Người cựu binh nghĩa hiệp

GD&TĐ - 20 năm vào sinh ra tử tại chiến trường miền Nam, ngẫm rằng từng ấy thời gian cống hiến đã là đủ. Nhưng cựu chiến binh Ngô Xuân Tự không hề nghĩ như vậy...

Một em nhỏ được ông Tự trao xe đạp và quà trong chương trình khuyến học.
Một em nhỏ được ông Tự trao xe đạp và quà trong chương trình khuyến học.

Cưu mang người dưng

Chuyện trong thời chiến, chúng tôi xin được nói sau. Còn hiện thời, cựu chiến binh Ngô Xuân Tự đang là người đứng đầu một xưởng dạy nghề sản xuất từ thiện tại quê nhà Thạch Cầu (Long Biên – Hà Nội).

Hơn 100 học viên trong xưởng này là ngần ấy số phận, mà nếu kể ra có lẽ chẳng ai không phải rơi lệ. Họ được xem là những số phận buồn, từng rơi vào cảnh bi đát, tăm tối nhất của cuộc sống.

Nhưng từ khi được đến ngôi nhà của ông Tự, cuộc đời họ đã sang trang khác. Quá khứ khổ cực dần được thay đổi, ví như vén mây thấy được Mặt trời. Có thể nói vậy là hơi quá, nhưng tận mắt chứng kiến, tận tai nghe những lời thủ thỉ của họ, chúng tôi mới nghiệm ra đó là sự thật.

Anh Ngô Quyết Tâm – tạm gọi anh với cái tên như vậy - bảo rằng, khi chưa về với xưởng từ thiện của bố Tự, anh không biết tên mình là gì, quê quán ở đâu, bố mẹ gia đình thế nào.

Anh chỉ nhớ, vào một chiều mùa đông, anh được mẹ bảo chờ ở gốc cây ven bến xe Giáp Bát. Ngồi chờ rất lâu, chờ cả đêm, chờ sang đến ngày hôm sau, anh cũng không thấy mẹ đến đón.

Đứa bé có quê, có mẹ mà thành không gia đình trong một chốc lát. Thế rồi thành vất vưởng, và bản năng sinh tồn đã biến cậu bé trong trắng thành một “cú đêm”. Trộm cắp, cướp giật, làm những việc vô thiên, vô pháp… cho đến khi thành một thanh niên thì cũng là lúc cậu bé mồ côi thấy đời mình đã tàn.

“Tàn theo đúng nghĩa đấy ạ. Vừa nghiện ma túy, nghiện rất nặng, lại bị liệt hai chân do ăn cắp bị bắt và bị người ta cắt gân. Lê lết đi xin từng miếng cơm, và vẫn cố ăn cắp để có tiền chích hút. Đời như vậy không phải là đời tàn thì còn là đời gì nữa anh nhỉ?”, Tâm nói với chúng tôi.

Thế rồi, đến năm 2015, trong khi nằm chờ chết ở mé chân cầu Long Biên, kẻ sắp tàn đời kia được ông Tự bế về nhà. Sau ăn uống, tỉnh táo hơn và sự thể cũng được giãi bày. Ông Tự bảo với kẻ sắp tàn đời: “Con còn trẻ, còn cơ hội làm lại. Nếu quyết tâm, bác sẽ giúp”. Thế rồi, anh được đặt tên Ngô Quyết Tâm. Cái tên ấy cũng là để anh quyết tâm từ bỏ những cám dỗ tội lỗi, trở lại làm người lương thiện.

Sau hơn một năm vật vã trong những cơn thèm thuốc, anh Tâm đã vững tâm làm một người lương thiện. Trở thành một học viên, rồi một công nhân cho đến khi đứng máy hướng dẫn cho những học viên khác, anh Tâm thực sự đã tìm thấy ánh sáng cho đời.

Hơn 100 học viên ở đây, chẳng ai là máu mủ với ông Tự cả. Tất cả đều là người dưng, và họ đều gọi ông là bố - một người bố tuy không có công sinh, nhưng có công dưỡng. Mà công dưỡng, như người xưa đã nói thì bao giờ cũng lớn lao hơn cả công sinh.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao kỉ vật cho cựu chiến binh Ngô Xuân Tự trong cuộc gặp mặt những người có công.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao kỉ vật cho cựu chiến binh Ngô Xuân Tự trong cuộc gặp mặt những người có công.

Người của thời chiến

76 tuổi, nhưng dáng người ông Tự vẫn rất khỏe mạnh. Ông bảo, là người của thời chiến nên tư thế hào sảng, vận động đã giúp ông giữ được sức vóc. Thanh niên trai trẻ, nhiều người theo được như ông đã khó. Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Cậu học sinh Ngô Xuân Tự dù chưa đủ tuổi tòng quân vẫn chích máu viết đơn xin nhập ngũ.

Ông Tự nhớ lại: “Khi ấy, thấy thanh niên khám tuyển đông quá mà tôi sốt ruột. Vừa đưa giấy tờ ra thì anh cán bộ đã bảo về đi vì chưa đủ tuổi. Thế là tôi đặt tay trỏ lên bàn, lấy con dao găm cắt đứt một đốt, dùng máu viết đơn trên chiếc khăn trắng. Các anh cán bộ trong ban tuyển quân, thấy vậy hãi quá mới cho tôi trúng tuyển”.

Ngay trong và sau buổi lễ tuyển quân ấy, câu chuyện cậu tân binh Ngô Xuân Tự chặt ngón tay lấy máu viết đơn đã được tuyên truyền rộng rãi đến khắp các làng xã mỗi khi vào đợt tuyển quân để các thanh niên khác thời ấy noi theo ý chí quyết tâm ra trận chiến đấu bảo vệ quê hương, giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc.

Ngày nhập ngũ ông là lính bộ binh trong Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu V. Trong những năm đầu, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ, trong khi đó phía ta rất thiếu thốn vũ khí, đạn dược.

Cựu chiến binh Ngô Xuân Tự (ở giữa hai em nhỏ) trao quà cho các gia đình khó khăn.
Cựu chiến binh Ngô Xuân Tự (ở giữa hai em nhỏ) trao quà cho các gia đình khó khăn.

Trong tình thế đó, chiến sĩ Ngô Xuân Tự đã nghĩ ra cách tháo đầu đạn M79 rồi dùng súng cao su bắn vào các vị trí mà địch đóng quân. Cách đánh này đã loại được rất nhiều tên địch, và gây cho chúng tâm lý hoang mang. Cấp trên liền cho truyền lại cách đánh này tới các đơn vị khác.

Năm 1969, tại chiến trường Duy Xuyên (Quảng Nam) ông bị thương bởi mảnh pháo trong trận càn của địch. Ông Tự được chuyển ra Bắc điều trị. Tháng 4/1970, ông lại hành quân vào Nam và chuyển về Tiểu đoàn 54 tên lửa. Đến năm 1985, chiến sĩ Ngô Xuân Tự được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Dũng sĩ diệt Mỹ.

Là thương binh 2/4, mất 78% sức khỏe, thương tích khắp người lại mất đi nhiều phần trong cơ thể như xương đầu gối, bánh chè cùng một mảnh pháo vẫn đang nằm trong đầu... nhưng có một thứ ông không bao giờ để mất, đó là lòng tự trọng và tinh thần nghĩa hiệp.

Chuyện giờ mới kể

Nhiều đồng đội, đồng chí được ông Tự giúp đỡ.
Nhiều đồng đội, đồng chí được ông Tự giúp đỡ.

Trong suốt gần 30 năm lăn lộn khắp nơi tìm gặp những số phận buồn để đưa về nuôi dưỡng, ông Tự không khỏi ngậm ngùi về một cô gái trẻ mang trong mình căn bệnh HIV. Cuối năm 2007, ông Tự ra nghĩa địa thắp hương mộ gia tiên. Đang lẩm nhẩm cầu khấn, ông chợt nghe quanh đấy có tiếng rên nhỏ.

Ông đi tìm và thấy dưới ngôi mộ đào sẵn có người nằm ở dưới. Ông vội kéo tấm bê tông ra thì phát hiện một cô gái mụn nhọt lở loét, đang nằm chờ chết. Ông đưa tay kéo lên thì cô gái run rẩy, nói: “Bác đừng động vào, con bị sida đấy”. Ông Tự trả lời: “Bệnh gì thì bệnh, lên đây với bố”.

Ông nhanh chóng bế cô gái về nhà tắm rửa, chăm sóc như con đẻ. Cô gái đó tên là Phạm Thị Viết Loan, người Phú Thọ là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Luật Hà Nội. Loan cho ông Tự biết vài năm trước, con trai chủ nhà trọ đã hãm hiếp và khiến cô mắc phải căn bệnh oan nghiệt này.

Nhưng đau đớn hơn, gia đình không có ai lắng nghe, không có ai đồng hành và vì muốn giữ danh tiếng khi đang là công chức nên nhẫn tâm đuổi cô ra đi. Không nơi nương tựa, Loan vất vưởng ở các nghĩa địa chờ chết.

Ngày 28/3/2008, biết không qua khỏi, Loan trăn trối với ông Tự: “Bố ơi! Bố không sinh ra con nhưng con xin được mang họ của bố ghi trên bia mộ. Từ giờ phút này cho con được là con của bố”. Nói xong, Loan gục đầu tắt thở.

Chuyện này, giờ ông Tự mới kể, nhưng ở Long Biên, nhiều người chứng kiến đã không cầm được nước mắt. Người ta luôn kính trọng một con người tử tế và cúi đầu trước cái thiện.

30 năm qua, ông Tự đã nuôi dưỡng và cưu mang hơn 400 mảnh đời có số phận khác nhau. Nhiều cháu đã trưởng thành khôn lớn trở về muốn báo hiếu nhưng ông nói với chúng: “Bố không cần các con báo hiếu gì cho mình, nếu có thì hãy giúp đỡ các em con đang ở đây này”.

Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, nhưng ông Tự vẫn luôn trăn trở khi có nhiều đồng đội hi sinh chưa tìm thấy phần mộ, vẫn bơ vơ nơi đất khách quê người.

Ðó cũng là lý do mà ông cùng các đơn vị bộ đội đi tìm khắp các chiến trường xưa, kể cả sang Lào, Campuchia... tham gia tìm kiếm, quy tập đồng đội đã hi sinh được trở về với gia đình, về mái nhà chung cùng anh em đồng đội.

“Trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải nâng đỡ người khác, đặc biệt những người khổ ải, bệnh tật, cơ nhỡ. Cái bắt tay, sự nâng đỡ, giúp sức trong những lúc người khác sa cơ nó ấm áp lắm. Làm con người, nếu cứ ngoảnh mặt với đồng loại, thì tôi không biết nói gì ngoài hai chữ: Tàn nhẫn”. Cựu chiến binh Ngô Xuân Tự

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.