Nhân chứng của những sự kiện

Nhân chứng của những sự kiện

(GD&TĐ) - Nói về sự cống hiến hi sinh cho sự nghiệp chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, người ta thường hay nghĩ đến lớp người xông pha trên chiến trường, đương đầu nơi hòn tên, mũi đạn. Nhưng quãng thời gian gần 40 năm sau ngày đất nước hòa bình, độc lập đủ cho sự mai danh, ẩn tích của nhiều chiến công thầm lặng khác dần dần được bộc lộ; để có một ngày, nhà thơ cách mạng Tố Hữu  chợt thốt lên rằng, “có nơi đâu, trên trái đất này, như miền Nam đắng cay, chung thủy…”. Cuộc trò chuyện sau đây của chúng tôi với bà Lê Thị Kinh - 88 tuổi, người chị gái thứ hai của cố nhà văn Phan Tứ, cháu ngoại của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, tại số nhà 42 Phan Chu Trinh, TP Đà Nẵng đã đưa đến những nghĩ suy như thế.

Thưa bà, sự kiện 30/4 là một sự kiện lớn, thiêng liêng với người dân nước Việt,  bà có thể cho biết  tâm trạng của mình trong ngày 30/4/1975?

- Ngày ấy tôi còn đang làm công tác đối ngoại ở Pari chứ chưa về nước, nhưng trong tôi tràn đầy những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi nhớ lại giây phút chứng kiến Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình cùng 3 vị bộ trưởng ngoại giao nữa đặt bút ký vào bản hiệp định Pari (ngày 27/1/2013) sau gần 5 năm giằng co, đàm phán căng thẳng. Đây là chiếc chìa khóa của hòa bình mà dân tộc ta đã giành bao máu xương để có nó. Ở nước ngoài, tôi vẫn hình dung rất rõ niềm vui mừng khôn xiết của đồng bào và những người ruột thịt, thân thích của mình trong ngày vui đoàn tụ 30/4.  

Nhưng từ khi Hiệp định Pari được ký kết tới ngày chiến thắng còn tới hơn 2 năm, lúc ấy bà có tin tưởng ta sẽ đi tới thắng lợi hoàn toàn hay không?

- Tin chứ! Tin vào lực lượng của mình ở chiến trường miền Nam, tin vào ý chí kiên cường của quân và dân miền Bắc. nhưng mà cũng còn nhiều nỗi lo lắm! Cuộc chiến tranh ở trong nước còn khó khăn, miền Nam đồn bốt địch còn đóng đầy, miền Bắc vết tích tàn phá của đạn bom, B52 không dễ dầu hàn gắn. Đồng bào mình lúc ấy đói khổ, thiếu thốn lắm. Cả anh em, bầu bạn thế giới lúc ấy cũng đều dõi theo đất nước mình.

Bà Lê Thị Kinh - dịch nhật ký của nhà văn Phan Tứ
Bà Lê Thị Kinh - dịch nhật ký của nhà văn Phan Tứ

Vậy từ Pari, bà trở về với những người thân yêu, ruột thịt của mình năm nào? Cảm nhận của bà về quê hương sau những tháng năm  dài xa cách?

 - Tôi về sau ngày đất nước giải phóng một năm (năm 1976), lúc ấy ngôi nhà này (nhà số 42-Phan Chu Trinh) trông thật hoang tàn, đổ nát. Ngói bay, ống nước, nền nhà bị bổ; người ta phơi phóng quần áo ngay bên trong gian thờ. Trước đó tôi lại cứ ảo tưởng đã là nhà thờ cụ Phan Châu Trinh thì phải có người chăm sóc cẩn thận. 

Chắc hẳn bà và và những người thân của mình phải buồn khi chứng kiến cảnh tượng như vậy?  

- Có lẽ ở thời kỳ ấy, chẳng ai quanh quẩn với nỗi buồn riêng tư của mình. Nhà thờ chí sĩ yêu nước nổi tiếng đầu thế kỷ; một “địa chỉ đỏ” không chỉ của Đà Nẵng mà của cả nước mà lại tối om om, không đèn, không điện; tường nhà, trần nhà ám muội đèn đen thui. Vậy mà đã không buồn, lại thấy vui, thấy tự hào vì gia đình mình sống cực như thế mà nuôi được cán bộ bộ đội trong nhà. Hồi ấy cái bàn ở gian thờ này xấu xí thôi, nhưng dưới cái bàn là hầm giấu tài liệu, giấu cán bộ, ông cụ thân sinh ra tôi kéo cái tủ che khuất lại. Có chú sau này tới chơi kể lại: có lần địch lục soát dữ quá, cháu chui vô cái hầm này ẩn nấp. Nghe tiếng của ông cụ nhà ta nằm ở chiếc võng treo góc nhà nói cứng: “Bàn thờ tôi thờ cụ đấy, các ông muốn soát thì cứ vào mà soát”. Bọn địch thấy dòng chữ “Nhà thờ Phan Châu Trinh” thì không dám soát thật. Không vui, không tự hào sao được khi bà mẹ mình ra đọc lời kêu gọi vận động phụ nữ miền Nam đứng lên giải phóng đất nước ở sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), lại còn ra cả Huế để vận động phong trào thanh niên nữa. 

Có phải vì từ lòng nhiệt thành cách mạng  mà dù tuổi cao, sức yếu, bà vẫn  bỏ ra tới 5 năm dồn tâm lực vào việc dịch thuật, biên tập, hiệu đính 3 tập nhật ký chiến trường dày 2500 trang của Nhà văn Phan Tứ, đã được Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt bạn đọc vào năm 2011?

- Khi tôi về nghỉ hưu, PhanTứ đưa cho tôi hàng mấy chục cuốn sổ ghi chép viết tay của nó ở chiến trường, những trang viết ken dày chủ yếu bằng tiếng Pháp, có cả tiếng Nga, tiếng Lào, tiếng Anh. Ban đầu tôi cũng chỉ xem lướt qua vì nghĩ đây là gia sản Tứ để lại cho vợ là Phương Thảo. Nhưng sau khi Tứ lâm bệnh do ảnh hưởng chất độc da cam rồi mất, tôi xót xa thương nhớ đã đọc từng trang nó viết. Đọc tới đâu, xúc cảm vì tình máu mủ, ruột thịt đến đấy. Nhà có mỗi một mình nó là con trai, nó tốt lắm, được chị em trong nhà cưng chiều, nhưng bản tính nó không ỷ lại, luôn nghiêm khắc với chính mình. Nó thể hiện tính cách, nghị lực của mình ngay ở những trang viết trong hoàn cảnh khắc nghiệt phải đối phó với địch, nào đạn bom, nào sốt rét, đói khát. Tất cả những cảnh, những việc, những người ở chiến trường cứ hiện lên rõ mồn một. Thế là tôi quyết tâm bắt tay vào dịch 34 cuốn sổ với 4000 trang ghi bằng nhiều thứ tiếng của Tứ. Phương Thảo không được khỏe bởi những lao tâm, lao lực chờ chồng, nuôi con trong chiến tranh, nhưng cô ấy cũng phụ giúp tôi hiệu đính những chỗ mất câu, mất chữ và phóng to các trang sổ ra giấy A4 để có thể đọc được. Sau khi tôi dịch xong từng tập nhật ký, Thảo đọc lại thích lắm, cứ khen: sao chị dịch mà cứ y như lời lẽ, giọng văn của Phan Tứ vậy! Sách mở đầu từ lúc Phan Tứ rời Ban tuyên huấn Khu 5 để về đồng bằng mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Tam Kỳ -Quảng Nam), và kết thúc Phan Tứ chấm dứt hành trình 2 tháng rưỡi đi bộ gian khổ trên đường Hồ Chí Minh tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) về đến Hà Nội sau 5 ngày đêm đi xe tải dưới bom đạn.  

Thành công ấy, trong dịch thuật bộ nhật ký và ghi chép văn học đồ sộ “ Từ chiến trường khu 5” là xuất phát từ tình cảm cá nhân mạnh mẽ hay từ vốn tiếng Pháp và học thức uyên thâm của một người đã từng làm công tác đối ngoại nhiều năm, thưa bà?

- Có lẽ là nghiêng ở sự đồng cảm. Mình đã diễn đạt đúng như kiểu suy ngẫm diễn đạt của Tứ. Nếp sống gia đình ăn sâu trong tính cách cậu em trai, hai chị em có điều gì cũng trao đổi với nhau. Tứ quý mình lắm, trong Nhật ký nó luôn nhắc tới chị mình, nó vẫn viết thư cho mình và Thảo. Mặc dù không lạ gì tính cách tỉ mỉ, cẩn thận của em mình, nhưng đọc những trang Nhật ký của nó, mình vẫn rất ngạc nhiên và khâm phục. Không ngờ vốn tiếng Pháp của Tứ lại khá đến như vậy. Có một người bạn Pháp khi đọc cũng phải thốt lên: “Đây là văn của nhà văn lớn viết bằng tiếng Pháp”. Mà nó lại viết trong điều kiện thiếu ánh sáng ở núi rừng, đôi mắt cận thị nặng, bàn tay và cột sống sớm bị cứng khớp, lại thêm nhiều ngày đói cơm lạt muối, luôn bị những cơn sốt rét, rừng, vắt, đỉa, muỗi hành hạ, chưa kể bom đạn và càn quét, phục kích của địch…   

Thưa bà, lớp thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chống Mỹ như chúng tôi rất yêu thích tác phẩm “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ. Được biết trong lễ tang ông, đã có vòng hoa mang dòng chữ “Mẫn và tôi sống mãi” do một số độc giả ngưỡng mộ viếng. Xin hỏi tò mò một chút: có tin đồn cô Mẫn trong tác phẩm hiện đang tồn tại thật ngoài đời. Vậy, ở trong những cuốn sổ tay nhật ký của Phan Tứ thời gian ông hoạt động ở chiến trường liên khu 5, có bao giờ ông giành riêng mối thiện cảm cho một người phụ nữ tương tự như cô Mẫn trong tác phẩm hay không?  

- Hình tượng cô Mẫn trong “Mẫn và tôi” là một hình tượng đẹp về người phụ nữ Nam Trung bộ trong chiến tranh, có sự chắt lọc từ những vẻ đẹp của những người mẹ, người chị ngoài đời thực. Còn nhật ký lại là những ghi chép rất thật của Phan Tứ; ở những trang đầu mỗi cuốn sổ, Tứ đều ghi: “Mật - ghi chép riêng của Phan Tứ không ai được xem”. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy có cô nào được nhắc tới với một thiện cảm đặc biệt na ná như cô Mẫn trong tiểu thuyết. Tôi cho rằng, với một tác phẩm lớn nhận được đông đảo cảm tình của độc giả thì sự thêu dệt chỗ này, chỗ nọ âu cũng là lẽ thường tình. 

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.