Nhân lực thống kê: Nhu cầu nhiều, SV vẫn thờ ơ

Nhân lực thống kê: Nhu cầu nhiều, SV vẫn thờ ơ

(GD&TĐ)-Ước tính từ nay đến năm 2015, chỉ riêng Tổng cục Thống kê cũng cần tuyển dụng thêm hơn 500 người, ngoài ra, nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ về chuyên môn thống kê của xã hội là rất lớn và đa dạng. Tuy nhiên, các trường có đào tạo ngành này lại cho biết, hàng năm ngành chỉ tuyển được tỷ lệ đúng chuyên ngành khoảng 20%.

Rất nhiều những băn khoăn trăn trở về đào tạo thống kê tại
Rất nhiều những băn khoăn trăn trở về đào tạo thống kê tại hội thảo “Đào tạo thống kê trong các trường ĐH ở VN và nhu cầu của xã hội”. Ảnh: gdtd.vn

Vấn đề nhân lực ngành thống kê cũng như những khó khăn, vướng mắc mắc trong đào tạo đã được bàn thảo sôi nổi tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đào tạo thống kê trong các trường ĐH ở VN và nhu cầu của xã hội” do ĐH Kinh tế quốc dân chủ trì tổ chức diễn ra hôm nay (11/11).

Thường không tuyển đủ chỉ tiêu


Hiện nay, hệ thống trường có đào tạo cử nhân thống kê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, chủ yếu có 4 trường lớn đào tạo cử nhân chuyên ngành này là ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Kinh tế TP.HCM. Thế nhưng, hầu hết các trường này đều gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đối với ngành thống kê, có trường thậm chí phải đóng cửa ngành.

Giảng viên Hà Văn Sơn – Khoa Toán – Thống kê (ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ, nền kinh tế thị trường đã hạ bệ ngành thống kê từ vị trí top đầu trong việc lựa chọn chuyên ngành đối với sinh viên, nay xuống vị trí chót bảng. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khi còn tuyển sinh theo ngành, điểm trúng tuyển vào ngành thống kê là thấp nhất. Hiện nay, trường tuyển sinh một điểm chung đầu vào, sau 3 học kỳ sẽ dựa vào điểm trung bình xét tuyển theo 3 nguyện vọng để vào chuyên ngành, thống kê vẫn là ngành có rất ít sinh viên lựa chọn.

Giảng viên Hà Văn Sơn cho rằng, học ngành thống kê khó hơn các ngành khác, ra trường khó tìm việc làm, nếu xin được việc trong các cơ quan thống kê nhà nước thì lương quá thấp, không đủ sống. Công việc ngành thống kê thì đơn điệu, chỉ dừng lại ở việc điều tra, tổng hợp dữ liệu, không coi trọng các phương pháp phân tích. Sản phẩm của ngành thống kê không bán được, số liệu sau khi điều tra, tổng hợp được in thành các niên giám thống kê và sử dụng miễn phí. Số liệu thống kê chưa tạo được niềm tin của người sử dụng…

Còn theo PGS.TS.Tăng Văn Khiên – Hiệp hội thống kê Việt Nam, trường CĐ thống kê, hàng năm học sinh học thống kê được đào tạo ra chỉ bằng khoảng 1 nửa số học sinh đào tạo theo ngành kế toán. Tuy các trường đã xây dựng những quy chế, ban hành những quy định linh hoạt nhằm thu hút thí sinh vào học ngành thống kê nhưng tình hình vẫn không cải thiện được nhiều.

Duy có ĐH Kinh tế quốc dân, năm 2011, trường này đã có chủ trương cho ngành thống kê được tuyển riêng với điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn của trường 3 điểm, điều này giúp số người nộp đơn và trúng tuyển vào ngành này đã tăng lên (70 người).

Nhu cầu vẫn lớn


Theo tổng kết về nguồn nhân lực của Tổng cục thống kê, hiện ngành này đang rất thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, được đào tạo đúng ngành thống kê ở các bậc đào tạo. Hiện số cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành thống kê chỉ khoảng 20%, nhu cầu hàng năm là khá lớn (300-400 sinh viên tốt nghiệp/năm) ở các cơ quan thống kê nhà nước và các doanh nghiệp.

Trưởng khoa Thống kê – ĐH Kinh tế quốc dân Trần Thị Kim Thu cho biết thêm, nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ về chuyên môn thống kê của xã hội là rất lớn và đa dạng. Trong số các công việc được đăng tuyển dụng trên website của Vietnamworks thì có hơn 2000 công việc cần người có trình độ cử nhân về thống kê làm trong nhiều ngành nghề khác nhau, ở những vị trí khác nhau như thống kê kinh doanh, quản trị nhân sự, quản lý chất lượng, quản lý khách hàng, quản lý rủi ro, phát triển sản phẩm, chuyên viên nghiên cứu thị trường…Tuy nhiên, thực tế hiện nay là việc đào tạo cán bộ thống kê chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực, còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

Việc chưa gặp nhau giữa việc đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp, giảng viên bộ môn Thống kê - phân tích dữ liệu Hoàng Trọng (ĐH Kinh tế TP.HCM) đưa ra 1 khía cạnh khác: Nhà tuyển dụng chưa hiểu đầy đủ về chuyên ngành thống kê. Giảng viên này đưa ra ví dụ: Công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng thế giới là TNS, khoảng 2/3 nhân viên nghiên cứu thị trường họ tuyển trong nhiều năm qua là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, sau đó đào tạo ngắn hạn về thống kê và nghiên cứu thị trường để làm việc. Như vậy, doanh nghiệp chưa hình dung là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thống kê có thể thực hiện công việc đó.

Vấn đề này, theo giảng viên Hoàng Trọng, một phần cũng do lỗi giảng dạy thống kê cho các chuyên ngành khác vì những nhà tuyển dụng này thường cũng phải học thống kê trong các trường ĐH mà ở đó họ đã chán với môn thống kê khá khô khan, đồng thời không hình dung được thống kê được sử dụng trong thực tế doanh nghiệp như thế nào.

Cần những giải pháp rốt ráo

Tháng 10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 va tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 1 trong 5 nhóm giải pháp quan trọng là giải pháp về tổ chức nhân lực, trong đó có nêu: đổi mới công tác đào tạo, tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân lực thống kê theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo thống kê tại các trường ĐH, CĐ, THCN…, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ ĐH và sau ĐH chuyên ngành thống kê…

Tuy nhiên, thực trạng đào tạo thống kê tại các trường ĐH hiện nay còn rất nhiều điều đáng bàn, rất nhiều việc cần bắt tay vào làm để có những thay đổi tích cực như đội ngũ giảng viên, giáo trình và tài liệu giảng dạy, chương trình đào tạo, môi trường học tập giảng dạy…

Về phía các trường, hầu hết đều cho rằng, nên đưa đào tạo thống kê là một ngành đào tạo, có các định hướng chuyên sâu khác nhau vì ngành thống kê là ngành đào tạo đặc thù, có những đòi hỏi, yêu cầu riêng của nó. Riêng ĐH Kinh tế quốc dân đã đề xuất với Bộ GD&ĐT mở mã ngành thống kê kinh tế độc lập nhằm xây dựng chương trình đào tạo cử nhân thống kê tại Việt Nam theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hiện do chưa có mã  ngành thống kê riêng nên các chuyên ngành thống kê phải sử dụng các mã ngành Quản trị kinh doanh và HTTTQL. Việc “vay mượn” này đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc đào tạo, trong đó có việc làm cho sinh viên có cảm giác như không đúng nguyện vọng của mình khi đăng ký dự thi vào trường.

Riêng đối với việc đổi mới mục tiêu và chương trình đào tạo, GS.TS.Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, cần đặc biệt chú trọng nâng cao các kỹ năng cơ bản của 1 sinh viên tốt nghiệp ĐH chuyên ngành thống kê hiện nay như các kỹ năng thiết kế bảng hỏi, thiết kế mẫu, thành thạo các công cụ mô tả thống kê, các kỹ năng phân tích cơ bản, phân tích nâng cao, sử dung thành thạo các phần mềm xử lý số liệu và cuối cùng là kỹ năng viết báo cáo.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ