Tâm sự không thể cầm nước mắt của chàng trai biết "ngày mai là mình chết"

GD&TĐ - Đang ở trong tình cảnh “đếm từng ngày để về bên kia thế giới” nhưng người thanh niên ấy vẫn không gục ngã, vẫn đi hát gom góp tiền gây quỹ từ thiện để giúp đỡ những mảnh đời giống mình.

Mặc dù mang trong mình căn bệnh suy thận giai đoạn cuối nhưng Phùng Văn Quân vẫn luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, yêu đời

Tuổi thơ mất mát, không cha không mẹ

Giữa thôn Tri Lai (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội) có một cái hồ rộng cả vài mẫu, quanh năm nước trong xanh. Từ cái hồ rộng ấy men theo con đường bề rộng chừng 70cm xây bằng gạch xỉ xây nhiều năm đã lên rêu xanh xám sẽ thấy một căn nhà nhỏ với nhiều chậu hồng cao quá đầu người được đặt ngay ngắn trước sân. Đó là nơi sinh sống của chàng trai Phùng Văn Quân, chàng trai có số phận hẩm hiu, khốn khổ.

Hôm nay, Quân vừa đúng tròn 28 tuổi. Với nhiều người tuổi ấy đang đẹp, đang sung và tràn ngập hoài bão, ước mơ. Thế nhưng Quân thì khác. Đã nhiều ngày Quân không ăn được gì, trời lại trở lạnh cộng với căn bệnh quái ác hành hạ khiến thân xác như “đèn treo trước gió”.

Phùng Văn Quân có tuổi thơ bất hạnh, không có bố, mẹ bỏ đi từ khi Quân được 2 tháng tuổi
Phùng Văn Quân có tuổi thơ bất hạnh, không có bố, mẹ bỏ đi từ khi Quân được 2 tháng tuổi

Quân bảo thời gian gần đây sức khỏe của cậu rất kém, bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến cho ngay cả việc nói của cậu cũng rất khó khăn. Căn nhà của Quân dựng lên trên mảnh đất mượn của xã, khá vắng vẻ, âm u. Không còn người thân nên Quân chỉ sống một mình nhiều năm nay. Hàng xóm cũng thỉnh thoảng mới lui tới.

Vắng vẻ, cô quạnh nên cậu rất thèm người, thèm được nói chuyện nhất là vào buổi đêm. Đôi tay gầy guộc, run run đưa vội cốc nước cho khách, Quân dồn sức, chống tay ngồi ngay ngắn trên tấm xốp đặt dưới nền nhà chầm chậm trải lòng.

Trước đây Quân cũng có một gia đình với đầy đủ các thành viên. Thế rồi qua năm tháng, những người thân của cậu cứ lần lượt ra đi để lại Quân một mình như hoàn cảnh hiện tại.

Quân từ khi sinh ra đã không biết bố mình là ai, mặt mũi như nào. Hình bóng về bố với Quân tuyệt nhiên không có. Nhiều lúc tò mò dò hỏi, người thân chỉ nói qua bố cậu quê ở Phú Thọ. Không biết bố mình là ai nhưng Quân biết bố mình là người xấu. Quân bảo: “Xấu nên mới bỏ vợ và hai đứa con còn nhỏ mà đi”.

Không có bố, mẹ bỏ đi, tuổi thơ của Quân gắn liền với hình ảnh về ông bà ngoại
Không có bố, mẹ bỏ đi, tuổi thơ của Quân gắn liền với hình ảnh về ông bà ngoại

Khi Quân hai tháng tuổi, chỗ dựa, tình thương duy nhất là người mẹ cũng đột nhiên bỏ đi và biệt tăm từ đó, để lại hai anh em Quân cho ông bà ngoại nuôi. Ông bà là chỗ dựa, là vết cắt tươi sáng nơi tuổi thơ đầy bất hạnh và mất mát của anh em Quân.

Quân bảo, nhiều năm trở về trước, ở địa phương nơi Quân sống, không bố, không mẹ là một cái tội và tuyệt nhiên những người đó trở thành những người không tốt đẹp gì. Cũng chính vì suy nghĩ đó của người lớn được áp đặt vào đầu trẻ con khiến từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Quân không được các bạn chào đón. “Chẳng ai dám kết thân với một đứa không cha, không mẹ”, Quân nhớ lại.

Tuổi thơ của anh em Quân cứ trôi qua như vậy, ngoài tình thương của ông bà và những người họ hàng bên ngoại, hai anh em ít khi nhận được những cái nhìn cảm thông từ những người dân.

Bị bạn bè trêu chọc nên đến lớp 6, Quân đã phải nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp ông bà ngoại nuôi anh trai cũng mắc bệnh suy thận
Bị bạn bè trêu chọc nên đến lớp 6, Quân đã phải nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp ông bà ngoại nuôi anh trai cũng mắc bệnh suy thận

Giấu bệnh mình, mò cua bắt ốc, đi làm thuê để lo tiền chữa bệnh cho anh trai

Ông bà ngoại Quân có tổng cộng 10 người con, một số lập gia đình ở các tỉnh khác nhau, số khác cũng có cuộc sống riêng loanh quanh trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội). Trong số những người con ấy, kinh tế ai cũng khó, cũng chật vật mưu sinh nên ít có khả năng bảo bọc được cho hai đứa cháu cơ nhỡ.

Ông bà ngoại cũng đã có tuổi, bệnh tật đeo bám quanh năm. Mỗi lần ông bà trở bệnh, nhẹ thì một vài ngày là được về, nặng thì cả tháng nằm trên viện. Những lúc như vậy, tiền đâu lo cho hết. Kinh tế của gia đình ngày càng khánh kiệt.

Cuộc sống “đã nghèo lại còn mắc cái eo”, năm 3 tuổi, anh trai Quân được phát hiện mắc căn bệnh suy thận mãn tính. Ông bà ngoại của Quân dù đã cố gắng hết sức chữa bệnh cho cháu nhưng cũng chỉ là cầm chừng, kinh tế không đủ để chữa dứt điểm.

Sau khi anh và ông bà ngoại qua đời, Quân sống một mình trong căn nhà nhỏ
Sau khi anh và ông bà ngoại qua đời, Quân sống một mình trong căn nhà nhỏ

Thấy ông bà không đủ sức vừa chạy chữa cho một đứa cháu bệnh tật và lo việc học hành cho đứa còn lại nên đến năm lớp 6, Quân xin nghỉ học ở nhà phụ giúp ông bà. Quân tính đến đường đi làm thêm dành dụm tiền gửi về để ông bà chữa trị bệnh cho anh.

Thế nhưng thời điểm ấy tuổi cậu còn nhỏ quá nên đi xin việc chẳng ai nhận. Quân bảo: “Họ nhìn cái dáng vẻ nhỏ bé, ốm yếu, hơn nữa tuổi em còn nhỏ quá nên không ai dám nhận, mà nếu có nhận thì cũng không biết bản thân mình có trụ được lâu không, có làm được việc không”.

Sau đợt ấy, Quân trở về quê, kiếm tiền phụ giúp kinh tế cho ông bà chữa trị bệnh cho anh. Thời ấy, bất kể nắng mưa, người dân thôn Tri Lai đều thấy Quân ngụp lặn ở sông, mương máng, phơi nắng giữa đồng để bắt con ốc, con cua…bán lấy tiền.

Để vơi bớt cô đơn, Quân chọn cách trồng và chăm sóc nhiều cây hoa trong vườn nhà
Để vơi bớt cô đơn, Quân chọn cách trồng và chăm sóc nhiều cây hoa trong vườn nhà

Lớn lên hơn một chút, Quân xin được công việc thợ hồ, được bao ăn, bao ở nên bao nhiêu tiền kiếm được Quân gửi hết về cho ông bà để chi tiêu gia đình và chữa trị cho anh. Cuộc sống quãng thời gian đó cũng bớt khó khăn phần nào.

Quân bảo thời gian đó đang là tuổi đẹp nhất của con người, bạn bè cùng trang lứa ước ao, ấp ủ bao điều nhưng đối với cậu, niềm mong ước duy nhất chỉ là có sức khỏe để kiếm được tiền.

Dẫu vậy, ông trời đâu có dễ chiều lòng người. Năm 2009, thấy sức khỏe bản thân thay đổi, Quân đi khám thì phát hiện ra mình cũng đang mắc phải căn bệnh suy thận quái ác như người anh trai.

Thời điểm ấy, sức khỏe của anh trai Quân cũng yếu đi, tồn tại nhờ vào thuốc, sống leo lét như ngọn đèn dầu. Biết rằng không có tiền thuốc thang, anh trai sẽ chết, Quân giấu bệnh để cố gắng đi làm nhưng cũng chẳng được bao lâu.

Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến Quân không thể làm việc
Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến Quân không thể làm việc

Căn bệnh diễn biến nhanh theo chiều hướng xấu đi khiến Quân không kham nổi công việc phụ hồ nặng nhọc, nay đây mai đó. Sợ phải mất thêm một khoản chi phí, cậu không dám nhập viện điều trị, thuốc cũng không dám mua để mặc bệnh tật từng ngày tàn phá cơ thể.

19 năm sống với bệnh tật, đến năm 2011, anh trai Quân ra đi lúc tuổi vừa tròn 22. Sau đám tang anh trai, bệnh tình của Quân cũng chuyển hướng xấu đi. Do không thăm khám, không uống thuốc, ăn uống không đầy đủ khiến thân hình Quân bị phù nề, cân nặng từ gần 60kg tăng lên 74 kg khiến phần da lưng bị của cậu bị rạn từng mảng lớn, sức khỏe suy kiệt rất nhanh.

Ca khúc gánh mẹ của nhạc sĩ Quách Beem do chính Quân thể hiện 

Vẫn khao khát được “gánh mẹ” một lần

Không lâu sau đó, ông bà ngoại cũng lần lượt bỏ Quân đi. Cậu bảo: “Ông bà em mất em bị sốc tinh thần một thời gian dài sau tướng nhưng không trụ nổi. Em sụt một lúc hàng chục cân, rơi vào tình trạng trầm cảm, cộng với diễn biến bệnh tật nặng thêm khiến em kiệt quệ”.

Ông bà mất, Quân chỉ một mình lủi thủi vào ra trong căn nhà nhỏ. Mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh suy thận đang ở giai đoạn cuối khiến Quân thở chẳng ra hơi, cổ như có ai bóp ngẹt

Có nhiều lần Quân tưởng mình đã trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà nhỏ mà không ai biết. Có muốn gọi hàng xóm cũng chẳng đủ hơi sức. Nhưng ông trời có lẽ vẫn chưa muốn Quân ra đi nên cậu vẫn còn sống lay lắt tới ngày hôm nay.

Không còn chỗ dựa cả về mặt tinh thần lẫn cuộc sống, kèm thêm bệnh tật hành hạ, đã có lúc Quân muốn từ bỏ cuộc sống để tìm gặp anh trai và ông bà ngoại ở bên kia thế giới. “Chỗ em đang ở đây ngày trước là bãi đất hoang hóa, xa dân làng, điện còn chưa có để dùng toàn phải thắp đèn dầu. Ở một mình, ban ngày còn có tiếng cây cối, chim chóc còn bớt cô đơn chứ buổi đêm thì sợ lắm. Có nhiều lúc em muốn đi theo anh trai với ông bà cho hết kiếp”, Quân tâm sự.

Phùng Văn Quân luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan trước bệnh tật
Phùng Văn Quân luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan trước bệnh tật

Thế nhưng vào những lúc cùng cực nhất, cô đơn nhất, Quân vẫn vượt qua nỗi sợ hãi của sự cô đơn, bệnh tật, vươn lên tiếp tục sống, không đầu hàng số phận. Liều thuốc tinh thần khiến suy nghĩ của Quân thay đổi đó là âm nhạc.

Những lúc cô đơn, trống vắng nhất Quân thường tìm đến âm nhạc. Nhờ âm nhạc, Quân biết ở đâu đó ngoài kia vẫn còn có những hoàn cảnh khó khăn hơn mình gấp bội phần vẫn đang cố gắng vươn lên thì mình không thể vội vàng từ bỏ cuộc sống như vậy được.

Những lúc cô đơn, Quân lại mở nhạc ra nghêu ngao hát. Quân bảo, bình thường, ngay cả đến việc thở em còn cảm thấy khó khăn nhưng chẳng hiểu sao bản thân có thể hát rất “sung”. Cậu có thể hát cả đêm, hết bài này đến bài khác mà vẫn không cảm thấy mệt.

Quân hát nhiều bài, bài nào phù hợp với nỗi lòng mình là cậu hát. Trong đó có bài “Gánh mẹ”. Quân tâm sự, dù mẹ nhẫn tâm bỏ đi và chẳng một ngày "gánh con" nhưng cậu không giận, không oán mà vẫn khát khao muốn được "gánh mẹ" dù hiện tại bản thân mình cũng chẳng còn chút sức lực nào.

“Cho con gánh mẹ một lần/ Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con/ Cho con gánh mẹ đầu non/ Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời...” Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến những tiếng ngân của Quân không còn dài và vang như trước nữa nhưng giọng hát vẫn còn rất trong và ngọt.

Quân có năng khiếu về ca hát và thường dùng tiếng hát của mình để kêu gọi ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống
Quân có năng khiếu về ca hát và thường dùng tiếng hát của mình để kêu gọi ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Bài hát kết thúc cũng là lúc Quân hướng ánh mắt mình về phía di ảnh của người anh trai và nghĩ đến ông bà ngoại. “Trước đây, nhà ông bà ngoại em nghèo lắm. Bốn người phải sống trong túp lều tạm, mưa gió là ướt hết. Giờ đây có ngôi nhà vững chãi thì ông bà và anh trai không còn nữa”, Quân nghẹn ngào.

Căn nhà nhỏ này do chính tay Quân tự xây một mình bằng số tiền mấy triệu đồng dành dụm và người khác giúp đỡ. Không có điều kiện thuê thợ, cũng không có ai giúp nên Quân tranh thủ làm, mỗi ngày một ít.

Để cuộc sống bớt nhàm chán, Quân tìm hiểu và gia nhập một câu lạc bộ gồm các thành viên yêu thích công việc thiện nguyện. Công việc của Quân là tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ và dùng chính khả năng ca hát của mình để vận động gây quỹ.

Quân cho biết việc hoạt động trong nhóm khiến cậu mạnh mẽ và lạc quan hơn trong cuộc sống. Hiện nhóm thiện nguyện Quân tham gia đang cưu mang cho một số trường hợp cụ già neo đơn và hai em nhỏ bị bố mẹ bỏ rơi.

Những ngày cuối của cuộc đời, Quân vẫn luôn hướng về người mẹ đã bỏ mình ra đi nhiều năm trước mà không một lời oán than
Những ngày cuối của cuộc đời, Quân vẫn luôn hướng về người mẹ đã bỏ mình ra đi nhiều năm trước mà không một lời oán than

Nói về căn bệnh của mình, Quân cho biết bản thân được các bác sĩ thông báo bệnh đang ở giai đoạn cuối và thời gian cũng còn không lâu nữa. “Có thể trong năm nay hoặc may mắn hơn thì sang năm anh ạ. Bác sĩ bảo vẫn có phương pháp để em kéo dài thêm sự sống thậm chí chữa khỏi căn bệnh này bằng cách ghép thận nhưng giờ hoàn cảnh em không lo nổi.

Còn nếu chạy thận nhân tạo hoặc lọc dịch màng bụng thì em có thể kéo dài được sự sống, chi phí cũng rẻ hơn nhưng em không muốn anh ạ. Rồi mình cứ phải gắn bó hết từ giờ đến lúc chết với bệnh viện. Em muốn làm những gì mình thấy thoải mái nhất, tự do nhất. Nếu ông trời muốn em phải ra đi sớm em cũng đã sẵn sàng cho điều đó từ lâu rồi. Vậy nên em sẽ cố gắng sống thật tốt những ngày cuối cùng của mình”.

Hôm nay (30/10) vừa đúng ngày sinh nhật của Quân. Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng từ sáng sớm, nhiều người bạn của Quân đã có mặt để tổ chức sinh nhật cho cậu. Chắc hẳn trong thâm tâm, ai cũng mong một điều gì đó thần kỳ sẽ đến với Quân trong dịp sinh nhật có thể là cuối cùng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ