năm 2024, đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An, Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã khảo sát, nắm tình hình về đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhân viên trường học tại 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương.

Huyện Đô Lương là một trong những địa phương có số lượng nhân viên trường học lớn của Nghệ An với hơn 200 người ở 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS. Gần đây, nhân viên đang làm các nhiệm vụ như y tế, kế toán, thư viện, văn thư tại các nhà trường vừa có văn bản xin điều chỉnh một số chính sách lương và chế độ khác.

Theo khảo sát của Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương với 87 đơn vị giáo dục cho thấy, tình trạng thiếu biên chế nhân viên trường học đang phổ biến. Chính vì vậy, nhiều trường phải sử dụng nhân viên kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ không đúng chuyên môn. Ví dụ kế toán kiêm văn thư, thư viện kiêm thiết bị hoặc y tế… Công việc tuy “nhân đôi” nhưng thu nhập lại thấp, ảnh hưởng đến đời sống cũng như tâm tư người lao động.

Tại huyện Thanh Chương, ông Trần Xuân Hà - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Đội ngũ nhân viên ngành Giáo dục trên địa bàn thiếu trầm trọng. Không ít trường, nhân viên kế toán làm liên trường hoặc kiêm nhiệm. Dù làm nhiều nhiệm vụ, thường xuyên thêm giờ nhưng thu nhập của đội ngũ nhân viên thấp, hầu như không có phụ cấp khác.

Cô Nguyễn Thị Hội làm nhân viên thư viện kiêm y tế học đường tại Trường THCS Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương) đã 18 năm. Chia sẻ nguyện vọng đợt cải cách tiền lương sắp tới, cô mong nhân viên trường học được tạo điều kiện để đảm bảo cuộc sống. “Tôi đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc, nhưng chế độ phụ cấp không tương xứng sức lao động của mình”, nữ nhân viên trường học nói.

Hiện, nhân viên trường học đã biên chế được hưởng lương theo hệ số lương ngạch bậc theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP và hưởng thêm một số phụ cấp từ 0,1 (nhân viên kế toán) đến 0,2/tháng (nhân viên thiết bị) hoặc trợ cấp 20% phụ cấp ưu đãi (nhân viên y tế) tùy vị trí. Trong khi đó, với nhân viên văn thư lại không có thêm phụ cấp nào. Còn nhân viên hợp đồng được chi trả theo mức lương tối thiểu vùng III.

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2023 - 2024, số nhân viên đang làm việc tại nhà trường trên toàn tỉnh là 3.329 người. Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, thực tế các cơ sở giáo dục đều chi trả lương cho đội ngũ nhân viên theo quy định. Tuy nhiên, do lương và phụ cấp của nhân viên trường học thấp nên ảnh hưởng đến tư tưởng.

Các đơn vị cũng đánh giá đây là bộ phận công việc nhiều, áp lực cao nhưng thu nhập không tương xứng. Dù muốn cải thiện lương cho nhân viên, nhưng nhà trường không thể làm trái quy định và không có nguồn kinh phí để chi trả.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam thông tin, qua các đợt khảo sát tại địa phương, Công đoàn ngành nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và tập hợp các kiến nghị, đề xuất của nhân viên trường học. Từ đó có căn cứ đề xuất lên cấp trên có thẩm quyền xem xét và điều chỉnh để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhân viên trường học. Mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ giáo dục của nhà trường và toàn ngành.

Trước đó, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam nhận thư của tập thể nhân viên các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 4 đề xuất: Xem xét được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành hay phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp thâm niên nghề; Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh và xin xét thăng hạng thay vì thi thăng hạng, không đảm bảo tính công bằng giữa nhân viên lớn tuổi với trẻ tuổi, sự đồng đều giữa các địa phương và không chứng minh được năng lực kinh nghiệm; chính sách tiền lương cho nhân viên kế toán ngành Giáo dục còn thấp so với giáo viên và các vị trí tương tự ở ngành khác, chưa thực sự phù hợp với vị trí việc làm; giáo viên, nhân viên được nghỉ hè, nhưng kế toán vẫn phải đi làm và cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.