Diễn đàn thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia TC_KT. Ảnh: N.N |
Diễn đàn có sự tham gia của Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, lãnh đạo của gần 20 trường đại học và các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Diễn đàn lần này được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc đầu tiên tại Việt Nam của Chủ tịch ACCA toàn cầu – ông Brendan Murtagh.
Một trong những vấn đề được các đại biểu đề cập đến trong diễn đàn là mối quan hệ giữa nhà trường và nhà tuyển dụng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài chính.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thời gian qua thường xem nhẹ phát triển trình độ đội ngũ kế toán – tài chính. Như ông Nguyễn Văn Minh, phụ trách Ban Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thừa nhận, trong nhiều năm qua, VNPT hầu như chỉ tập trung vào đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nghệ và xem nhẹ phát triển trình độ đội ngũ kế toán – tài chính trong Tập đoàn. Chính vì vậy, khi quy mô kinh doanh ngày càng phát triển và chiến lược đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vươn ra thị trường quốc tế, công tác quản lý tài chính, luồn tiền của VNPT đã bộc lộ những bật cập nhất định.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Tuệ, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng Cán bộ Kiểm toán Nhà nước cho rằng: việc xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo cần có sự tham gia rộng rãi hơn nữa của các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng; các trường đại học cần chủ động tiếp thị các thế mạnh của mình trong đào tạo các chuyên ngành; đẩy mạnh việc ký các thỏa thuận hợp tác giữa các trường ĐH và nhà tuyển dụng; doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho giáo dục thông qua các hình thức cấp học bổng, tài trợ các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh các hoạt động làm rõ nét hơn nhận thức của doanh nghiệp cũng như nhà trường đối với các hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế…
Về yêu cầu đối với nhân lực ngành tài chính – kế toán, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính – Kế toán phải theo dõi, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đầy đủ, đúng quy định. Lập, trình bày các báo cáo tài chính theo quy định. Phân tích được các chỉ tiêu tài chính cơ bản như lãi ròng, thanh khoản; Hạch toán và tính được giá thành các dịch vụ, hàng hóa của doanh nghiệp. Hiểu biết về các loại nguồn gốc, các phương thức huy động trên thị trường, ưu điểm, hạn chế của từng phương pháp…
Đứng về phía trường đào tạo nguồn nhân lực tài chính – kế toán, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, bà Trương Thị Thủy bày tỏ mong muốn các nhà tuyển dụng phối hợp với nhà trường rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với chiến lược đào tạo và đặc thù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao tham gia giảng dạy trực tiếp và tham gia hội đồng khoa học của Học viện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ đầu tư tài chính và cơ sở vật chất trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học…
Các kế toán sẽ phải xử lý các vấn đề về mở rộng, về cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn và đưa ra các ý kiến tư vấn thông minh hơn cho ban lãnh đạo. Đó là ý kiến của ông Brendan Murtagh, Chủ tịch ACCA toàn cầu khi nói về sự thay đổi vai trò của người kế toán trong nền kinh tế. Nguyên nhân của viêch này được giải thích từ tính chất phức tạp của các giao dịch làm phát sinh nhu cầu cao hơn về kế toán đạt chuẩn.
Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đã có nhiều cải cách và cải tiến trong việc xây dựng chương trình đào tạo bậc giáo dục đại học. Các trường đã tiến hành xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra dành cho sinh viên từng chuyên ngành. Tuy nhiên, để có được “sản phẩm” đầu ra có chất lượng theo yêu cầu của xã hội thì việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được tiến hành chặt chẽ hơn.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng TT Phạm Vũ Luận cho biết: “Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục đại học để các trường đại học và cao đẳng trên cả nước phải cam kết chặt chẽ với xã hội về năng lực của sinh viên tốt nghiệp. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy các cơ sở đào tạo nỗ lực nghiên cứu, đổi mới để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo của mình. Diễn đàn hôm nay sẽ là một cơ hội tốt để đại diện các doanh nghiệp và các trường đại học cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm, mong muốn của mình, cùng nhau tìm ra những biện pháp thực sự khả thi để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía”.
Hiếu Nguyễn