Tiếp sức mùa Covid-19: Gập ghềnh đường đến trường

GD&TĐ - Đầu năm học mới, có em gia đình vì dịch bệnh mà kinh tế kiệt quệ, em thì vĩnh viễn mất đi người thân. Con đường đến trường bởi thế mà càng thêm khó khăn, gập ghềnh.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (ngoài cùng bên phải) trao tặng sách giáo khoa cho học sinh khó khăn. Ảnh: NTCC
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (ngoài cùng bên phải) trao tặng sách giáo khoa cho học sinh khó khăn. Ảnh: NTCC

Nỗi đau trước ngưỡng cửa trường đại học

Gia đình 6 người của Đào Thị Minh Hoàng, nguyên học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, Đồng Nai đều nhiễm Covid-19. Chia sẻ câu chuyện của mình khi còn đang ở trong khu điều trị dành cho F0, Hoàng đau buồn nói về người cha đã mất. Trong câu chuyện của mẹ và chị, em biết gia đình còn đang nợ 14 triệu đồng phí hỏa táng cho bố. “Nhà em đang mượn tiền, thấy bảo mai mốt phường sẽ có hỗ trợ; rồi nhà trường và sở GD&ĐT có gửi tiền phúng điếu. Giờ em cũng không biết phải làm sao nữa”, Hoàng buồn bã.

Minh Hoàng là một trong những học sinh có gia cảnh khó khăn đặc biệt trong đợt dịch lần này tại Đồng Nai. Trước khi dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống, gia đình Hoàng đã khó khăn. Anh trai bị bệnh Down; bố sức khỏe yếu nên lo việc nhà; nguồn thu nhập chính từ việc mẹ, chị cả đi bán bánh mì và một chị làm công nhân. “Em đã đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Ngân hàng và Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Nếu đỗ, chắc em sẽ phải vay tiền họ hàng, và mẹ cũng có ý định bán nhà nữa” - Hoàng chia sẻ.

Ngoài trường hợp như Minh Hoàng, Đồng Nai còn nhiều học sinh hoàn cảnh rất khó khăn do tác động của Covid-19. Theo ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp và số công nhân rất lớn.

Đa phần công nhân đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Số lao động tại các khu công nghiệp tăng mạnh là nguyên nhân làm số học sinh tăng theo hàng năm, có khi tới hơn 10 nghìn học sinh trên tất cả cấp học. Hầu hết gia đình công nhân sống, sinh hoạt trong các khu nhà trọ, khó khăn và nhất là khi dịch bùng phát phức tạp tại một vài địa phương trong tỉnh.

“Người bản địa không đáng lo ngại. Họ cũng có miếng đất, mảnh vườn nho nhỏ trồng rau đậu, có người thân san sẻ, có thể bảo đảm cuộc sống trong thời gian này. Khó khăn nhất vẫn là các gia đình công nhân. Họ không thể về quê trong tình trạng giãn cách.

Công ty tạm dừng hoạt động nên thu nhập cũng kém đi. Chi phí cho ăn ở đã là gánh nặng, nên con cái đi học là nỗi lo không hề nhẹ. Mặc dù, địa phương có nhiều chương trình hỗ trợ cho đối tượng đang gặp khó khăn trong thời gian này, nhưng thiết nghĩ cũng rất cần sự giúp sức từ các nguồn lực từ mọi nơi”, ông Thạch trăn trở.

“Sở GD&ĐT dự kiến tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, THCS và THPT học kỳ I. Đồng thời, ngành cũng vừa tham mưu UBND tỉnh kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm trang bị thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, ông Võ Ngọc Thạch cho hay.

Em Bùi Khánh Linh (thứ 2 từ phải sang) và cô chủ nhiệm trong buổi sơ kết cuối học kỳ II, lớp 4. Ảnh: NVCC
 Em Bùi Khánh Linh (thứ 2 từ phải sang) và cô chủ nhiệm trong buổi sơ kết cuối học kỳ II, lớp 4. Ảnh: NVCC

Xót xa những mảnh đời “vùng đỏ”

Tại Bình Dương, phường Bình Chuẩn là khu vực “vùng đỏ” đậm đặc. Nằm trên địa bàn này, nhiều gia đình học sinh Trường Tiểu học Bình Chuẩn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/8, Trường Tiểu học Bình Chuẩn, trường hợp em Bùi Khánh Linh là khó khăn hơn cả. Ba Linh mới mất vì Covid-19. Bốn mẹ con em đều dương tính với Covid-19 và đang điều trị trong khu cách ly.

“Dù vậy, gia đình rất quan tâm đến việc học của Linh. Đang trong viện và rất mệt, mẹ bé vẫn nhắn tin nhờ cô chủ nhiệm thông báo thời gian bắt đầu học”, cô Hà cho hay.

Cũng trong “vùng đỏ” đậm đặc của Bình Dương, em Nguyễn Trần Yến Trang, Trường Tiểu học Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên có hoàn cảnh đặc biệt. Theo cô chủ nhiệm Trần Thị Thúy Hồng, ba mẹ em bị khiếm thị. Từ khi ra đời, ông bà ngoại trực tiếp chăm sóc cho em. Ông ngoại là người đưa đón em đến trường.

Năm 2020, ông bị bệnh tai biến nặng, dù đang hồi phục dần nhưng không thể chở cháu đi học được. Trong gia đình, em còn sống chung với vợ chồng dì. Dì dượng làm công nhân, vừa nuôi hai đứa con của mình, lại nuôi ông bà ngoại và cả Yến Trang. Do dịch bệnh, dì dượng của Trang phải nghỉ ở nhà hơn một tháng nay, nên hoàn cảnh đã khó, lại càng khó khăn hơn bội phần.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Tân Uyên, cho biết: Không chỉ em Trang, thị xã còn khá nhiều học sinh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi địa bàn dân nhập cư nhiều. “Phòng GD&ĐT đã giao hiệu trưởng các trường, bằng mọi nguồn lực, vận động nhà hảo tâm hoặc nguồn lực từ chính các thầy cô giáo, làm hết cách để các em được đến trường, không để xảy ra tình trạng bỏ học”, ông Trần Anh Dũng cho hay.

Như trường hợp Nguyễn Trần Yến Trang, Trường Tiểu học Uyên Hưng, em được cô chủ nhiệm và nhà trường hết sức quan tâm. Khi ông của Trang bị bệnh, cô chủ nhiệm Trần Thị Thúy Hồng là người thay ông hàng ngày chở Trang về nhà sau giờ tan học, giúp đỡ em mỗi khi gặp khó khăn.

Bộ đồng phục mới Trang có để chuẩn bị vào năm học cũng là do cô Hồng mua tặng. Không chỉ Trang, các học sinh khó khăn của Trường Tiểu học Uyên Hưng đều được chăm lo chu đáo. Thông tin từ cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà, cứ mỗi đầu năm học, nhà trường đều rà soát lại học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ và Trang là trường hợp đặc biệt trong số đó.

Nguyễn Trần Yến Trang (thứ 3 từ phải sang) nhận phần thưởng cho học sinh giỏi trong Lễ tổng kết năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC
  Nguyễn Trần Yến Trang (thứ 3 từ phải sang) nhận phần thưởng cho học sinh giỏi trong Lễ tổng kết năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC

Nguy cơ học sinh bỏ học

Nằm trên địa bàn đặc biệt khó khăn của Phú Yên, Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh) có nhiều học sinh hoàn cảnh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Trường hợp được thầy Lê Xuân Thiều - Phó Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, là M Lô Y Bi - học sinh người dân tộc Ê-đê. Gia đình M Lô Y Bi là hộ nghèo, cha mẹ đi làm thuê nuôi 3 con, nhưng vì Covid-19 nên không có việc làm, gia đình cũng không còn lương thực.

Hay Y Trâm Byă - học sinh người dân tộc Ê-đê và gia đình cũng thuộc diện hộ nghèo. Mẹ Y Trâm Byă đang mổ u ở TPHCM, đồng thời chuẩn bị sinh em bé. Bố em vào nuôi mẹ và kẹt ở TPHCM đã 3 tháng nay chưa về quê được. Y Trâm Byă ở nhà cùng bà và em, đời sống vô cùng khó khăn. “Cả 2 học sinh đều có nguy cơ bỏ học vì các em là lao động chính của gia đình. Nhà trường đã động viên, các em   cũng hứa sẽ tiếp tục đi học”, thầy Thiều cho biết.

Trước thực trạng này, ngành Giáo dục các địa phương đã nỗ lực “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, nhất là thời điểm đầu năm học mới. Sự hỗ trợ của thầy cô, nhà trường và cộng đồng giúp các em vơi bớt khó khăn, thêm động lực, tiếp bước tới trường. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, toàn tỉnh có 1.534 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn là F0, F1 và trong các khu vực phong tỏa.

Địa phương đã vận động Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 385 bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, cận nghèo; 12.000 tập vở và 12.000 bút viết cho học sinh khó khăn. Địa phương đồng thời trích Quỹ Bảo trợ trẻ em để hỗ trợ 1.534 học sinh nói trên, mỗi em 200 nghìn đồng.

Tại Hòa Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: Sở đã lưu ý việc các trường, điểm trường vùng đặc biệt khó khăn, phối hợp với tổ chức, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt công tác 3 đủ đối với học sinh, tuyệt đối không để các em vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở mà không đến trường học tập. Cùng với đó, quan tâm những học sinh là con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh, người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, mồ côi, khuyết tật để các em được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Nhấn mạnh cần quan tâm đến vấn đề công bằng trong giáo dục, vì sau dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề nhất là học sinh, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội để có thể lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, có gói an sinh hỗ trợ tạo điều kiện cho tất cả học sinh; nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn với phương châm không để trẻ em, học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ