Nhân tài đất Việt: Học sinh Hà Nội “chinh phục” trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Đội tuyển Việt Nam với sự góp mặt của 2 học sinh Hà Nội đã xuất sắc giành HCV tại Hội thi Công nghệ thông tin Thiếu nhi ASEAN 2021.

Đội tuyển Việt Nam trong cuộc thi trực tuyến. Ảnh: Hoàng Anh
Đội tuyển Việt Nam trong cuộc thi trực tuyến. Ảnh: Hoàng Anh

Hai tài năng “nhí” đã chinh phục ban giám khảo bởi những ý tưởng sáng tạo khi tranh tài với thí sinh các nước ở chủ đề “AI (Artificial Intelligence) - Trí tuệ nhân tạo”.

Thu hẹp khoảng cách số

Cô Dương Thị Thanh Thủy - Trưởng bộ môn Công nghệ thông tin (CNTT), Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết: Được sự tín nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2008 đến nay, Đội tuyển Cung thiếu nhi luôn được lựa chọn để tham gia Hội thi Công nghệ thông tin Thiếu nhi ASEAN. 

Hội thi Công nghệ thông tin Thiếu nhi ASEAN là sáng kiến được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN lần thứ 8 và chính thức triển khai lần đầu tiên từ năm 2008. Mục tiêu của Hội thi nhằm thu hẹp khoảng cách số và nâng cao năng lực và sự hiểu biết trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho thiếu nhi ASEAN. Hội thi trở thành  sự kiện thường niên và thiết thực của ASEAN, được coi là sáng kiến điển hình về hợp tác ICT nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển bền vững.  

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội thi được Indonesia tổ chức ngày 16/1/2021 theo hình thức trực tuyến… với sự tham dự của 8 nước trong khối ASEAN gồm: Indonesia, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Brunei.

Vượt qua nhiều vòng tuyển chọn, hai thí sinh vinh dự được chọn vào đội tuyển Tin học của Cung Thiếu nhi Hà Nội, đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi này là: Lê Minh Quang – HS lớp 4A6 Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng); Ngô Quang Tùng – HS lớp 4A1 Trường Tiểu học, THCS & THPT VinschoolOceanPark (huyện Gia Lâm). Sau một ngày thi đầy căng thẳng, cam go, đội tuyển Việt Nam xuất sắc đoạt Huy chương Vàng.

Cô Thủy cho hay: Thi theo hình thức trực tuyến nên ban tổ chức (BTC) giám sát chặt chẽ quá trình làm bài thi của thí sinh. Các em lập trình độc lập trên máy tính do BTC cài đặt sẵn các phần mềm theo dõi màn hình, ghi âm tiếng động, camera gắn ngoài để bao quát phòng thi, bảo đảm sự công bằng cho các đội thi. Học sinh kết thúc phần thi phải nộp ngay bài thi cho BTC và các băng ghi âm, ghi hình.

Hai tài năng nhí và cô Dương Thị Thanh Thủy. Ảnh: Hoàng Giang
Hai tài năng nhí và cô Dương Thị Thanh Thủy. Ảnh: Hoàng Giang

Thành công nhờ đam mê

Lần đầu thi theo hình thức trực tuyến, em Lê Minh Quang bộc bạch: Tuy không cảm nhận được không khí của trường thi, không có cơ hội giao lưu với bạn bè các nước do thi trực tuyến, nhưng được sự động viên của gia đình, nhà trường, em đã tập trung cho phần thi của mình cùng với sự hợp tác của bạn Ngô Quang Tùng. Trong khi đó, Tùng cho biết rằng em được học và làm quen nhiều với máy vi tính nên rất phấn khởi tham gia cuộc thi với mong muốn chinh phục được những chủ đề mới về CNTT.

Năm nay, Việt Nam gửi tới BTC chủ đề “Thiếu nhi ASEAN đoàn kết chiến thắng virus Corona” và đội tuyển cũng chuẩn bị kỹ càng cho nội dung này cộng với luyện tập các phương án ứng phó với sự thay đổi chủ đề. 

Vậy nên, khi BTC bốc thăm đề do đoàn Singapore gửi đến cuộc thi là AI (Artificial Intelligence) - Trí tuệ nhân tạo, đội tuyển Việt Nam đã nhanh chóng thảo luận và chọn phương án ứng dụng AI vào chủ đề “Thiếu nhi ASEAN đoàn kết chiến thắng virus Corona”. Vai trò của AI được thể hiện trong việc chẩn đoán virus Corona giữa vô vàn các loại virus khác tồn tại trong môi trường. Như vậy, với sự hỗ trợ của AI, robot siêu anh hùng đến từ Việt Nam - nhân vật chính của trò chơi lập trình bằng Scratch sẽ tiết kiệm được vắc-xin và các nguồn lực khác. 

Tuy đề thi khó và bất ngờ, nhưng đã góp phần cộng điểm cho ý tưởng của đội tuyển Việt Nam. Một mặt, chủ đề Việt Nam đã chuẩn bị về chiến thắng dịch bệnh Covid-19 là vấn đề nóng trên toàn cầu. Mặt khác, công nghệ mà đội tuyển sử dụng (AI) - cũng là một trong những công nghệ hiện đại nhất hiện nay… Hai tài năng nhí đã chinh phục BGK cuộc thi bởi ý tưởng độc đáo, sáng tạo cùng trình độ sử dụng ngôn ngữ Scratch thành thạo, linh hoạt và vốn tiếng Anh sẵn có của mình. 

Chị Đặng Bích Việt - mẹ em Lê Minh Quang chia sẻ: Thấy con yêu thích CNTT, chúng tôi cho con theo học tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Thêm nữa, việc con tham gia cuộc thi là để thỏa niềm đam mê về CNTT; động lực để con tiếp tục khám phá lĩnh vực đầy lý thú này và thấy rằng, việc áp dụng công nghệ vào cuộc sống là một nhu cầu tất yếu trong kỉ nguyên công nghệ số, chứ không có bất kỳ áp lực nào về thành tích. Rất may mắn, đội thi của con đã đoạt giải cao nhất. Trước đó, năm 2018, cháu Lê Đặng Minh Nhật, anh trai của Minh Quang khi tham gia cuộc thi này tại Brunei cũng xuất sắc đoạt giải Vàng. Đây cũng là động lực để cháu Quang tiếp tục đến với cuộc thi với quyết tâm cao nhất.

Chị Nguyễn Thị Lan - mẹ em Ngô Quang Tùng thông tin: Tùng đam mê CNTT từ nhỏ, coi chiếc máy vi tính là bạn thân thiết nên gia đình hướng con học phần mềm, lập trình để tiếp cận với CNTT lành mạnh, hữu ích, tránh tiếp cận với game xấu, độc hại… Việc học CNTT giúp con tiếp cận các môn học khác cũng nhanh nhạy và sáng tạo hơn.

Từng đoạt giải Nhất cấp quận cuộc thi Tin học trẻ; giải Nhất cấp thành phố thi Sáng tạo Vifotec, Lê Minh Quang đã tự tin bước vào kỳ thi. Còn với Ngô Quang Tùng, vốn tiếng Anh được học từ khi còn nhỏ nên không mấy khó khăn, lúng túng giúp khi tiếp cận cuộc thi. Điểm chung của 2 tài năng “nhí” là yêu thích CNTT, ưa khám phá sự đa dạng của các phần mềm, chương trình lập trình đòi hỏi tư duy và nhanh nhạy nắm bắt sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.