Nhận diện 'thủ phạm' gây tăng nhiệt

GD&TĐ - Vụ phun trào Hunga Tonga-Hunga Ha’apai vào tháng 1/2022 là một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử được ghi lại.

Quang cảnh mực nước biển khi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào.
Quang cảnh mực nước biển khi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào.

Theo các nhà khoa học, vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai có thể ảnh hưởng đến một số khu vực, song nó không phải là thủ phạm chính dẫn tới mùa Hè nắng nóng đỉnh điểm trong năm nay.

Không gây ra biến đổi khí hậu

Vụ phun trào Hunga Tonga-Hunga Ha’apai vào tháng 1/2022 là một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử được ghi lại. Phát nổ dưới nước với sức mạnh tương đương 1.000 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, vụ phun trào đã đẩy hàng triệu tấn hơi nước bay cao vào bầu khí quyển.

Tại đảo quốc Fiji, cách Tonga khoảng 800km, vụ phun trào dữ dội đến mức có thể nghe thấy âm thanh từ nó. Thậm chí, tại Auckland (New Zealand), cách Tonga khoảng 2.000km, người dân cũng nghe được tiếng nổ.

Với phần lớn ngọn núi lửa nằm dưới nước, vụ phun trào này đã tạo ra một trận sóng thần đáng kể tàn phá Tonga. Sóng thần cũng đi xuyên Thái Bình Dương từ Australia đến bờ Tây nước Mỹ.

Vừa qua, một số nhà bình luận đã suy đoán rằng, sự phun trào núi lửa là nguyên nhân gây ra nhiệt độ mùa Hè thiêu đốt. Thậm chí, một số người cho rằng, thay vì các hoạt động của con người, núi lửa phun trào có thể là nguyên nhân chính dẫn tới biến đổi khí hậu. Điều đó đã dấy lên những câu hỏi về việc, liệu vụ phun trào núi lửa khổng lồ này có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng oi bức của mùa Hè năm nay?

Theo Gloria Manney - nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Nghiên cứu NorthWest và Viện Công nghệ và Khai thác mỏ New Mexico (Mỹ), cùng Luis Millan - nhà khoa học nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA, hiện tượng El Nino đã khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao. Vụ phun trào Hunga Tonga-Hunga Ha’apai có thể ảnh hưởng đến một số khu vực trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thủ phạm chính dẫn tới mùa Hè nắng nóng đỉnh điểm năm nay là do biến đổi khí hậu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, vụ phun trào lớn nhất này không gây ra biến đổi khí hậu. Thực tế, các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch mới chính là yếu tố thúc đẩy biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu giải thích, những vụ phun trào núi lửa lớn thường làm giảm nhiệt độ.

Bởi, núi lửa phun ra một lượng lớn sulfur dioxide, tạo thành các khí sunfat có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời trở lại không gian. Từ đó, làm mát bề mặt Trái đất trong một thời gian tạm thời. Bên cạnh đó, vụ phun trào núi lửa Tonga còn gây ra một tác động khác vì nó xảy ra dưới nước.

Hai nhà khoa học Manney và Millan cho biết: “Vụ phun trào Hunga Tonga-Hunga Ha’apai rất đặc biệt. Bởi, ngoài việc gây ra sự gia tăng lớn nhất lượng khí dung ở tầng bình lưu trong nhiều thập kỷ, nó còn bơm một lượng lớn hơi nước vào tầng bình lưu”.

Theo các chuyên gia, hơi nước là một loại khí nhà kính tự nhiên hấp thụ bức xạ mặt trời và giữ nhiệt trong khí quyển. Khí dung và hơi nước tác động đến hệ thống khí hậu theo những cách trái ngược nhau. Song, một số nghiên cứu đã đề xuất rằng, do luồng hơi nước lớn và dai dẳng hơn, vụ phun trào có thể gây ra hiệu ứng nóng lên bề mặt tạm thời.

Vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai năm 2022 khi được nhìn từ trên không.

Vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai năm 2022 khi được nhìn từ trên không.

Đâu là “nghi phạm” chính?

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change vào tháng 1 năm nay ước tính rằng, vụ phun trào đã làm tăng hàm lượng hơi nước trong tầng bình lưu khoảng 10 - 15%. Đây là mức tăng lớn nhất mà các nhà khoa học từng ghi nhận. Vào tháng 3, tạp chí Eos đưa tin, bằng cách sử dụng một mô hình, các nhà nghiên cứu tính toán rằng, hơi nước có thể làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên tới 0,063 độ F (0,035 độ C).

Một số nhà bình luận đã liên kết vụ phun trào núi lửa với tình trạng nóng lên toàn cầu, khi phát hiện này và các nghiên cứu khác cho thấy hiệu ứng nóng lên tiềm tàng.

Song, các nhà khoa học tham gia vào những nghiên cứu này đã nói rõ rằng, núi lửa không phải là yếu tố chính gây ra thời tiết khắc nghiệt như hiện tại của Trái đất. Stuart Jenkins - nhà khoa học khí hậu và nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học Oxford (Anh), tác giả chính của nghiên cứu tháng 1 - cho biết: “Có lẽ công bằng mà nói, thì ảnh hưởng của vụ phun trào núi lửa đối với các hiện tượng cực đoan trong năm nay là khá nhỏ”.

Thực tế, nhiều bằng chứng cho thấy, Trái đất có xu hướng nóng lên từ trước vụ phun trào núi lửa khổng lồ này. Theo NASA, tháng 7 năm nay có thể là thời điểm nóng kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu. Đặc biệt, đây là thời điểm nóng nhất được ghi nhận trong 5 năm qua. Hai nhà khoa học Manney và

Millan cho biết, cần có các mô hình chi tiết hơn để tiết lộ mức độ tác động của vụ phun trào núi lửa đến nhiệt độ toàn cầu, so với việc đốt nhiên liệu hóa thạch của con người và hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, phun trào núi lửa được cho là gây ảnh hưởng nhỏ hơn nhiều so với tác động của việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

“Nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục vào tháng 7 năm ngoái chỉ là ‘bản nháp’ về những gì có thể xảy ra, nếu chúng ta không thực hiện hành động chống biến đổi khí hậu quyết liệt và đầy tham vọng hơn”, hai chuyên gia nhấn mạnh.

Vào tháng 5, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo, có 66% khả năng nhiệt độ bề mặt toàn cầu trung bình hàng năm có thể sẽ vượt qua ngưỡng nóng lên nguy hiểm 2,6 độ F (1,5 độ C) vào một thời điểm nào đó trong 5 năm tới.

Theo NASA, ở mức nóng lên 2,6 độ F, các đợt nắng nóng cực độ sẽ lan rộng hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ hạn hán cao hơn và nguồn nước giảm. Nhiệt độ vượt quá 2,6 độ F cũng có thể gây ra các điểm bùng phát khí hậu như sự sụp đổ của dải băng ở Greenland và Tây Nam Cực.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ