Nhận diện nguy cơ làm tan rã EU

GD&TĐ - Không tìm được tiếng nói chung luôn là thách thức lớn nhất của EU khi giải quyết vấn đề người tị nạn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo số liệu của Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tính từ đầu năm 2023 đến ngày 24/9, khoảng 186 nghìn người từ châu Phi vượt Địa Trung Hải di cư đến châu Âu. Trong đó, riêng Italy đã tiếp nhận hơn 130 nghìn người, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người tị nạn tập trung tại đảo Lampedusa, Italy. Chỉ riêng một tuần tháng 9, khoảng 12 nghìn người đã tiếp cận hòn đảo này, cao gần gấp đôi so với dân số trên đảo. Hơn 2.500 người di cư đã chết hoặc mất tích khi cố gắng đến châu Âu trong năm 2023, tăng 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình trên, Italy đã yêu cầu các nước Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ gánh nặng. Tuy nhiên, các quốc gia chưa thể thống nhất về hạn ngạch, cách thức điều tiết dòng người di cư và chính sách chung về người di cư trong khu vực.

Một trong những bất đồng lớn nhất hiện nay là giữa Đức và Italy về vấn đề viện trợ nhân đạo và các dịch vụ tìm kiếm cứu nạn do tàu của các tổ chức phi chính phủ thực hiện ở biển Địa Trung Hải. Italy coi những chiếc tàu này là nguyên nhân kéo lượng lớn người tị nạn đến bờ biển châu Âu. Còn Đức phản đối quan điểm này, cho rằng những chiếc thuyền này sẽ cứu sống người di cư trên biển.

Bên cạnh đó, mới đây, Đức thông báo sẽ kiểm soát biên giới với hai nước láng giềng Ba Lan và Cộng hòa Séc nhằm đẩy lùi nạn buôn người. Chính phủ Đức cho rằng nước này phải đưa ra biện pháp trên là do các nước chưa hành động đủ mạnh mẽ để ngăn nạn buôn người.

Là quốc gia nằm ở trung tâm châu Âu, dòng người tị nạn vào Đức phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng. Trong 8 tháng đầu năm nay, Đức ghi nhận hơn 240 nghìn đơn xin tị nạn, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, hơn 70 nghìn người đã nhập cảnh trái phép vào Đức, tăng gần 60% so với năm 2021.

Xử lý di cư là vấn đề nóng ở châu Âu nhưng với mỗi quốc gia, mức độ nghiêm trọng của vấn đề là khác nhau. Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nên nước này yêu cầu những biện pháp thống nhất, cứng rắn và mạnh mẽ nhất trong nội bộ khối để giải quyết vấn đề trên.

Nhưng một số quốc gia khác, nơi không chịu tác động tiêu cực nhiều từ người di cư như Italy, không cho rằng đây là vấn đề cần giải quyết ngay lập tức. Họ có thể không sẵn sàng phân bổ ngân sách để xử lý khủng hoảng hoặc không chịu tiếp nhận người di cư.

Để giải quyết bất đồng nội bộ, cuối tuần qua, các bộ trưởng nội vụ EU đã nhóm họp tại Brussels và thảo luận về việc xây dựng “Quy định xử lý khủng hoảng di cư”. Quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm của mỗi quốc gia và hành động ứng phó khi có một thành viên bị quá tải bởi dòng người tị nạn. Tuy nhiên, vì những tranh cãi trên, khối này chưa đạt được thoả thuận.

Không tìm được tiếng nói chung luôn là thách thức lớn nhất của EU khi giải quyết vấn đề người tị nạn. Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài, nội bộ EU càng xuất hiện nhiều rạn nứt, đẩy vấn đề người tị nạn lâm vào bế tắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.