Nhân lực ngành hàng hải: Cần cách đào tạo mới trong thời đại 4.0

GD&TĐ - TS Lưu Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải I, cho biết, xu thế hiện nay ở các nước phát triển có ít người theo nghề hàng hải. Vì vậy, nguồn lao động trong lĩnh vực này bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Nhu cầu về lao động trong lĩnh vực hàng hải còn thiếu.
Nhu cầu về lao động trong lĩnh vực hàng hải còn thiếu.

Nhu cầu thuyền viên có nhiều khởi sắc

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cuối năm 2021, nước ta có hơn 47 nghìn sĩ quan, thuyền viên. Căn cứ trên nhu cầu phát triển đội tàu, hết năm 2021 cần đào tạo thêm 15 nghìn thuyền viên. Trong đó 8 nghìn để thay thế thuyền viên hiện có và 7 nghìn để bổ sung nhu cầu mới.

Nhân lực thiếu, nhưng các cơ sở đào tạo thuyền viên rất khó thu hút người học với lý do nghề được xếp loại nghề nặng nhọc, nguy hiểm, thường xuyên xa nhà. Trong khi cơ hội tìm kiếm công việc trên bờ có thu nhập tốt lại rất nhiều.

Tuy vậy, thị trường hàng hải đang “ấm” dần lên, nhu cầu thuyền viên có nhiều khởi sắc. Do mức lương thuyền viên tương đối cao so với mức thu nhập bình quân của một số ngành khác.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, mặc dù do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tổng sản lượng của đội tàu trong nước tăng 2% so với năm 2020, trong đó hàng container tăng 6%. Đối với hàng hóa vận tải quốc tế đi khắp các cảng biển thuộc châu Âu, châu Mỹ và châu Á, Úc năm 2021 vẫn giữ đà tăng trưởng 54% (khoảng 4,67 triệu tấn) so với năm 2020.

Về đội tàu vận tải nước ngoài, do ảnh hưởng của đại dịch làm tắc nghẽn tại một số cảng. Tuy nhiên hiện nay, các nền kinh tế đều đang phục hồi dẫn đến bùng nổ số đơn hàng, làm tăng nhu cầu cầu vận tải hàng hóa. Đồng thời đẩy giá cước vận tải biển tăng nhanh. Các công ty vận tải biển quốc tế đều có xu hướng mua thêm tàu để bổ sung vào đội tàu của mình.

Cũng theo thống kê, hiện nay nhân lực ngành vận tải biển đang bị thiếu hụt trầm trọng, đến tháng 6/2019, số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam là gần 1.600 tàu. Với con số này ước tính cần khoảng 28.355 thuyền viên để duy trì hoạt động, số liệu này nằm trong giới hạn cho phép khoảng 40.000 thuyền viên hiện có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.

Về lý thuyết, lượng thuyền viên Việt Nam vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, ghi nhận từ cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam, giai đoạn 2018 – 2019, chỉ có khoảng 22 nghìn thuyền viên đăng ký làm việc trên tàu biển. Nghĩa là có tới 43% thuyền viên không theo nghề, Bên cạnh đó, hàng năm có đến 400 - 500 thuyền viên hết tuổi lao động.

Mặt khác, từ năm 2011 - 2018, quy mô đào tạo các ngành đi biển như boong, máy đã giảm hơn 3 lần. Thực trạng trên dẫn đến số lượng thuyền viên Việt Nam ngày càng giảm, không có đội ngũ kế cận. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ tàu trong khâu tuyển dụng thuyền viên. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc duy trì chuỗi cung ứng, vận tải trên toàn cầu.

Đào tạo nghề hàng hải trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

TS Lưu Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải I, cho biết, xu thế hiện nay ở các nước phát triển là ít người theo nghề hàng hải. Vì vậy, nguồn lao động trong lĩnh vực này bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do đó, các chủ tàu phải dùng thuyền viên từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Phillipines...

Bên cạnh đó, mức lương thủy thủ tại Việt Nam dao động trong khoảng từ 18 - 35 triệu tùy theo loại tàu và khả năng chuyên môn, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Nhưng so với mức lương trong khu vực thì hiện còn đang thấp mặc dù theo đánh giá của các chủ tàu thuyền viên Việt Nam có đủ khả năng chuyên môn, sáng tạo và kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm rất tốt. Đây cũng là điểm lợi thế của Việt Nam với các chủ tàu trên thế giới.

“Việt Nam đang đứng trước những cơ hội hết sức thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu. Hiện nay không có bất kỳ rào cản nào trong việc thuyền viên các nước tham gia thị trường thuyền viên quốc tế ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên”, TS Lưu Việt Hùng nhấn mạnh.

Hiện, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại như FTA, WTO, TPP, AEC, cũng như tham gia Công ước Lao động Hàng hải. Theo dự báo của các chuyên gia nghiên cứu, nguồn cung ứng thuyền viên thế giới trong tương lai chủ yếu đến từ các nước châu Á, nhất là các nước trong khu vực ASEAN.

Theo TS Lưu Việt Hùng, trước khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, ngành hàng hải đã là ngành đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại. Bởi các hoạt động mang tính toàn cầu, bao phủ rộng khắp đến nhiều cảng trên thế giới. Đồng thời do tính đặc thù của ngành vốn tiềm ẩn nhiều sự cố bất thường, rủi ro xảy ra trong suốt hành trình.

Khi thế giới tiến đến mức độ tự động hóa cao hơn, ngành hàng hải cũng không đứng ngoài xu thế này mà tiếp tục phát triển. Hơn nữa, trong bối cảnh giá dầu thế giới đang cao như hiện nay thì việc tìm ra các giải pháp mới là vô cùng cấp bách. Việc tích hợp phát triển tàu thông minh sẽ tạo cho ngành hàng hải một lối thoát, làm tăng tính hiệu quả, giúp chuyển đổi thành ngành “xanh” bằng việc cắt giảm lượng khí thải và giảm khí thải carbon.

Kể từ giữa năm 2021 đến nay, ngành hàng hải đang dần hồi phục. Nhu cầu thuyền viên của các chủ tàu tăng cao, người học các hệ đào tạo đều tăng rất lớn. Học sinh, sinh viên ra trường đều được các công ty vận tải biển chào đón với mức lương tốt. Sang đầu năm 2022, nhu cầu này còn tăng rất nhiều mặc dù tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia học tập.

“Nhà trường phải tổ chức đào tạo cả 3 ca, kể cả thứ 7, Chủ nhật để bảo đảm đáp ứng cung cấp thuyền viên cho các chủ tàu trong nước và quốc tế. Điều này một lần nữa khẳng định nhà trường có thể đáp ứng đủ điều kiện trong đào tạo nghề hàng hải cho thanh niên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, TS Lưu Việt Hùng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ