(GD&TĐ)-Ngày 10/4, tại Hội thảo khởi động và triển khai Dự án nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giáo dục nhân lực y tế tổ chức tại Hà Nội do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì đã công bố Dự án nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giáo dục nhân lực y tế tại Việt Nam do các giáo sư, tiến sỹ Trường ĐH Y tế công cộng triển khai.
Hội thảo khởi động và triển khai Dự án nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giáo dục nhân lực y tế. Ảnh: gdtd.vn |
Dự án gồm chuỗi 3 nghiên cứu là: Nhân lực bác sỹ đa khoa, điều dưỡng và cử nhân y tế công cộng: đánh giá thực trạng và các chính sách hỗ trợ đào tạo; Nghiên cứu tại các trường đào tạo nhân lực cho ngành y tế và Nghiên cứu về sinh viên, cựu sinh viên.
Nghiên cứu về nhân lực bác sỹ đa khoa, điều dưỡng và cử nhân y tế công cộng được thực hiện nghiên cứu tại 11 trường ĐH và 6 trường CĐ đã chỉ ra: Trung bình cả nước có 6,5 bác sỹ/10.000 dân số; phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành thị (60%), vùng kinh tế phát triển. Trung bình có 10,4 điều dưỡng/10.000 dân số; chất lượng yếu, chủ yếu là trình độ sơ cấp, trung cấp; phân bố không đều và số lượng cán bộ y tế dự phòng ở tuyến tỉnh chỉ bằng 2/3 nhu cầu và tuyến huyện chỉ bằng 1/2 nhu cầu... Nhân lực y tế nước ta đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng (khoảng 25% có trình độ ĐH trở lên).
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng nhận định, tại Việt Nam, nguồn nhân lực y tế đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; trong khi đó cơ cấu phân bố các ngành lại không đồng đều giữa các vùng miền. Các trường ĐH, CĐ đào tạo nhân lực cho ngành y tế tuy đã tăng những chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội. Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới, các trường phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn công tác đào tạo cho sát thực tiễn, xem lại cách thức đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội...
Hiếu Nguyễn