Chủ động phòng tránh từ xa
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Hoàng Thị Minh Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) nhấn mạnh, những năm qua nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tệ nạn xã hội cho học sinh, trong đó có việc tuyên truyền phòng tránh tác hại của thuốc lá/thuốc lá điện tử trong học đường.
Hằng năm, căn cứ công văn chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Nam Định, hướng dẫn của Phòng GD&ĐT TP Nam Định, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với lực lượng Công an, Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông tới CBGVNV và học sinh về tác hại cũng như cách phòng tránh khói thuốc lá. Tạo nhận thức đúng đắn và ý thức chủ động phòng tránh thuốc lá cho học sinh.
Thuốc lá điện tử là một thiết bị cho phép hít Nicotine ở dạng hơi chứ không phải khói. Thuốc lá điện tử mô phỏng hình dạng, chức năng của thuốc lá thông thường nhưng không tạo khói mà tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử được tạo ra trông giống như thuốc lá điếu, xì gà hoặc tẩu thuốc thông thường, một số giống như bút, thanh USB...
"Theo khuyến cáo từ lực lượng Công an cũng như các chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử có tác hại không thua kém gì thuốc lá thông thường. Học sinh nếu không chủ động phòng tránh sẽ dễ bị lôi kéo do lầm tưởng thuốc lá điện tử vô hại. Điều này rất nguy hiểm vì khói thuốc lá ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, nhất là ở lứa tuổi học đường", cô Hoàng Thị Minh Nguyệt trao đổi.
Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, một số vụ học sinh bị ngộ độc thuốc lá điện tử hoặc sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn chất ma túy đã xảy ra trong trường học tại một số địa phương cho thấy tính chất nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá mới đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người học, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đảm bảo an toàn trường học và an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Cũng theo cô Minh Nguyệt, hằng năm Sở GD&ĐT Nam Định đều có công văn hướng dẫn về triển khai tài liệu lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học/hoạt động giáo dục cấp Trung học; tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tác hại, cách phòng tránh thuốc lá/thuốc lá điện tử trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh.
Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên
Tại Trường THCS Nguyễn Văn Huyên (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), cô Hiệu trưởng Trần Thị Mai Hương cho hay, UBND huyện và Phòng GD&ĐT Hoài Đức luôn quan tâm, chỉ đạo về công tác phổ biến giáo dục pháp luật tới các nhà trường. Một trong các nội dung quan trọng được lồng ghép tuyên truyền là phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như nói không với các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường.
Mỗi năm học, nhà trường đều mời lực lượng Công an đến nói chuyện về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử cũng như việc nghiêm cấm học sinh sử dụng/buôn bán thuốc lá điện tử. Đồng thời mời các chuyên gia y tế đến từ Trung tâm y tế huyện tới trường truyền thông về chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và tác hại của các chất cấm như ma tuý, rượu bia, thuốc lá đối với học sinh.
"Khi nghe các chuyên gia phân tích, trước hết là người lớn gồm cả thầy cô giáo và phụ huynh phải là người làm gương đi đầu trong việc không sử dụng thuốc lá/thuốc lá điện tử để học sinh làm theo. Đồng thời nhà trường tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao bổ ích để học sinh được tham gia nhằm nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần", cô Mai Hương thông tin.
Ngoài ra, Đội xung kích của Liên đội nhà trường cũng tăng cường kiểm tra, giám sát học sinh trong thực hiện các quy định của nhà trường như ATGT, nghiêm cấm sử dụng thuốc lá, rượu bia, pháo nổ, vũ khí... Tất cả nhằm mục tiêu bảo đảm môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Không chỉ tự mình thực hành, các em học sinh còn chủ động truyền thông trên Facebook và website nhà trường về tác hại của thuốc lá và các chất cấm. Các em sẽ truyền thông đến phụ huynh, gia đình để mọi người cùng nhau không sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử cũng như buôn bán các chất cấm. Mỗi em sẽ là những tuyên truyền viên nhí trong phòng chống tác hại của thuốc lá ở mỗi gia đình/khu dân cư.