Nhận diện xu hướng tuyển sinh 2025

GD&TĐ - Xu hướng tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục đại học là giảm dần phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng tỷ lệ kết quả các kỳ thi riêng.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Thế Đại

Đây cũng là phương án được các trường tính đến kể từ mùa tuyển sinh năm 2025 trở đi.

Giảm phụ thuộc điểm tốt nghiệp THPT

Theo Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2024 không còn xét tuyển học bạ mà dành một nửa chỉ tiêu để xét điểm chứng chỉ và các kỳ thi riêng. PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết, nhà trường dự kiến tuyển 6.200 sinh viên. Song, chỉ tiêu phương thức xét tuyển được điều chỉnh.

Theo đó, tuyển thẳng chiếm 2% tổng chỉ tiêu, 18% dành cho phương thức tuyển bằng xét điểm thi tốt nghiệp THPT. So với năm 2023, chỉ tiêu dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm 7%. Trong 4 năm qua, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giảm chỉ tiêu điểm thi tốt nghiệp từ 70% xuống 18%.

Nhà trường dành phần lớn chỉ tiêu (80%) để xét tuyển kết hợp theo đề án riêng. Trường có chủ trương mở rộng sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín để tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kết quả học tập (học bạ THPT) và thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 20% (giảm 20% so với năm trước); chỉ tiêu phương thức xét học bạ 3 năm THPT chiếm 60% (tăng 20% so với năm trước). Hai phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, giữ nguyên tỷ lệ 10% mỗi phương thức trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2023.

Năm 2024, Học viện Kỹ thuật Quân sự sử dụng 4 phương thức tuyển sinh, trong đó có xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đại tá Nguyễn Trọng Lưu – Trưởng phòng Đào tạo cho biết, so với năm 2023, năm nay bổ sung phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để xét tuyển.

Thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia, cần chủ động đăng ký và tham dự các kỳ thi này; sau đó lấy Giấy chứng nhận kết quả thi để hoàn thiện thủ tục xét tuyển vào học viện.

Để đăng ký xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, thí sinh làm thủ tục đăng ký sơ tuyển tại Ban Chỉ huy Quân sự cấp quận, huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú từ ngày 15/3/2024. Chi tiết về chỉ tiêu đào tạo, quy trình, thủ tục đăng ký sơ tuyển, đăng ký xét tuyển, học viện sẽ thông báo rộng rãi khi có kế hoạch tuyển sinh của Ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng.

Từ năm 2025, xu hướng tuyển sinh của Học viện Kỹ thuật Quân sự dự kiến có một số thay đổi. Theo đó, đơn vị sẽ có một phần xét tuyển theo phương thức tổ chức đánh giá năng lực và dành tỷ lệ nhất định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sẽ tính toán lại và có thể giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức này.

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 ngày 3/12/2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 ngày 3/12/2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Đa dạng phương thức tuyển sinh

Theo kế hoạch, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố Đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh trong định hướng ôn tập, lựa chọn ngành/nghề. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc thông tin, về cơ bản ĐH Bách khoa Hà Nội giữ ổn định chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển tài năng, theo điểm thi đánh giá tư duy và điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh, công tác truyền thông tuyển sinh được phân tích sâu hơn trên nền tảng dữ liệu, tinh thần là tiếp tục duy trì và phát huy các hình thức truyền thông của năm 2023. Hiện, cơ sở vật chất của ĐH Bách khoa Hà Nội được nâng cao. Song song với truyền thông xét tuyển, các đơn vị tăng cường thông tin về kỳ thi đánh giá tư duy, tạo nguồn cho các ngành và chương trình đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là những bước đi cho công tác tuyển sinh năm 2024 và chuẩn bị sẵn sàng mùa tuyển sinh 2025.

Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, nhà trường dự kiến tuyển 3.700 sinh viên theo 4 phương thức xét tuyển: Học bạ THPT; kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng. Tuy nhiên, từ năm 2025, đơn vị này không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó xét kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.

Năm 2025, lứa học sinh THPT đầu tiên theo chương trình mới sẽ tốt nghiệp. Để phù hợp với kỳ thi, phương thức xét tuyển đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học cũng phải thay đổi.

Dự kiến, năm 2025, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) cơ bản giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, mức giảm sẽ đảm bảo vừa phải, không đột ngột. Nhà trường dự kiến tăng số chỉ tiêu xét tuyển các phương thức khác như đánh giá tư duy, năng lực.

Thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong số những phương thức xét tuyển, TS Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận và cho biết, nhà trường đã có lộ trình để không phụ thuộc vào thi tốt nghiệp quá nhiều bởi đơn vị cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.

Giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp mà sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển là xu hướng mà nhiều trường đang áp dụng. Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), đa dạng phương thức tuyển sinh vừa giúp trường tuyển được thí sinh phù hợp nhất cho các ngành nghề đào tạo, vừa không bị ảnh hưởng nhiều khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải nhìn nhận, khi nguồn tổ hợp xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống, trường sẽ giảm tỷ trọng chỉ tiêu xét bằng kết quả kỳ thi này; đồng thời, tăng chỉ tiêu xét bằng các phương thức khác; chẳng hạn như kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực và tư duy....

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.