Nhận diện các TÍNH trong xây dựng cộng đồng học tập

GD&TĐ - Bên cạnh việc nhận thức và phát huy vai trò của từng nguồn lực tham gia vào quá trình xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ, PGS.TS Nguyễn Lân Trung - cho rằng, cần con coi trọng và tính đến các "TÍNH".

Phát triển hoạt động cho phù hợp với các đối tượng khác nhau, điều kiện và tình huống khác nhau. Ảnh minh họa/internet
Phát triển hoạt động cho phù hợp với các đối tượng khác nhau, điều kiện và tình huống khác nhau. Ảnh minh họa/internet

Thứ nhất là tính thực tế

Mô hình đưa ra phải tạo "đất" cho sự tưởng tượng sáng tạo, quy trình kỹ thuật của mô hình phải làm rõ các biến thể có thể, nếu tình huống khác đi thì có thể ứng biến theo các nguyên tắc nào - nói một cách khác đi là phải có các phần đóng và phần mở, cần đưa ra mô hình đồng thời kèm theo hướng dẫn thực hiện quy trình, phát triển hoạt động cho phù hợp với các đối tượng khác nhau, điều kiện và tình huống khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung nhấn mạnh: Để thành công, khi làm một chương trình nào, theo một quan điểm nhận thức nào thì cũng phải dựa vào hệ thống các nguyên lý, đơn giản là trả lời các câu hỏi: Vì sao làm cái này, vì sao tổ chức hoạt động này, tổ chức thì tuân thủ những điều gì, ý nghĩa hiệu quả của nó sẽ ra sao...?

"Nhưng ở đây đặt ra vấn đề khoảng cách giữa nguyên lý và thực tiễn. Hoạt động cộng đồng học tập ngoại ngữ rất cần những mô hình lý thuyết soi rọi, đây không chỉ đơn thuần là vui chơi, là tự do thực hiện chuyển giao tri thức, mà các hoạt động cũng phải tuân thủ các nguyên tắc tâm lý ngôn ngữ học, ngôn ngữ xã hội học, giáo học pháp ngoại ngữ" - PGS.TS Nguyễn Lân Trung phân tích.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung, những nguyên lý chỉ phát huy hiệu quả khi nó góp phần giải quyết được bài học thực tiễn, giải quyết được những vấn đề do thực tiễn đặt ra, phù hợp với các điều kiện cụ thể của tình huống.

Hoạt động học tập cộng đồng không nằm chằn chặt trong khuôn khổ của thiết chế. Chính vì vậy mô hình đưa ra cần gợi ý các cách làm cụ thể, nhấn mạnh đến tính sáng tạo và thực tiễn của từng địa bàn, từng cơ sở.

Thứ hai là tính hứng thú

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung, ở đây là các mối quan hệ trong việc học và sử dụng ngoại ngữ. Hoạt động học tập cộng đồng cần và phải hướng đến việc tạo hứng thú cho người học. Có thể phải nhận thức lại quan điểm chuyển từ đào tạo trang bị kiến thức sang đào tạo phát triển năng lực.

Giáo dục ngoại ngữ hướng nhiều đến mặt sử dụng, mặt thực hành, học nhưng ít nghĩ đến việc sử dụng. Trong hoạt động học tập ngoại ngữ với chiến lược cộng đồng, yêu cầu sử dụng được đặt lên rất cao, tạo ra nhu cầu sử dụng, có nhu cầu sử dụng dẫn đến bức thiết phải học những gì để đáp ứng ngay nhu cầu sử dụng đó.

"Học và sử dụng- sử dụng và học" trở thành một dòng chảy luân phiên, một quy trình luân phiên ở đó người học luôn có cảm hứng, có hứng thú học hỏi để đáp ứng những nhu cầu của bản thân đang nẩy sinh khi giao tiếp tình huống" - PGS.TS Nguyễn Lân Trung trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:

Sự can thiệp của cộng đồng làm nẩy sinh vấn đề, phá vỡ vỏ bọc khép kín của cá nhân, đặt ra cho cá nhân những tình huống mới, đòi hỏi cá nhân phải có ứng xử mới, phù hợp với tình huống, hòa nhập với cộng đồng. Cộng đồng chính là nguồn cảm hứng để cá nhân bộc bạch, thể hiện, biểu cảm và đánh giá, phán xét.

Đó là động lực, là cội nguồn hứng thú, học tập cộng đồng có nhiều điều kiện để tạo động lực và hứng thú cho người học và chính vì thế học tập trở nên tự nhiên hơn, hiệu quả hơn.

Hoạt động học tập cộng đồng không nằm chằn chặt trong khuôn khổ của thiết chế. Ảnh minh họa/internet
Hoạt động học tập cộng đồng không nằm chằn chặt trong khuôn khổ của thiết chế. Ảnh minh họa/internet

Thứ ba là tính bền vững

Lực lượng phụ huynh học sinh, nhìn nhận thấy lợi ích thiết thực của con em mình, cũng sẽ ít nhiều tham gia đóng góp. Cuối cùng, bản thân học sinh, sinh viên, những người tham gia hoạt động, qua hoạt động tiếp xúc nhận thấy lợi ích của việc nâng cao năng lực, thiết thực góp phần giải quyết chuẩn tuyển dụng..., sẽ tự nguyện có những đóng góp để duy trì hoạt động.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung - cho rằng, một trong những câu hỏi thường được đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ là: làm sao duy trì được hoạt động này? Về mặt nguyên tắc nó không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Ở rất nhiều các cơ sở, các trường, thực tế cho thấy, các hoạt động này thường bộc phát, tự phát từ phong trào học tập của học sinh, sinh viên, theo nhóm sở thích hoặc theo tổ chức Đoàn, Hội.

Lúc mới mở ra, có thể nhà trường tạo những điều kiện ban đầu, nhưng nguồn kinh phí ấy không thể tiếp tục mãi được. Thói quen dựa vào ngân sách, thiếu sự năng động, sáng tạo, đột phá và kiên trì của nhóm lãnh đạo cộng đồng đã làm cho các hoạt động teo dần và đi đến chấm dứt.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung - phân tích: Thực tiễn chỉ ra rằng nếu không có chiến lược và một phương thức xã hội hóa bài bản thì sự tồn tại của một Cộng đồng như vậy sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

Ngược lại, do tính chất tự nguyện, không bị phụ thuộc vào các thiết chế, do có mục đích tốt đẹp, đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người học, đặc biệt là người học trẻ tuổi, một cách làm năng động, sáng tạo sẽ tạo được nguồn thu dồi dào và lâu dài, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của các hoạt động.

"Vấn đề còn lại là vấn đề tổ chức. Tính bền vững hay không của cộng đồng học tập ngoại ngữ nằm trong chính bản thân sự sáng tạo, năng động của những người quản lý hoạt động cộng đồng này"- PGS.TS Nguyễn Lân Trung.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận của PGS.TS Nguyễn Lân Trung tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh giáo dục trung học vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.