Câu chuyện sau lí giải tại sao hôn nhân có thể kết hợp người con trai và gái thành đôi dù thân phận, hoàn cảnh khác nhau, sống ở không gian cách xa nhau.
Khoảng năm 727 đời Đường Huyền Tông, có một chàng trai trẻ 18 tuổi tên là Vi Cố lên thành Đông Đô trọ học để chờ ngày ứng thí.
Không chỉ cầm theo các sách tam giáo cửu lưu, mà Vi Cố còn mang đủ thứ sách vở liên quan đến Nho, Y, Lý, Số. Ngày ngày, Vi Cố và những thí sinh khác đến một trường tư để dùi mài kinh sử. Những người khác đa số đều chúi mũi vào sách vở, thơ phú, nhưng Vi Cố có suy nghĩ hơi khác.
Chàng không học theo lối “tầm chương trích cú” mà đào sâu suy nghĩ, lật đi lật lại, học cách phê phán, tự nêu ra các vấn đề rồi tự trả lời. Chàng còn để tâm quan sát cuộc sống đa dạng, nhiều vẻ của thành Lạc Dương (lúc đó gọi là Đông Đô), thỉnh thoảng ra chợ xem dân chúng buôn bán, trao đổi hàng hóa ra sao. Tóm lại, theo cách nói của người thời nay, Vi Cố là người thông thoáng, hiểu biết, thích quan sát, có thực tiễn.
Thuở ấy, gần nơi chàng học có một đạo sĩ sau nhiều năm tháng ngao du đã đến ở một ngôi đền. Dân gian truyền rằng, đạo sĩ già đi nhiều, biết nhiều, quan hệ rộng rãi, am hiểu tử vi, tướng pháp, kinh dịch...
Ban ngày thỉnh thoảng đạo sĩ lang thang trong chợ phía Đông thành hay viết câu đối, bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người. Ban đêm, người ta kháo nhau rằng đạo sĩ hay ngồi dưới trăng sáng, tay cầm những sợi tơ đỏ buộc từng đôi với nhau, đọc những lá số, giải đáp về tiền duyên, số phận cho những người muốn tìm lời khuyên bảo của ông. Vì hay ngồi dưới trăng, nom rất tiên phong đạo cốt, làm những điều huyền bí nên chung quanh gọi đạo sĩ với cái tên là Nguyệt Lão.
Một buổi tối thấy lòng dạ bồi hồi, Vi Cố bước đến ngôi đền nọ, ánh trăng tháng Tám sáng vằng vặc, cửa đền khép nhẹ, chàng nhìn vào thấy Nguyệt Lão đang ngồi như lời đồn, chàng liền gõ cửa xin vào.
Đêm ấy, già trẻ nói với nhau rất nhiều chuyện. Nguyệt Lão nhìn kỹ thấy Vi Cố tóc đen, mỏng, mắt sáng, nói năng khúc chiết, trán rộng, lông mày mịn, nhưng có chỗ không đều, cổ lộ hầu, đầu không tròn lắm.
Đạo sĩ thốt nhiên nói: “Ta đoán rằng con là người học giỏi, có khí phách, thích quan hệ xã hội, tuy nhiên theo kinh nghiệm và tri thức về nhân tướng thì con gặp nhiều trắc trở phải hơn 10 năm sau con mới đỗ đạt”. Thấy có nhã hứng và hiếu kỳ, Vi Cố xin Nguyệt Lão cho biết luôn cả nhân duyên.
Nguyệt Lão một tay mở sách, tay kia xe những sợi tơ đỏ lấp lánh dưới trăng rồi suy nghĩ. Ông chợt nhớ đến hình ảnh một bà già bế một cháu gái khoảng 3 tuổi rất kháu khỉnh, mày đậm, mắt to, nhân trung sâu mà ông hay gặp họ đi ăn xin ở chợ Đông.
Liên kết hai hình ảnh lại, ông nghiêm nghị, thong thả: “Vi Cố à, đời con sau này sẽ có quan tước tuy không cao nhưng no đủ; vợ hiền, nhu thuận, con cái đủ cả trai và gái”. Vi Cố hỏi gặng về đường gia thất thì Nguyệt Lão nói tiếp: “Ta có thể nói luôn người vợ tương lai của con là ai vì đó là duyên trời, nhưng con đừng ngạc nhiên, đừng hành động không phải đạo”, Vi Cố xin vâng.
Lúc đó, Nguyệt Lão mới bảo: “Phu nhân tương lai của con chính là con của bà ăn mày ở chợ Đông”. Vi Cố không dám nói gì, nhưng không vui, giây lát chàng xin phép ra về.
Hôm sau, chàng lấy tiền thuê kẻ xấu đi giết đứa bé, kẻ đó đâm trúng mặt đứa bé, thấy máu chảy nhiều tưởng đứa bé chết, lại bị xung quanh hô hoán phải bỏ chạy. Tin tưởng rằng, mình không phải lấy con của ăn mày, tuy trong bụng có buồn bực, lo lắng một thời gian rồi Vi Cố lại chăm lo học tập, nhưng kết quả chẳng là bao. Kỳ thi năm đó chàng bị trượt.
Mãi 10 năm sau, khi Vi Cố 33 tuổi mới thi đỗ tiến sĩ, khi thi Đình trước mặt vua lại đỗ thứ nhì được bổ làm tri huyện Dương Châu. Khi vào triều tạ ơn, chàng gặp quan chủ khảo khoa thi tên là Dường Hiền, được quan chủ khảo mời đến thăm nhà. Khi biết chàng chưa có vợ, chủ khảo liền gả con gái nuôi là Diệu Hương cho chàng.
Vi Cố rất hạnh phúc, vì vợ chàng vừa xinh xắn lại hiền thục. Duy có điều là nàng luôn trang điểm một đóa hoa cúc nhỏ cài chỗ tóc xõa xuống lông mày bên trái. Có lần, Vi Cố hỏi, nàng kể rằng: Bố nàng là quan huyện ở Dương Châu, bị tội, ốm chết, mẹ cũng mất sau đó, bà vú nuôi nhân hậu phải bế đi ăn mày khi nàng mới có 3 tuổi.
Một hôm gặp đứa cuồng bạo ở chỗ chợ cầm dao nhọn đâm nàng, may chỉ trúng lông mày, thoát chết. Sau này được quan lớn Chu Hiền cảm thương nhận làm con, quý trọng như con gái đẻ trong nhà, nhưng để che vết sẹo nàng trang điểm bông hoa cúc cài vào tóc.
Từ đó, Vi Cố càng thương yêu vợ con, săn sóc, quý trọng, coi nàng Diệu Hương như bảo bối, còn vợ chàng cũng luôn dịu dàng, lo lắng việc nhà, chăm lo sức khỏe, động viên chồng trong mọi việc. Cảm động trước tấm chân tình của vợ, Vi Cố có làm 1 bài thơ sau để tặng vợ:
Duyên nợ do tiền định,
Trời ban em cho ta,
Trân trọng hòa yêu dấu,
Mây nước, lá và hoa…
Cao xanh, ai nhìn thấu?
Vợ chồng - một khúc ca.
Về sau ở Trung Hoa hay dùng hình ảnh “Ông Nguyệt xe tơ” để chỉ đôi lứa lấy nhau do nhân duyên tiền định. Nhiều người đúc rút thành: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng”.
Tại Việt Nam có truyền thống trọng đầy đủ cả hai yếu tố âm, dương nên không dùng 1 hình ảnh độc nhất “Nguyệt Lão”, mà xây dựng nên ông Tơ (Dương) - người xe tơ duyên và còn sáng tạo thêm bà Nguyệt (Âm).
Bà Nguyệt soi sáng chỉ rõ các sợi chỉ đỏ (Xích thằng) cần đi với nhau, còn ông Tơ là người triển khai việc buộc từng đôi chỉ hồng để ràng buộc lứa đôi. Hình ảnh “Ông Tơ, Bà Nguyệt”, được mô tả như một định mệnh đã an bài trong hôn nhân của người Việt xưa kia.