Đúng nhưng chưa đủ
Lên cấp THCS, HS lại được củng cố, khắc sâu kiến thức thêm một lần nữa về khái niệm từ trái nghĩa:
“Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.
Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau”.
“Từ trái nghĩa được sử dụng trong thể đối, tạo các hình tượng tương phản, gây ấn tượng mạnh, làm cho lời nói thêm sinh động”.
Có lẽ vì hạn chế bởi thời lượng, dung lượng trong một bài dạy, nên thật ra, khái niệm về từ trái nghĩa được giới thiệu cho HS ở tiểu học và THCS tuy đúng nhưng chưa đủ, khiến các em còn gặp nhiều lúng túng khi nhận diện cặp từ trái nghĩa trong văn bản lẫn phân vân khi chọn lựa, sử dụng trong giao tiếp hoặc tạo lập văn bản.
Để giúp HS thêm dễ dàng trong việc nhận diện, xác định cặp từ trái nghĩa, chúng tôi đã quan tâm tìm hiểu và nhận thấy quan niệm về từ trái nghĩa phổ biến trong cộng đồng cũng như giới ngữ học được phát biểu như sau:
“Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về logic”, như thấp và cao trong câu thơ dưới đây là hai từ trái nghĩa:
Bây giờ đất thấp trời cao,
Ăn làm sao nói làm sao bây giờ?
(Truyện Kiều)
Như vậy, những từ có vẻ đối lập/ ngược nhau về nghĩa nhưng không nằm trong thế quan hệ tương liên và không tương phản về logic thì không phải là cặp từ trái nghĩa.
Chẳng hạn: Cao – lùn, nhỏ - khổng lồ, hẹp – bao la, xấu – dễ thương... có vẻ đối nghịch nhau, nhưng chúng không phải là những cặp từ trái nghĩa, vì không nằm trong quan hệ tương liên. Ngược lại, hai từ cao và thấp lại là trái nghĩa, vì chúng nằm trong quan hệ tương liên và tương phản logic về chiều cao.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác, thường một cặp từ trái nghĩa, ngoài đảm bảo quan hệ tương liên, hai từ thường có quan hệ “đẳng cấu” với nhau về mặt nội dung ngữ nghĩa lẫn cấu trúc hình thức phải tương đương nhau (về số lượng tiếng, thuộc loại từ đơn, từ ghép hay từ láy...). Ví dụ các cặp từ trái nghĩa: Nặng – nhẹ; nặng nề – nhẹ nhàng; buồn – vui; buồn bã – vui vẻ; đẹp – xấu; đẹp đẽ - xấu xí...
Cụ thể, thông thường người ta xác định các cặp từ trái nghĩa hay dựa vào những tiêu chí sau đây:
Về mặt sử dụng, chúng cùng có khả năng xuất hiện trong một ngữ cảnh, kết hợp với chung một từ nào đó. Ví dụ: Nhà lớn – nhà nhỏ, đường gần – đường xa, người nhanh nhẹn – người chậm chạp...
Về mặt hình thức, hai từ trái nghĩa trong cặp thường có độ dài bằng nhau về số lượng tiếng, rất ít khi lệch nhau.
Cặp từ “đối nghĩa lâm thời”
Khi dạy HS về từ trái nghĩa, giáo viên (GV) cần lưu ý thêm trường hợp những từ vốn không trái nghĩa với nhau, nhưng trong một số văn cảnh chúng lại được dùng với tư cách những cặp trái nghĩa, chẳng hạn: Miệng hùm gan sứa, đầu voi đuôi chuột, lên voi xuống chó...
Những cặp từ như thế, ta vẫn quen gọi là trái nghĩa văn cảnh, tức là chúng chỉ trái nghĩa trong một trường hợp văn cảnh nào đó, chứ không phải trái nghĩa đích thực, điển hình, chính danh trong mọi trường hợp.
Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ có rất nhiều trường hợp trái nghĩa văn cảnh như trên và giới nghiên cứu tạm gọi chúng là những cặp từ “đối nghĩa lâm thời”, ví dụ trong các câu sau: “Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”...
Khi nghĩ đến một từ, đặc biệt là tính từ (từ có nghĩa chỉ tính chất, đặc điểm), thì GV nên tập cho HS thói quen là thử lục tìm trong trí nhớ một từ trái nghĩa với nó, đây cũng là một thao tác giúp làm giàu vốn từ. Tuy nhiên, lại cũng phải lựa chọn một từ trong nhóm từ đồng/ gần nghĩa sao cho phù hợp nhất, trái nghĩa một cách tương liên. Ví dụ đọc đến từ “khổng lồ”, thì ta liên tưởng đến một nhóm từ có nét nghĩa ngược với nó là: bé, nhỏ, tí, tí xíu, tí teo, bé bỏng, chút, tí hon… nhưng trong đó, duy chỉ có từ “tí hon” là trái nghĩa với “khổng lồ” mà thôi.
Cần chú ý thêm phạm vi nghĩa của nó, ví như câu hỏi: Từ nào trái nghĩa với từ “nhạt”? Sẽ không thể có câu trả lời nếu ta không đặt từ ấy vào văn cảnh cụ thể. Trái nghĩa với từ “canh nhạt” là “canh mặn”, chè nhạt >
GV lưu ý HS, câu đối và thành ngữ, tục ngữ là những thể loại sử dụng từ trái nghĩa phong phú nhất: Hẹp nhà rộng bụng, Xấu người đẹp nết, Trên kính dưới nhường, Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng…; đồng thời cần hướng dẫn HS cách sử dụng từ điển từ trái nghĩa (ảnh) gồm khoảng 2.000 cặp từ trái nghĩa “giải thích có minh họa nghĩa của các cặp trái nghĩa trong tiếng Việt” để tra cứu phục vụ cho bài học và thực hành.
Cũng cần giới thiệu cho HS biết có hai loại từ trái nghĩa là trái nghĩa loại trừ và trái nghĩa có trung gian. Trái nghĩa loại trừ như: Đực - cái, chung - riêng, nam - nữ, chết - sống… còn trái nghĩa có trung gian như quả chín - ương (hườm) - xanh/ già - trung niên - trẻ/ no - lưng lửng - đói… hoặc như câu tục ngữ về thời tiết sau cũng có từ trái nghĩa có trung gian:
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.
Cuối cùng, khi ra đề hoặc bài tập thực hành về từ trái nghĩa, GV cần thận trọng lựa chọn ngữ liệu quen thuộc, phổ thông để tránh trường hợp khó xử kiểu “Hãy tìm từ trái nghĩa với từ “ông nội”, dẫn đến kết quả bài làm nhiều học sinh là: Ông> <bà, nội> <ngoại, vậy trái nghĩa với “ông nội” là… “bà ngoại”(!?).
* * *