Nhân giống hiện đại khiến ngựa hoang dần biến mất

GD&TĐ - Những con ngựa từng cày xới mặt đất trên bộ vó từ cả nghìn năm trước chắc hẳn trông rất khác với hậu duệ thời hiện đại của chúng, theo các nhà nghiên cứu cho biết sau khi tổng hợp lịch sử di truyền đầy đủ của mọi loài sinh vật trên Trái đất trừ con người.

Những đàn ngựa hoang đang mất dần đặc tính di truyền từ nghìn năm trước.
Những đàn ngựa hoang đang mất dần đặc tính di truyền từ nghìn năm trước.

Những phát hiện quan trọng trong một nghiên cứu lớn vừa được thực hiện bởi nhóm gồm 121 nhà khoa học quốc tế công bố trên Tạp chí Cell cho thấy, sự mất mát đáng kinh ngạc về đa dạng di truyền trong 200 - 300 năm qua diễn ra song song với các hoạt động thực hành nhân giống hiện đại.

Ngựa là một trong những loài động vật cuối cùng được con người thuần hóa, rất lâu sau chó và các loài gia súc như lợn, gà. Nhưng từ khoảng 5.500 năm trước, con người đã cưỡi ngựa, vắt sữa và nhốt chúng trong chuồng.

“Ngựa có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử loài người”, giáo sư Ludovic Orlando, Giám đốc nghiên cứu của CNRS và Đại học Toulouse (Pháp), người điều phối nghiên cứu cho biết.

“Nhờ có ngựa, con người đã đi nhanh hơn, xa hơn và chinh phục những vùng đất mới. Chiến tranh cũng trở nên rất khác với sự tồn tại của ngựa. Ngựa cũng giúp cày ruộng và làm nông nghiệp”, GS Orlando nói thêm.

Nhưng các nhà khoa học vẫn không tìm được câu trả lời cho một câu hỏi chính: tổ tiên của ngựa nhà thời hiện đại là gì? Để tìm ra được lời giải đáp, nhóm nghiên cứu đã phân tích bộ gen của 278 mẫu vật (chủ yếu là ngựa nhưng cũng có lừa và la được vô tình phát hiện), chủ yếu trong 5.000 năm qua, trên khắp châu Âu và châu Á.

“Đây là dự liệu lớn nhất về các bộ gen cổ đại từng được thu thập cho một loài không phải người”, Orlando tuyên bố.

Nghiên cứu về di truyền cổ đại đã có bước nhảy vọt lớn về công nghệ trong năm 2010, cho phép nhóm nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm ở thành phố Toulouse trích xuất và phân tích DNA từ xương, điều trước đây không thể làm được. Điều này mở ra một số khám phá đáng ngạc nhiên: Như phát hiện một dòng ngựa cổ đại từng có mặt ở Iberia cho đến ít nhất 4.000 năm trước - trước khi chúng biến mất hoàn toàn một cách bí ẩn.

Ở đầu kia của vùng đất Á - Âu, một dòng ngựa khác từng rong ruổi trên các thảo nguyên của Siberia cũng đột nhiên biến mất hoàn toàn vào khoảng thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. “Trong các loài ngựa, có thể coi chúng tương đương với người Neanderthal so với người hiện đại”, GS Orlando nói.

Các nhà khoa học cho biết, họ ngạc nhiên bởi tốc độ sụp đổ về đa dạng di truyền ở loài ngựa trong vòng hai đến ba thế kỷ qua, sau khi từng được duy trì liên tục trong 4.000 năm bị thuần hóa trước đó.

“Tất cả các giống hiện tại, từ ngựa Shetland đến Thoroughbred đã được tạo ra sau đó, với những đặc điểm như tốc độ trên khoảng cách ngắn có thể đạt được như con người mong muốn”, GS Orlando cho biết.

Một thay đổi lớn khác xảy ra giữa thế kỷ thứ 7 và 9, trong cuộc chinh phục của Ả Rập - Hồi giáo. Những người đi xâm lược đã mang đến loài ngựa phương Đông, xuất thân từ đế chế Sassanids của Ba Tư…

Orlando cho biết mục tiêu tiếp theo của ông và các nhà nghiên cứu là tìm ra nền văn minh nào đã thuần hóa ngựa lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại. “Thuần hóa ngựa là một phần trung tâm của lịch sử loài người và đến tận 2019 chúng ta vẫn không thể hiểu nó bắt đầu từ khi nào. Thật đáng kinh ngạc”, ông Orlando nói.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải