Nhân lực ngành khoa học cơ bản: Tìm đâu người tiếp nối?

GD&TĐ - Tuyển sinh khó khăn, duy trì ngành học và đội ngũ giảng viên ngày càng trở thành thách thức với không ít trường đại học bởi áp lực tài chính.

Hiện, sinh viên khối ngành khoa học cơ bản ứng dụng có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Hiện, sinh viên khối ngành khoa học cơ bản ứng dụng có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nhiều trường vì mục tiêu nhân lực quốc gia buộc phải “lấy ngắn nuôi dài”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục vẫn rất cần một chính sách tổng thể để tháo gỡ cho vấn đề trên, nhằm nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Chính sách thu hút tốt, cơ hội việc làm cao: Chưa đủ?

Thừa nhận việc tuyển sinh tụt dốc qua từng năm, nhưng theo TS Trịnh Văn Định, Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên nhóm ngành khoa học cơ bản luôn ở mức cao.

Thống kê của nhà trường giai đoạn 2017 - 2021 cho thấy, số sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 1 năm của 7 ngành khoa học cơ bản như: Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Triết học, Văn học, Ngôn ngữ học… tăng đều qua từng năm.

Nếu năm 2017, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của ngành Việt Nam học là 92,2% thì đến năm 2021 tăng lên 100%. Ngành Nhân học có 69,7% sinh viên tìm được việc làm sau tốt nghiệp vào năm 2017 và năm 2021 là 100%. Tương tự, ngành Triết học cũng tăng mạnh khi số người học có việc làm từ 82,4% (năm 2017) lên 97,3% vào năm 2021.

“Sự gia tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của nhóm ngành khoa học cơ bản qua từng năm cho thấy rất rõ nhu cầu ngày càng lớn của xã hội. Dù xã hội biến chuyển một cách mạnh mẽ với sự thống trị của hạ tầng và thành tựu của khoa học công nghệ nhưng rõ ràng nhóm ngành học trên vẫn có chỗ đứng vững chắc. Hiện, nhu cầu nhân lực của nhóm ngành khoa học cơ bản và ứng dụng đều rất thiếu. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đến tận trường đặt hàng để đào tạo nhưng các bạn trẻ vẫn chưa nhìn thấy tiềm năng lớn về cơ hội của nhóm ngành học này”, TS Định nói.

Không chỉ có cơ hội việc làm lớn sau khi tốt nghiệp, để thu hút người học theo học nhóm ngành khoa học cơ bản, hầu hết trường có đào tạo đều tung ra chính sách ưu đãi, thu hút sinh viên bằng học bổng, cam kết đầu ra việc làm, hỗ trợ kinh phí, sinh hoạt phí…

Đơn cử, năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) dành tới 5,2 tỷ đồng để xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên theo học 9 ngành khoa học cơ bản tại trường. Theo đó, 9 ngành học được hỗ trợ đặc biệt từ ngân sách Nhà nước và của nhà trường trong năm 2022 gồm: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học, Ngôn ngữ Italia, Ngôn ngữ Tây Ban Nha và Ngôn ngữ Nga.

ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), thông tin: Sinh viên học những ngành này sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có 45 suất học bổng toàn phần tương đương mức học phí năm học thứ nhất dành cho sinh viên giỏi, xuất sắc. Bên cạnh đó, các em được tài trợ chi phí học ngoại ngữ, giảng viên hỗ trợ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học; tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế với doanh nghiệp; chương trình chia sẻ của các nhà tuyển dụng, nhà quản lý...; hoạt động ngoại khóa được thiết kế riêng…

Tương tự, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) cũng có chính sách học bổng toàn phần và bán phần nhằm thu hút sinh viên cho nhóm 7 ngành khoa học gồm: Vật lý học; Hải dương học; Kỹ thuật hạt nhân; Địa chất học; Kỹ thuật địa chất; Khoa học môi trường; Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Theo ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, hai năm nay, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) đều dành ra khoảng 2 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần dành cho các thí sinh trúng tuyển năm 2022 vào các ngành học trên nhằm thu hút và tạo điều kiện cho sinh viên yên tâm học tập.

Sinh viên ngành Chế biến lâm sản, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM luôn có sẵn vị trí việc làm sau tốt nghiệp.

Sinh viên ngành Chế biến lâm sản, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM luôn có sẵn vị trí việc làm sau tốt nghiệp.

Đồng bộ đầu vào - đầu ra

Các chính sách đãi ngộ và thu hút người học đã được các trường đồng loạt triển khai nhằm cân bằng cán cân chất lượng nguồn nhân lực giữa các ngành nghề trong xã hội. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đây mới là giải pháp đầu vào (hút người học) còn giải pháp đầu ra, để đồng bộ việc tuyển sinh, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho xã hội vẫn cần một chính sách tổng thể.

Để làm được điều đó, theo GS.TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), các trường cẫn nỗ lực trong hoạt động tổ chức đào tạo, giữ chân người học với ngành học, song song với đó là trang bị đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết theo chuẩn đầu ra. Đặc biệt, cần có cơ chế, công cụ để đánh giá năng lực, thiên hướng của người học để có thể phân nhóm, xác định có tổ chất đi vào nghiên cứu chuyên sâu hay không, để các suất đầu tư đạt hiệu quả. Đầu tư kinh phí cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học cũng cần được nâng lên để khuyến khích việc biên soạn giáo trình, chất lượng công tác giảng dạy.

“Nhà nước có quy định kèm theo các chế tài hạn chế hoặc thậm chí xử lý pháp luật đối với đơn vị sử dụng nguồn nhân lực được đầu tư đào tạo mà không chi trả phù hợp, coi nhẹ đầu tư khoa học cơ bản của Nhà nước. Làm được như vậy thì ngay từ khâu tuyển sinh, yếu tố nghề nghiệp là tiêu chí để xem xét chọn người học, đồng thời tạo động lực cho sinh viên”, PSG.TS Hồng Minh nói.

Ở góc vĩ mô, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh. Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho rằng, xã hội cần chung tay đảm bảo đồng bộ đầu vào và đầu ra của quá trình đào tạo. Các cơ quan hữu trách có dự báo và đặt hàng cụ thể về nhân lực khoa học cơ bản cần bổ sung, đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài của nguồn nhân lực cơ bản, được đào tạo tinh hoa bằng những thiết kế về tuyển dụng, đãi ngộ.

ThS Võ Phúc Toàn, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia thì cho rằng vì sự tiến bộ và lợi ích lâu dài của nền khoa học, Nhà nước cần đầu tư thích đáng, đảm bảo sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản. Bởi chỉ có Nhà nước mới có đủ tiềm lực đầu tư lâu dài và căn bản cho sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản mà bỏ qua yếu tố thương mại hóa của ngành này. Nhiều sản phẩm thương mại hóa ngày nay đều xuất phát từ những nghiên cứu cơ bản trước đó hàng chục năm.

“Nhà nước cần có tính toán cụ thể cho việc đầu tư phát triển lâu dài các ngành khoa học cơ bản ở cả hai phương diện đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vì đầu tư nghiên cứu là một cách tạo “đầu ra” cho các nhà nghiên cứu khoa học nhưng nếu bỏ qua việc đầu tư cho đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học cơ bản tại các trường đại học, viện sẽ là một thiếu sót rất lớn trong chính sách phát triển.

Đặc biệt, các chính sách khuyến khích người học ngành khoa học cơ bản cần theo hướng đào tạo tinh hoa chứ không đại trà, đảm bảo hình thành đội ngũ nhà khoa học kế cận đủ tầm trong tương lai. Nhà nước cần xác định các mũi nhọn đào tạo và nghiên cứu ngành khoa học cơ bản trong cả nước để tập trung đầu tư và phát triển, đảm bảo sự tồn tại của ngành trong cơ chế thị trường càng ngày càng khốc liệt này”, ThS Toàn nhấn mạnh.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Tạo sức hấp dẫn riêng

Hiện phần đông thí sinh chọn ngành “hot” để rộng cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn so với mặt bằng, công việc không quá vất vả, chương trình học cũng không quá nặng. Tuy nhiên, lựa chọn này cho thấy, giới trẻ mới nhìn bề rộng, chưa với tới chiều sâu. Bởi ngành khoa học cơ bản vốn ẩn chứa hấp dẫn riêng: Dù thu nhập vừa phải nhưng lại ổn định và ít chịu tác động bởi dịch bệnh. Ngành này cũng có nhiều cơ hội đi học sau đại học tại cơ sở đào tạo trong nước và ở nước ngoài, hoặc phù hợp với những ai thích yên tĩnh, đam mê nghiên cứu khoa học…

Đặc biệt, khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 11 và số 12/2021/TT-BGDĐT cho phép thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên THPT, THCS đối với cử nhân tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản. Nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định này sẽ mở đường cho các sinh viên giỏi đang theo học những ngành có liên quan muốn rẽ ngang sang nghề giáo.

Bên cạnh đó, từ năm học 2021 - 2022, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, môn Khoa học Tự nhiên được đưa vào giảng dạy ở bậc THCS. Vì vậy, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu rộng, được đào tạo bài bản để có thể đáp ứng công tác giảng dạy môn học này tại các trường học trở thành một nhu cầu rất lớn. Điều này đồng nghĩa, cơ hội việc làm cho sinh viên theo ngành khoa học cơ bản thêm rộng mở.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên - cho biết: Trường đang đào tạo nhiều ngành khoa học cơ bản. Các chương trình đào tạo trang bị cho người học kiến thức từ cơ bản tới chuyên sâu. Trường cũng có nhiều chương trình đào tạo đặc biệt để thu hút thí sinh như chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Theo thông tin khảo sát nhu cầu việc làm của sinh viên đã tốt nghiệp, khoảng 40% sinh viên định hướng sẽ giảng dạy. Số này lại chia ra nhiều nhánh nhỏ, như dạy ở trường đại học, viện nghiên cứu, làm việc cho trường tư hoặc trường công lập.

PGS.TSKH Nguyễn Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội - nhận định: Trong những năm gần đây, nhà trường luôn thu hút được học sinh giỏi theo học các môn khoa học cơ bản. Có thể nói, học khoa học cơ bản có thiệt thòi là học khó, ra trường đi làm hoặc giảng dạy, nghiên cứu có thu nhập không cao nhưng cơ hội học tập, nghiên cứu đỉnh cao, hợp tác quốc tế và làm việc ở nước ngoài rất lớn.

ĐHQG Hà Nội từ vài năm trở lại đây đã đầu tư kinh phí để thực hiện đề án áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản. Qua đó, tháng 7/2022, Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã phê duyệt Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022 – 2023 nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ